14:15 10/05/2021

Chi lương hưu, trợ cấp qua tài khoản mới tập trung ở khu vực đô thị

Phúc Minh

Tính đến hết năm 2020, toàn quốc có khoảng 42% số người hưởng nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân với số tiền chi trả chiếm khoảng 39%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đó, có khoảng 48% số người hưởng và 45% số tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.

Với kết quả này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá việc đẩy mạnh chi qua tài khoản ATM mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị.

Đến nay, ngoài kết nối thanh toán điện tử song phương với 5 hệ thống ngân hàng thương mại: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank, MB để quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã chuẩn hóa thông tin dữ liệu người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Qua đó sẵn sàng chia sẻ dữ liệu thông tin của người hưởng với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán theo quy định của pháp luật.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến khích người hưởng nhận chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp qua tài khoản cá nhân giúp người dân tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tự đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

 

Hiện nay, cả nước có khoảng 3,2 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thường xuyên và hơn 200.000 người hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp thất nghiệp/tháng.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn còn một số khó khăn như: người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng đa phần là người lớn tuổi, sợ rủi ro, trục trặc khi rút tiền tại các máy ATM.

Đặc biệt là tâm lý và thói quen sử dụng tiền mặt, thậm chí nhiều người coi việc đi lại nhận chế độ bằng tiền mặt là cơ hội để gặp gỡ, giao lưu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hiện còn nhiều loại phí dịch vụ, việc đẩy mạnh chi qua tài khoản ATM mới chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Còn tại nông thôn vùng sâu, vùng xa, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nên việc triển khai mô hình đại lý của ngân hàng còn chậm.

Ngoài ra, hiện tại chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM dẫn đến cơ quan bảo hiểm xã hội không có thông tin kịp thời cho người hưởng là chủ thẻ ATM từ trần nên khó thu hồi số tiền đã chi những tháng sau khi người hưởng từ trần...