10:13 03/12/2022

Châu Âu chốt mức trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga

Bình Minh

Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và Australia ngày 2/12 tuyên bố đã nhất trí mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển...

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - Ảnh: Reuters.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - Ảnh: Reuters.

Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) và Australia ngày 2/12 tuyên bố đã nhất trí mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển, sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) vượt qua được sự phản đối của Ba Lan và đạt một thoả thuận chính trị về vấn đề này.

Theo tin từ Reuters, EU đã đạt thoả thuận về con số cụ thể về trần giá áp lên dầu Nga sau khi Ba Lan - nước trước đó phản đối - chấp nhận mức giá trần này. Thoả thuận mở đường cho việc phê chuẩn chính thức vào cuối tuần. Trong một tuyên bố, G7 và Australia cho biết trần giá sẽ chính thức được áp dụng vào ngày 5/12 hoặc không lâu sau đó. Liên minh này cũng nói bất kỳ đợt điều chỉnh nào đối với trần giá cũng bao gồm điều khoản cho phép các giao dịch tuân thủ đúng mức trần cũ được hoàn tất.

“Liên minh trần giá cũng có thể cân nhắc có thêm biện pháp để đảm bảo trần giá được thực thi”, tuyên bố nói, nhưng chưa nêu các biện pháp cụ thể.

Áp trần giá lên dầu Nga là ý tưởng của G7, nhằm mục đích kép là vừa giảm nguồn thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô, vừa ngăn chặn nguy cơ tăng vọt của giá dầu thế giới sau khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.

Việc Ba Lan phản đối mức giá trần 60 USD/thùng xuất phát từ việc nước này muốn EU đưa ra một trần giá thấp hơn nữa để siết chặt nguồn thu của Nga. Tuy nhiên, đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sadosnói với các nhà báo rằng nước này đã ủng hộ thoả thuận của EU - trong đó có một cơ chế giữ trần giá dầu thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường. Giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng thoả thuận này là chưa từng có tiền lệ và phản ánh quyết tâm của EU phản đối chiến tranh Nga-Ukraine.

Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng trần giá vừa được quyết định sẽ khiến cho thu ngân sách của Nga giảm mạnh. “Thoả thuận này sẽ giúp chúng ta ổn định được giá năng lượng toàn cầu, mang lại lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi trên thế giới”, bà von der Leyen viết trên Twitter, và cho biết thêm trần giá sẽ được điều chỉnh theo thời gian, tuỳ theo diễn biến thị trường.

Trần giá đối với dầu Nga và G7 đưa ra vẫn cho phép các nước ngoài EU tiếp tục nhập khẩu dầu thô Nga vận chuyển đường biển, nhưng cấm các công ty vận tải biển, bảo hiểm và tái bảo hiểm cung cấp dịch vụ cho các lô dầu Nga nếu những lô dầu đó được bán với giá thấp hơn giá trần. Do các công ty vận tải biển và bảo hiểm lớn nhất đều đặt tại các nước G7, trần giá mà G7 áp đặt sẽ khiến cho Nga rất khó có thể bán dầu với giá cao hơn giá trần.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng trần giá sẽ đặc biệt có lợi cho các quốc gia thu nhập thấp và trung bình vốn phải gánh chịu nhiều tác động của giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng cao trong năm nay. “Nền kinh tế Nga hiện đang suy giảm và ngân sách của Nga bị kéo căng, trần giá dầu Nga sẽ ngay lập tức đánh vào nguồn thu quan trọng nhất của Nga”, bà Yellen nói trong một tuyên bố.

Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Nga nói với thông tấn xã Tass rằng EU đang tự phá hoại an ninh năng lượng của khối này.

Tuần trước, G7 đề xuất trần giá 65-70 USD/thùng và không có cơ chế điều chỉnh. Sau đó, giá dầu Urals của Nga giảm xuống mức thấp hơn, dẫn tới việc Ba Lan, Lithuania và Estonia yêu cầu một trần giá thấp hơn. Ngày 2/12, dầu Urals có giá khoảng 67 USD/thùng.

Các nước EU đã tranh cãi suốt mấy ngày qua về chi tiết của thoả thuận, trong đó nhiều nước yêu cầu mức giá trần phải được rà soát lại vào giữa tháng 1 và mỗi 2 tháng sau đó - nguồn tin là quan chức ngoại giao EU tiết lộ. Thoả thuận cũng bao gồm thời hạn 45 ngày để các tàu chở dầu nga bốc hàng trước ngày 5/12 có thể dỡ hàng tại điểm đến cuối cùng mà không chịu tác động của trần giá.