16:11 14/10/2022

Châu Âu có đủ khí đốt cho mùa đông năm nay, nhưng năm tới thì sao?

An Huy

Dòng chảy khí đốt từ Nga sang châu Âu đã giảm liên tục kể từ khi nổ ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine, hiện chỉ còn ở mức tối thiểu. Bằng nỗ lực phi thường, châu Âu đã tích luỹ được lượng khí đốt được cho là đủ dùng cho mùa đông năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, mùa đông tiếp theo được dự báo sẽ không dễ dàng đối với Liên minh châu Âu (EU) nếu cung cấp khí đốt Nga không tăng trở lại - trang CNN Business nhận định.

8 tháng sau ngày chiến tranh bùng nổ, châu Âu đã đạt có những bước tiến đầu tiên trên con đường “cai” nguồn cung năng lượng lớn nhất - năng lượng hoá thạch Nga. EU đã cắt giảm nhập khẩu dầu thô Nga, và Nga cũng siết van khí đốt đối với châu Âu. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu McKenzie, tỷ trọng của Nga trong nhập khẩu khí đốt của EU đã giảm còn 9% trong tháng 10 vừa qua, từ mức 36% cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dầu thô Nga của EU cũng giảm 33% trước thời hạn lệnh cấm vận dầu Nga chính thức có hiệu lực vào tháng 12 - theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

AN NINH NĂNG LƯỢNG CHÂU ÂU VẪN MONG MANH

Châu Âu giờ đang đang tiến tới mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạch Nga vào năm 2027. Cùng với đó, khu vực này đẩy mạnh việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Na Uy và Algeria và khí hoá lỏng (LNG) từ Mỹ để bù đắp cho sự mất mát nguồn cung từ Nga.

Dữ liệu từ cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe) cho thấy dự trữ khí đốt của châu Âu hiện đầy 91%, vượt xa mục tiêu 80% mà EU đề ra cho mốc tháng 11.

Tuy nhiên, những kết quả đó đi kèm với cái giá không hề nhỏ đối với nền kinh tế: việc các nước châu Âu ra sức xoay sở nguồn cung năng lượng thay thế đã đẩy giá năng lượng tăng vọt. Giá khí đốt tiêu chuẩn tại thị trường châu Âu dù đã giảm mạnh so với mức đỉnh thiết lập vào cuối tháng 8 nhưng vẫn cao hơn 265% so với cùng kỳ năm ngoái, đặt ra thách thức đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, buộc các chính phủ phải triển khai những gói trợ cấp khổng lồ.

Đức, cường quốc công nghiệp của châu Âu, dự báo nền kinh tế quốc gia sẽ suy giảm 0,4% trong năm 2023.

“Cảm giác phụ thuộc vào năng lượng Nga sẽ không còn rõ trong năm tới. Tuy nhiên, giá cả ở châu Âu sẽ còn nhạy cảm trong nửa sau của thập kỷ này”, chuyên gia cấp cao Georg Zachmann của viện nghiên cứu Bruegel nhận định với CNN Business.

Ngay cả khi dự trữ khí đốt của châu Âu gần đầy “kịch kim”, an ninh năng lượng của khu vực vẫn còn rất mong manh. Khả năng cúp điện hay chia khẩu phần khí đốt vẫn còn trong những tháng sắp tới nếu xảy ra thêm những cú sốc nguồn cung mới hoặc mùa đông lạnh giá hơn bình thường.

Cho dù có trong tay dự trữ khí đốt ít nhất 90%, EU vẫn có thể đối mặt sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới nếu Nga quyết định cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu – theo một báo cáo hồi tháng 7 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Ông Alexei Miller, CEO công ty năng lượng quốc doanh Nga Gazprom, hôm 12/10 nói rằng “chẳng có gì đảm bảo” châu Âu sẽ vượt qua được mùa đông năm nay với dự trữ khí đốt hiện có. Ông Miller nói dự trữ khí đốt của Đức chỉ đủ dùng trong vòng 10 tuần.

Làm đầy dự trữ khí đốt trong năm 2022 sẽ là “bài kiểm tra” lớn tiếp theo của châu Âu.

Hôm 11/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu không phải là “một cú sốc tạm thời” và dù mùa đông năm nay đã khó khăn, “mùa đông 2023 có thể sẽ tồi tệ hơn nữa.

CUỘC CẠNH TRANH TRÊN THỊ TRƯỜNG LNG

Ông Tomas Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích thị trường khí đốt của công ty phân tích ICIS nhận định rằng đến tháng 3, dự trữ khí đốt có thể giảm xuống mức “thấp bất thường” nếu nhiệt độ giảm mạnh trong những tuần sắp tới.

Ngay cả khi các thành viên EU giảm được 15% tiêu thụ khí đốt trong vòng 5 tháng tới như mục tiêu đề mà Uỷ ban châu Âu (EC) hồi tháng 7, việc tích trữ khí đốt trong mùa hè sang năm sẽ không dễ dàng. Khi đó, sự thiếu vắng của nguồn cung khí đốt Nga giá rẻ sẽ là một trở ngại mà các nước châu Âu không dễ vượt qua - theo ông Marzec-Manser.

“Đây mới chỉ là sự khởi đầu”, vị chuyên gia nói thêm.

 

Cho dù có trong tay dự trữ khí đốt ít nhất 90%, EU vẫn có thể đối mặt sự gián đoạn nguồn cung vào đầu năm tới nếu Nga quyết định cắt hẳn cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Khi bị Nga siết van khí đốt, châu Âu ra sức mua LNG để thay thế. Châu Âu và Anh đã tăng khoảng 68% nhập khẩu LNG từ các nguồn ngoài Nga trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay nếu so với cùng kỳ năm 2021 - theo dữ liệu của ICIS.

Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh giành giật nguồn cung trên thị trường LNG toàn cầu vốn dĩ đã quyết liệt và có thể càng căng thẳng hơn khi nền kinh tế Trung Quốc khởi sắc trong năm tới.

“Sự trở lại của nhu cầu LNG của Trung Quốc cũng có thể đặt ra thách thức cho khả năng của châu Âu trong việc tìm mua những lô LNG trong năm tới”, Phó chủ tịch phụ trách mảng thị trường khí đốt và LNG của công ty nghiên cứu năng lượng Rystad Energy, ông Sindre Knutsson, nhận định với CNN Business.

Nguồn cung dầu cũng có thể thắt chặt, bất chấp kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm tới, khi các nền kinh tế giảm tốc. Tuần trước, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga tuyên bố cắt giảm hạn ngạch sản lượng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày bắt đầu từ tháng 11.

CEO Florian Thaler của công ty dữ liệu dầu lửa OilX nói với trang CNN Business rằng trước đây, khi giá dầu thế giới đạt gần 100 USD/thùng như hiện nay, Mỹ thường đẩy mạnh khai thác dầu “ở mức tối đa công suất”. Nhưng hiện nay, Mỹ không làm như vậy - ông Thaler nhấn mạnh.

Các chính phủ ở châu Âu đã cam kết ít nhất 553 tỷ Euro (537 tỷ USD) để bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi sự gia tăng chóng mặt của hoá đơn năng lượng và chi phí sinh hoạt - theo một phân tích của Bruegel. Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã sẵn sàng bơm thêm 200 tỷ Ẻuor (194 tỷ USD) để kéo giá khí đốt trong nước xuống.

Tuy nhiên, những chương trình hỗ trợ như vậy được cho là không bền vững nếu giá bán buôn năng lượng vẫn ở mức cao.

“Các chính phủ nên đặt ra giả định kịch bản trường hợp xấu nhất là giá năng lượng giữ ở mức cao dai dẳng trong 2-4 năm tới”, nhà phân tích Giovanni Sgaravatti của Bruegel nói. Theo Bruegel, giá khí đốt giao sau ở châu Âu đang cao gấp khoảng 8 lần so với giá khí đốt tiêu chuẩn ở Mỹ. Ông Sgaravatti dự báo giá khí đốt ở châu Âu sẽ bình ổn ở ngưỡng cao gấp ít nhất 2,5 lần so với giá ở Mỹ cho tới năm 2026.

BƯỚC LÙI TRONG DỊCH CHUYỂN NĂNG LƯỢNG

“Áp dụng các chính sách nhằm ngăn chặn sự truyền dẫn của giá năng lượng cao tới người tiêu dùng là một ‘canh bạc’ tốn kém và chắc chắn sẽ thất bại nếu giá bán buôn tiếp tục giữ ở mức cao trong tương lai”, vị chuyên gia nói thêm.

Nỗ lực của châu Âu trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế cho nguồn cung từ Nga cũng gây ra tổn thất cho môi trường, cho dù việc này thúc đẩy kế hoạch của châu lục về từ bỏ năng lượng hoá thạch trong tương lai.

 

Lượng tiêu thụ than cho phát điện ở châu Âu đã tăng gần 15% trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Carlos Torres Diaz, trưởng bộ phận phân tích năng lượng của Rystad Energy, nói với CNN Business rằng sự dịch chuyển năng lượng của châu Âu “đã bị dừng lại” do các nước trong khu vực đang phải ưu tiên an ninh năng lượng.

Nỗi sợ xảy ra tình trạng thiếu hụt năng lượng trên diện rộng đã khiến một số quốc gia đưa vào hoạt động trở lại các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than - loại nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm nhất. Lượng tiêu thụ than cho phát điện ở châu Âu đã tăng gần 15% trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 9 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, theo ICIS.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng đã củng cố quyết tâm của EU. Hồi tháng 5, Uỷ ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch trị giá 210 tỷ Euro (204 tỷ USD) mang tên “REPowerEU” để “cai” nhập khẩu năng lượng Nga. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nói rằng kế hoạch này sẽ đẩy nhanh cuộc chuyển đổi của châu Âu sang năng lượng tái sinh.

EU hiện đặt mục tiêu đến cuối thập kỷ này, năng lượng tái sinh sẽ chiếm khoảng 45% sản lượng năng lượng của khối, từ mức 40% hiện nay. “Những nguồn năng lượng này cũng sẽ giúp giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu”, ông Torres Diaz nhận định.