10:27 19/11/2021

Mỹ chi hơn 5 tỷ USD mua 10 triệu liệu trình thuốc đặc trị Covid-19 của Pfizer

Ngọc Trang

Kết quả thử nghiệm cho thấy thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên của Pfizer cho hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa tình trạng nhập viện hoặc tử vong ở người có nguy cơ cao...

Thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên Paxlovid của hãng dược Pfizer được chụp tại nhà máy ở Ascoli, Italy ngày 16/11/2021 - Ảnh: Reuters
Thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên Paxlovid của hãng dược Pfizer được chụp tại nhà máy ở Ascoli, Italy ngày 16/11/2021 - Ảnh: Reuters

Hãng dược Pfizer ngày 18/11 cho biết Chính phủ Mỹ sẽ trả 5,29 tỷ USD để mua 10 triệu liệu trình thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên đang được thử nghiệm của công ty này. Theo đó, giá trị hợp đồng này lớn gấp đôi so với hợp đồng mà Chính phủ Mỹ ký với hãng Merck & Co Inc cho loại thuốc đặc trị Covid dạng viên tương tự.

Giá bán một liệu trình thuốc của Pfizer là gần 530 USD, thấp hơn gần 25% so với mức giá khoảng 700 USD của Merck.

Đầu tuần này, Pfizer đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cho loại thuốc này, có nhãn hiệu là Paxlovid, sau khi báo cáo dữ liệu thử nghiệm cho thấy thuốc mang lại hiệu quả 89% trong việc ngăn ngừa tình trạng nhập viện hoặc tử vong ở người có nguy cơ cao. Trong khi đó, kết quả thử nghiệm thuốc đặc trị Molnupiravir do Merck phát triển cho hiệu quả 50% trong việc giảm nguy cơ tử vong hoặc bị nhập viện ở bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ mắc bệnh nặng.

"Dù thuốc này vẫn cần được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đánh giá toàn diện, tôi vẫn triển khai ngay các bước để đảm bảo có đủ nguồn cung thuốc điều trị cho người dân Mỹ”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói và cho biết Chính phủ Mỹ đang chuẩn bị để đảm bảo người dân được tiếp cận thuốc điều trị một cách dễ dàng và miễn phí.

Thuốc Paxlovid của Pfizer có tên khoa học là PF-07321332, thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc được gọi là chất ức chế protease – hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần để tái tạo trong tế bào cơ thể người. Paxlovid sẽ được dùng kết hợp với thuốc điều trị HIV thông thường để làm chậm quá trình trao đổi chất hoặc phân hủy của thuốc đặc trị Covid-19, từ đó giúp thuốc có thể hoạt động trong cơ thể lâu hơn với nồng độ cao hơn.

Thuốc đặc trị Covid-19 của Pfizer được dùng cùng với thuốc điều trị HIV - Ảnh: Pfizer
Thuốc đặc trị Covid-19 của Pfizer được dùng cùng với thuốc điều trị HIV - Ảnh: Pfizer

Pfizer cho biết công ty sẽ bắt đầu giao thuốc trong năm nay sau khi thuốc được FDA Mỹ phê duyệt. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/11, giá cổ phiếu Pfizer tăng 1,06% lên 51,41 USD/cổ phiếu. Trong khi đó, giá cổ phiếu Merck gần như đi ngang, chốt phiên ở mức 82,63 USD/cổ phiếu.

Hiện tại, dù tiêm vaccine Covid vẫn là một ưu tiên với người Mỹ, việc có sẵn nguồn cung thuốc đặc trị có thể giúp người dân tránh việc phải nhập viện và đây có thể là “phao cứu sinh” với nhiều người, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Xavier Becerra cho biết.

Pfizer dự kiến từ nay đến cuối tháng 12 sẽ sản xuất 180.000 liệu trình thuốc đặc trị Paxlovid và ít nhất 50 liệu trình tới cuối năm 2022.

Các quốc gia trên thế giới đều đang đổ xô đặt mua các loại thuốc đặc trị dạng viên của Pfizer và Merck, đặc biệt sau khi cả hai công ty công bố kết quả thủ nghiệm khả quan.

Đến nay, Chính phủ Mỹ đã mua 3,1 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir của Merck với giá 2,2 tỷ USD và dự kiến mua thêm 2 triệu liệu trình nữa trong tương lai.

Dù có giá cao hơn thuốc của Pfizer, một liệu trình uống 5 ngày của thuốc Molnupiravir vẫn rẻ hơn 1/3 so với các loại thuốc kháng thể đơn dòng tiêm qua tĩnh mạch đang được dùng để điều trị Covid-19 hiện nay.

Ngoài giá cả, ưu điểm chính của các thuốc dạng viên như Paxlovid và Molnupiravir là cho phép bệnh nhân có thể uống và điều trị bệnh ngay tại nhà. Theo Bloomberg, một loại thuốc kháng virus an toàn, dung nạp tốt, giá cả phải chăng và dễ dùng là phương pháp điều trị Covid-19 lý tưởng.

Merck dự kiến sẽ sản xuất 10 triệu viên Molnupiravir vào cuối năm nay và sản xuất nhiều hơn vào năm sau. Vào tháng 6, hãng dược này đã ký hợp với Chính phủ Mỹ, Australia và nhiều nước khác và chờ thuốc được cấp phép để triển khai cung ứng. 

Merck cho biết công ty sẽ triển khai cơ chế tính giá theo cấp độ dựa trên tiêu chí về mức thu nhập quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) – yếu tố thể hiện tương đối khả năng tài chính trong việc ứng phó với đại dịch của các quốc gia. Hồi tháng 4, hãng dược Mỹ đã công bố các thỏa thuận cấp phép tự nguyện với các nhà sản xuất thuốc gốc ở Ấn Độ để đẩy mạnh khả năng cung ứng Molnupiravir tại hơn 100 quốc gia thu nhập thấp và trung bình ngay khi thuốc được cấp phép.

Trong khi đó, Pfizer mới đây cũng đã đồng ý cấp phép sản xuất thuốc đặc trị Covid-19 của mình với một thỏa thuận với Tổ chức Bằng sáng chế Thuốc (MPP). Theo thỏa thuận, Pfizer sẽ chia sẻ công thức thuốc này để sản xuất tại 95 quốc gia. Quyết định của Pfizer được đưa ra khoảng một tháng sau quyết định tương tự của Merck với việc cấp phép cho 105 quốc gia theo thỏa thuận với MPP.