Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Bài toán lựa chọn giữa dòng vốn FDI kỷ lục
Ông Thành nói rằng nếu dễ bị mua chuộc, dễ dãi trong điều kiện về môi trường, về kinh doanh, về người lao động thì chỉ đón được người phù hợp với sự dễ dãi đó.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Đỉnh điểm, Mỹ đã áp thuế 25% đối với hơn 300 tỷ USD hàng hoá từ Trung Quốc và đe doạ sẽ áp thuế tiếp 325 tỷ USD hàng hoá còn lại của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ. Giới kinh tế nhận định sẽ có một dòng dịch chuyển vốn và dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, Ấn Độ.
Chủ đề Việt Nam thế nào trong chiến tranh thương mại mỗi chuyên gia, doanh nghiệp lại có những nhận định riêng, từ đó có những hành động đón cơ hội khác nhau.
Việt Nam chỉ là một lựa chọn
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong lễ công bố báo cáo thường niên ngày 29/5 cho biết, đối với các doanh nghiệp Nhật, Mỹ, Việt Nam không phải là điểm đến số 1 mà đó là Thái Lan, Malaysia, Indonesia - nơi họ đã có cơ sở hạ tầng tương đối tốt trong quá khứ cũng như lao động dồi dào và có lợi thế tiếng Anh. Việt Nam chỉ là một ứng cử viên.
Ông Thành kể có tiếp xúc với cựu đại sứ Nhật Bản và ông ấy cho biết 2 vạn doanh nghiệp Nhật Bản đang loay hoay tìm hướng đi do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
"Nhưng họ có vào Việt Nam không? Chúng ta cứ từ từ quan sát sẽ thấy", ông Thành nói.
Vị này cho rằng, môi trường kinh doanh biến động, căng thẳng Mỹ - Trung sẽ khiến Việt Nam được hưởng lợi về dòng vốn đầu tư trong trung và dài hạn. Song với một nước độ mở kinh tế đến lớn, rất khó để dự báo thương mại Việt Nam.
Việt Nam là nước xuất khẩu thứ 7 vào Mỹ, dưới tác động thương chiến, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ có thể tăng nhanh. Hàng hoá Trung Quốc bị áp thuế cao, người Mỹ sẽ chuyển sang mua hàng của các nước như Việt Nam nhiều hơn vì giá rẻ hơn như Tổng thống Trump từng nói. Song Việt Nam cũng là nước có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc do đó xuất khẩu sang thị trường này có thể giảm do chính quyền Trung Quốc sẽ thực thi biện pháp bảo vệ thị trường nội địa.
"Thực tế xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm mạnh, bắt đầu tư quý 4/2018 đến nay. Sự suy giảm này còn lớn hơn về quy mô so với lượng ta tăng lên ở Mỹ. Cho nên có lúc ta thấy xuất khẩu của Việt Nam giảm, mặc dù xuất khẩu sang Mỹ vẫn tăng", ông Thành nói.
Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc chi nhánh Tp. HCM Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) khẳng định: "Chiến tranh thương mại đã xảy ra rồi. Việc Mỹ-Trung sẽ tiếp tục đàm phán không ảnh hưởng gì đến cục diện. Vừa đàm vừa đánh. Chúng ta đang ở trong thời khắc của cuộc chiến tranh khốc liệt".
Ông Điệp cho biết, việc dịch chuyển một số công xưởng, nhà máy khỏi Trung Quốc là điều sẽ xảy ra. Do đó các lĩnh vực tại Việt Nam liên quan đến việc chuẩn bị cho hạ tầng sẽ phát triển, dòng khu công nghiệp là dòng được hưởng lợi lớn. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đặc biệt là thủy hải sản, dệt may, dịch vụ lưu trú, hàng không và du lịch sẽ có cơ hội.
Vốn FDI tăng mạnh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký của 5 tháng trong vòng 4 năm trở lại đây.
Đây chính là những con số biết nói khởi đầu cho quá trình chuyển dịch dòng vốn vào Việt Nam. Tuy nhiên việc đón nhận dòng vốn như thế nào cũng là một bài toán cân đo đong đếm lợi ích đặt ra với Việt Nam.
TS. Nguyễn Đức Thành nói rằng Việt Nam đang tiếp nhận vốn từ nhiều nước. Mỗi quốc gia có một khẩu vị đầu tư riêng. Chẳng hạn, với doanh nghiệp Nhật, Mỹ thường có xu hướng đầu tư dài hạn do đó họ cân nhắc rất kỹ trước khi đầu tư vào đâu. Doanh nghiệp Trung Quốc lại đổ vốn vào Việt Nam chủ yếu về vị trí địa lý, tương đồng về văn hoá, chính trị.
Vị chuyên gia nhấn mạnh Việt Nam không thể can thiệp được vào tính toán của giới đầu tư ngoại, nhưng Việt Nam có thể lựa chọn để chọn được nhà đầu tư chất lượng cao, có cam kết lâu dài như Nhật, Mỹ, Hàn, chọn được các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Muốn thu hút được các nhà đầu tư Nhật, Mỹ thì Việt Nam phải hoàn thiện môi trường kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng tốt.
Theo thống kê, trong 5 tháng đầu năm 2019, đã có 88 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,08 tỷ USD; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD; Singapore là 2,09 tỷ USD; Trung Quốc, Nhật Bản lần lượt rót 2,02 tỷ USD và 1,52 tỷ USD.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam đánh giá: "Hơn một thập kỷ qua, ASEAN và Việt Nam được các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận như một lựa chọn sản xuất hiệu quả nhờ vai trò quan trọng của khu vực này trong chuỗi cung ứng hiện tại, cơ sở người dùng tăng trưởng và các mối liên kết chặt chẽ trong thương mại và đầu tư". Căng thẳng thương mại, ngoài sự dịch chuyển vào ASEAN, các công ty đa quốc gia cũng đang đa dạng hóa chiến lược chuỗi cung ứng.
HSBC Việt Nam cho rằng, với mạng lưới sản xuất và cơ sở hạ tầng sẵn có, các quốc gia như Việt Nam sẽ hưởng lợi chính trong sự dịch chuyển năng lực sản xuất. Các doanh nghiệp từ Trung Quốc, châu Âu và Mỹ muốn nhìn thấy Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa vị trí của mình, là lựa chọn cho ngành sản xuất chi phí thấp.
Ở tầm chính phủ, phải có sáng kiến dài hạn để dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, phát triển lao động có tay nghề và bảo vệ IP, an ninh mạng và dịch chuyển dữ liệu thương mại qua biên giới.