09:14 24/02/2012

Chiến lược phát triển ngành than là... tăng mạnh nhập khẩu

Mạnh Chung

Chính phủ sẽ có cơ chế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… ra nước ngoài để tìm kiếm các mỏ than mới

Đến năm 2020, nhu cầu than cho ngành điện lên tới 77 triệu tấn, tuy nhiên than trong nước chỉ đáp ứng được 29 triệu tấn.
Đến năm 2020, nhu cầu than cho ngành điện lên tới 77 triệu tấn, tuy nhiên than trong nước chỉ đáp ứng được 29 triệu tấn.
Nhu cầu than trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh, chỉ riêng than cho điện đến năm 2020 đã lên tới 77 triệu tấn, trong khi than trong nước chỉ đáp ứng được 29 triệu tấn.

Vì thế, có thể nhìn thấy rằng, chiến lược phát triển của ngành than trong những năm tới là… tăng mạnh nhập khẩu.

Đây là thông tin được nhấn mạnh tại buổi họp báo công bố quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, xét triển vọng đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt của Bộ Công Thương, chiều 23/2.

Nhập là chính

Theo quy hoạch, sẽ có khoảng 46 nhà máy điện chạy than với tổng trữ lượng than tiêu thụ 77 triệu tấn than, trong đó có khoảng 25 nhà máy sẽ sử dụng than trong nước với khối lượng 29 triệu tấn/năm, và 21 nhà máy sẽ sử dụng than nhập khẩu với tổng khối lượng lên tới 48 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, đến năm 2030, nhu cầu than cho điện sẽ còn tăng hơn gấp đôi.

Cụ thể, đến năm 2030, sẽ có khoảng xấp xỉ 70 nhà máy điện than, nhu cầu lượng than cho điện sẽ lên tới trên 160 triệu tấn/năm, trong đó, 24 nhà máy sử dụng than nội địa với khoảng hơn 31 triệu tấn than/năm, số còn lại sẽ dùng than nhập khẩu với khối lượng là 130 triệu tấn/năm.

Riêng với nguồn than trong nước, ông Nguyễn Khắc Thọ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng cho rằng, mặc dù, hiện bể than đồng bằng sông Hồng có tiềm năng lớn nhưng trước mắt, sẽ lựa chọn những vùng có tiềm năng về trữ lượng, điều kiện khai thác thuận lợi và ít ảnh hưởng đến môi trường môi sinh và sẽ tiến hành khai thác với những bước đi thận trọng, đảm bảo lợi ích trước mắt và lâu dài.

Còn bể than Đông Bắc, theo ông Thọ, sẽ được tiến hành khai thác tối đa.

“Dù vậy, nguồn than nội địa còn quá ít cho nhu cầu phát triển năng lượng quốc gia, vì nhu cầu than sẽ tăng rất nhanh trong những năm tới”, ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) nói.

Và theo ông Thắng, Chính phủ sẽ có cơ chế phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư… ra nước ngoài để tìm kiếm các mỏ than mới, tìm những nguồn than nhập khẩu ở các thị trường mới và các đối tác mới, đề đem nguồn than về trong nước.

Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành than, dự kiến tổng vốn đầu tư cho toàn ngành than đến năm 2020 khoảng 317.736 tỷ đồng (bình quân 35.304 tỷ đồng/năm), trong đó, giai đoạn đến năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư khoảng 208.580 tỷ đồng (bình quân 41.716 tỷ đồng/năm) và giai đoạn 2016-2020 là 109.156 tỷ đồng (bình quân 21.831 tỷ đồng/năm).

Theo đó, vốn đầu tư phát triển ngành than theo quy hoạch được thu xếp từ các nguồn vốn tự có, vay thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Giá than cho điện sẽ tăng, nhưng linh hoạt

Một vấn đề khác được nêu tại buổi họp báo là lộ trình tăng giá than cho điện như thế nào, vì việc tăng giá than cho điện sẽ trực tiếp tác động rất lớn đến việc tăng giá điện.

Ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, hiện giá than cho điện nếu tính theo giá thành khai thác đã được kiểm toán năm 2010 thì mới được 57 – 63%, so với giá thành năm 2011 thì mới thực hiện được 51-55%,

Hơn nữa, mức chênh giữa giá thành sản xuất với giá bán cho điện của Tập đoàn Than năm 2010 bình quân là khoảng 3.000 tỷ đồng, năm 2011 là 5.000 tỷ đồng, tức mức giá bán than cho điện thấp hơn chi phí sản xuất.

“Nhưng nếu không tăng giá thì sẽ rất khó khăn để phát triển các ngành than vì nhu cầu vốn đến 2015 là rất lớn, bình quân hàng năm xấp xỉ 42 nghìn tỷ đồng”, ông Thọ phân tích.

Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Nguyễn Khắc Thọ, việc tăng giá than cho điện khá nhạy cảm, vì nếu điều chỉnh giá bán than cho điện lên 70 – 80% so với giá thành sản xuất năm 2010 (giá thành được kiểm toán) thì giá hoạch toán bán than cho điện sẽ tăng khoảng 26% và mức này sẽ làm tăng 18 đồng/kw điện. Hoặc, nếu tăng giá bán than cho điện theo cơ chế thị trường ngay năm 2012 thì sẽ tăng khoảng 200 đồng/kw.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, lộ trình tăng giá than cho điện sẽ có những bước đi phù hợp với tình hình chung của nền kinh tế để vừa khuyến khích ngành than phát triển vừa tạo môi trường thu hút đầu tư và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Cùng với đó, để cân đối nguồn than xuất nhập khẩu cho phù hợp chiến lược phát triển, trong quy hoạch của ngành này cũng sẽ tính đến việc giảm dần xuất khẩu, với lộ trình giảm xuống 8 triệu tấn/năm, 5 triệu và 3 triệu tấn/năm.