Châu Âu mạnh tay siết các biện pháp chống Covid, biểu tình lan rộng
Nhiều nước châu Âu đã phải tái áp các biện pháp nghiêm ngặt để chống làn sóng Covid-19 đang nổi lên vào đúng thời điểm bước vào mùa đông lạnh giá...
Cuối tuần vừa rồi, hàng chục nghìn người tại các thành phố lớn của châu Âu đã xuống đường biểu tình phản phong toả, dẫn tới bạo lực nghiêm trọng ở một số nơi.
Ở Hà Lan, bạo lực xảy ra trong hai đêm liên tiếp thứ Sáu và thứ Bảy, sau khi Chính phủ nước này công bố các biện pháp hạn chế mới để chống dịch bùng phát. Nhà chức trách Hà Lan đã bắt giữ hàng chục người và triển khai lực lượng cảnh sát kỵ binh cùng chó nghiệp vụ và vòi rồng để giải tán người biểu tình, sau khi đám đông phóng hoả, ném đá và pháo sáng vào cảnh sát.
Biểu tình cũng nổ ra ở Áo, Italy và Croatia, trong bối cảnh chính phủ các nước này buộc phải gia tăng nỗ lực chống lại sự leo thang của số ca nhiễm Covid mới. Hệ thống y tế của các nước châu Âu một lần nữa lại đang đương đầu sức ép và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về làn sóng bệnh dịch trỗi dậy ở khu vực này.
Từ đầu tháng 11 đến nay, Áo, Hà Lan và Đức là ba nước có số ca nhiễm mới tăng nhanh nhất ở Tây Âu. Theo dữ liệu từ Our World in Data, số ca nhiễm mới bình quân hàng ngày trong 7 ngày gần nhất là 48.201 ca ở Đức, 19.794 ca ở Hà Lan và 13.496 ca ở Áo. Tuần trước, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đức Jens Spahn nói rằng khả năng phải phong toả toàn quốc là không thể loại trừ.
Áo bắt đầu phong toả toàn quốc từ ngày 22/11, trở thành nước phương Tây đầu tiên phong toả trở lại sau một thời gian mở cửa. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt cũng chuẩn bị được áp tại nhiều nước châu Âu khác.
Tại Hy Lạp, những người chưa tiêm vaccine sẽ không được phép vào những nơi công cộng trong nhà như nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng và phòng gym. Chứng nhận đã tiêm vaccine của những người trên 60 tuổi chỉ có giá trị trong vòng 7 tháng, sau đó người có chứng nhận phải tiêm mũi nhắc lại để duy trì giá trị của chứng nhận đó.
Tại Slovakia, Thủ tướng Eduard Herger tuyên bố “phong toả đối với những người chưa tiêm vaccine” bắt đầu từ ngày 22/11.
Bỉ là một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất ở châu Âu nhưng cũng đang phải tái áp hạn chế do số ca nhiễm mới tăng nhanh. Trung bình 7 ngày gần nhất, mỗi ngày nước này có 13.827 ca nhiễm mới. Tỉnh có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất của Bỉ là West Flanders cũng đang là tình có số ca nhiễm mới cao nhất ở nước này. Hơn 1 tuần trước, Chính phủ Mỹ đã gia hạn quy định làm việc tại nhà và siết các hạn chế đối với người chưa tiêm vaccine.
Khoảng 35.000 người đã xuống đường biểu tình ở Brussels, thủ đô của Bỉ, vào ngày Chủ nhật. Cuộc biểu tình ngay bên cạnh trụ sở của Liên minh châu Âu (EU) lúc đầu chỉ là tuần hành hoà bình, nhưng sau đó đã biến thành bạo lực khi cảnh sát dùng đến vòi rồng, hơi cay và lực lượng kỵ binh để phản ứng với một nhóm người biểu tình ném vật thể.
Biểu tình ở Hà Lan xảy ra sau khi Chính phủ nước này có kế hoạch chỉ áp dụng “thẻ xanh Covid” cho những người đã tiêm vaccine hoặc mắc Covid đã khỏi bệnh. Trước đó, “thẻ xanh” này được áp dụng đối với tất cả những người có xét nghiệm Covid âm tính. Việc Chính phủ Hà Lan cấm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa sắp tới cũng khiến người dân nổi giận.
Tại thành phố The Hague vào đêm ngày thứ Bảy, 5 cảnh sát đã bị thương và 7 người khác bị bắt. Cảnh sát kỵ binh đã cưỡi ngựa lao vào đám đông biểu tình để giải tán và một người biểu tình đã ném đá vào một xe cứu thương đi ngang qua. Bạo loạn và ít nhất 13 vụ bắt giữ đã xảy ra ở hai thị trấn thuộc tỉnh Lim Burg thuộc miền Nam Hà Lan, mất trật tự cũng xảy ra ở tỉnh Flevoland thuộc miền Bắc nước này.
Trước đó, bạo lực đã xảy ra ở thành phố Rotterdam vào ngày thứ Sáu, buộc cảnh sát phải nổ súng. Nhà chức trách lên tiếng bảo vệ việc sử dụng vũ lực với người biểu tình, với lý do đám đông đã chìm vào một “cơn say bạo lực”. Cảnh sát cho biết có 3 người bị thương do trúng đạn của cảnh sát đang nằm trong bệnh viện vào thời điểm sáng Chủ nhật.
Hàng chục nghìn người ở Áo đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Vienna vào đêm ngày thứ Bảy để phản đối phong toả toàn quốc và kế hoạch bắt buộc tiêm vaccine. Cảnh sát cho rằng số người tham gia cuộc biểu tình này là 40.000 người.
Theo lệnh phong toả mới, người Áo sẽ phải làm việc ở nhà và các dịch vụ không thiết yếu sẽ đóng cửa cho tới ít nhất ngày 12/12. Kế hoạch sẽ được rà soát sau 10 ngày thực hiện.
Ở Zagreb, thủ đô Croatia, hàng nghìn người cũng biểu tình phản đối chính sách tiêm vaccine bắt buộc đối với nhân viên y tế.
Ở Italy, hàng trăm người xuống đường ở thủ đô Rome để phản đối việc áp dụng “thẻ xanh” để ra vào những nơi công cộng, công sở và phương tiện giao thông công cộng.