15:16 04/04/2008

Châu Á tăng cường xúc tiến thương mại

Hồng Thoan

Diễn đàn xúc tiến thương mại châu Á (ATPF) lần thứ 21 do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Hà Nội diễn ra trong hai ngày 3/4 và 4/4/2008

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam kỳ vọng kỳ họp tạo được dấu mốc mới trong quá trình hợp tác giữa các tổ chức xúc tiến thương mại châu Á.
Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam kỳ vọng kỳ họp tạo được dấu mốc mới trong quá trình hợp tác giữa các tổ chức xúc tiến thương mại châu Á.
18 đoàn thành viên là các cơ quan xúc tiến thương mại của các nền kinh tế châu Á đã tham dự Diễn đàn xúc tiến thương mại châu Á  (ATPF) lần thứ 21 do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 3/4 và 4/4/2008.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các tổ chức xúc tiến thương mại thành viên ATPF đang trở thành những động lực, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc xúc tiến phát triển kinh tế khu vực châu Á.

Phó thủ tướng đề nghị các thành viên cần đưa ra những sáng kiến, những biện pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trong khu vực nói chung và mỗi nước nói riêng, hỗ trợ tích cực hơn nữa cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp châu Á bởi nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những diễn biến phức tạp, tạo ra những thách thức mới cho mỗi doanh nghiệp và mỗi tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư.

Quá trình tự do hoá thương mại, đầu tư đã và đang mang lại những cơ hội và lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu, đem lại sự thịnh vượng cho những nền kinh tế đang tham gia tích cực vào quá trình này.

Trong xu thế đó, mỗi nền kinh tế đều tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ doanh nghiệp theo phương thức riêng, trong đó, vai trò của tổ chức xúc tiến thương mại quốc gia là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp trong quá trình tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế.

Từ giữa những năm 1980, để duy trì tính năng động của khu vực châu Á, Nhật Bản đã khởi xướng việc xây dựng một diễn đàn chung giữa các nước trong khu vực và đã được nhiều nền kinh tế hoan nghênh. Trên cơ sở đó, ATPF được thành lập năm 1987 với sự tham dự của đại diện các tổ chức xúc tiến thương mại của các nền kinh tế trong khu vực châu Á.

Mục tiêu của ATPF là nhằm tăng cường, thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu vực đẩy mạnh xuất khẩu. Đến nay, ATPF có 21 thành viên.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Trưởng đoàn Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn ATPF 21 cho biết, hội nghị lần này diễn ra với chủ đề “Thách thức đối với các tổ chức xúc tiến thương mại: Phục vụ cộng đồng doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiệu quả hơn”.

Theo tôn chỉ của diễn đàn và chủ đề của kỳ họp, hội nghị gồm hai phiên thảo luận. Phiên thứ nhất có tiểu đề “Hiểu rõ đối tượng của một tổ chức xúc tiến thương mại” với các tham luận của đoàn tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản, Australia, Philippines, Malaysia, Việt Nam...

Phiên thứ hai với tiểu đề “Phục vụ cộng đồng doanh nghiệp trong kỷ nguyên quốc tế hoá” với các tham luận của đoàn Tổ chức xúc tiến thương mại Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Macao, Đài Loan, New Zeland, Hàn Quốc, Mông Cổ... Còn đoàn Việt Nam sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong việc tiếp cận và phục vụ các đối tượng xúc tiến thương mại.

Tại hội nghị còn có các báo cáo kết quả cuộc họp nhóm lần thứ 16, tình hình triển khai việc tổ chức triển lãm chung ATPF lần thứ 3 của Uỷ ban Hội chợ triển lãm AEIC, thảo luận về Chương trình Xây dựng năng lực (CBIP) và giới thiệu về kỳ họp ATPF lần thứ 22 năm 2009 sẽ diễn ra tại Trung Quốc.

Theo ông Yasuo Hayashi, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), hoạt động của ATPF không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ cuộc họp thường niên và cuộc họp nhóm làm việc mà còn mở rộng thêm như các sáng kiến chung nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức xúc tiến thương mại thành viên ATPF, chẳng hạn như chương trình nâng cao năng lực, tổ chức Hội chợ triển lãm chung ATPF, nâng cấp trang web ATPF... góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác giữa các nền kinh tế thành viên.

Theo đại diện của các đoàn tham dự, đã đến lúc cần đưa ra những mục tiêu mới để tận dụng tối đa những kinh nghiệm và khuôn khổ hợp tác mà ATPF đã gây dựng được. Hỗ trợ phát triển thương mại trong khu vực không chỉ đơn thuần thông qua việc trao đổi thông tin, tri thức và kinh nghiệm mà còn thông qua việc tận dụng tối đa mạng lưới các tổ chức xúc tiến thương mại thành viên ATPF.

Có như vậy mới thúc đẩy hợp tác tốt hơn trong việc giải quyết những vấn đề chung trong khu vực như năng lượng, môi trường và sự phát triển cơ sở hạ tầng.

Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam kỳ vọng kỳ họp tạo được dấu mốc mới trong quá trình hợp tác giữa các tổ chức xúc tiến thương mại châu Á, góp phần quan trọng trong phát triển thương mại, du lịch, mở rộng đầu tư, đặc biệt là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đẩy mạnh xuất khẩu.