Chiến tranh thương mại trở lại, giá vàng lập kỷ lục mới và loạt dấu ấn kinh tế thế giới tuần 3-9/2/2025
Tuần qua chứng kiến những diễn biến quan trọng chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, quyết định hạ lãi suất của một số nền kinh tế lớn, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp của giá vàng...
![Ảnh minh họa: Reuters](https://media.vneconomy.vn/w800/images/upload/2025/02/09/httpscloudfront-us-east-2-images.png)
Dưới đây là một số sự kiện, vấn đề lớn của kinh tế thế giới tuần từ 3-9/2/2025 do VnEconomy điểm lại:
Ông Trump hoãn thuế quan với Mexico và Canada
Ngày 4/2, ông Trump cho biết hoãn áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sau khi đạt được thỏa thuận về việc kiểm soát hoạt động buôn lậu và nhập cư trái phép với lãnh đạo hai nước này. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh áp thuế quan của ông Trump có hiệu lực. Thời hạn áp thuế được lùi lại 30 ngày.
Theo thỏa thuận, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đều đồng ý triển khai 10.000 quân ở biên giới mỗi nước với Mỹ và tăng cường hoạt động chống buôn lậu chất gây nghiện.
Trong khi đó, ông Trump vẫn giữ nguyên sắc lệnh ký ngày 2/2 về việc tăng thuế quan 10% với hàng Trung Quốc và khẳng định chưa vội đối thoại với Bắc Kinh. Theo ông Trump, Trung Quốc đã hành động không đủ ngăn dòng chất gây nghiện xâm nhập vào Mỹ.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung trở lại
Chỉ vài phút sau khi thuế quan mới có hiệu lực, Bắc Kinh công bố một loạt biện pháp trả đũa – đánh dấu sự trở lại của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, Trung Quốc sẽ áp thuế quan 15% lên than và khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu từ Mỹ và 10% đối với dầu thô, thiết bị nông nghiệp và một số loại ô tô Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10/2. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng mở cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào một số Big Tech Mỹ, siết kiểm soát xuất khẩu với một số vật liệu thô quan trọng và đưa 2 công ty Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, động thái “ăn miếng trả miếng” của Bắc Kinh cho thấy cách tiếp cận thận trọng hơn của Bắc Kinh so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Khi đó, Trung Quốc trả đũa với mức thuế quan tương đương hoặc gần bằng mức thuế quan mà Mỹ áp đặt. Còn lần này, Bắc Kinh chỉ áp thuế quan với 14 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ - con số chỉ bằng một phần nhỏ so với mục tiêu của phía Mỹ - đồng thời thực hiện thêm một số biện pháp khác để phát tín hiệu rằng mình có thể hành động nhằm vào doanh nghiệp Mỹ nếu cần thiết.
Một ngày sau khi công bố các biện pháp trả đũa trên, ngày 5/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết Trung Quốc đã chính thức nộp đơn kiện Mỹ về việc áp thuế quan với hàng hóa nước này. Trong văn bản gửi lên WTO, Bắc Kinh nói rằng các chính sách thương mại của ông Trump “phân biệt đối xử" và vi phạm quy định của WTO. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng hành động này chỉ mang tính tượng trưng.
Ông Trump muốn áp thêm thuế quan với nhiều quốc gia
Chia sẻ với truyền thông tại Nhà Trắng ngày 7/2, ông Trump cho biết vào đầu tuần tới sẽ công bố áp thuế với nhiều nước. Ông nhấn mạnh thuế nhập khẩu đối ứng (reciprocal tariff) sẽ giúp khôi phục sự công bằng trong quan hệ thương mại và giảm thâm hụt của Mỹ.
Ông cũng nói rằng sẽ áp thuế nhập khẩu với hàng hóa các nước ở mức tương đương với mức mà họ đang áp với hàng Mỹ.
“Vào tuần tới, tôi sẽ công bố thuế nhập khẩu đối ứng để chúng ta được đối xử công bằng như các quốc gia khác”, Tổng thống Mỹ nói. Dù không tiết lộ cụ thể sẽ áp thuế quốc gia nào nhưng ông cho biết đây sẽ là một động thái trên quy mô lớn.
Đây là hành động hiện thực hóa cam kết khi tranh cử của ông Trump về việc áp thuế quan với hàng nhập khẩu vào Mỹ tương đương như mức thuế mà các đối tác thương mại đang áp đặt với hàng Mỹ. Thông báo của ông Trump làm dấy lên quan ngại về sự leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.
Nhật muốn đầu tư 1 nghìn tỷ USD vào Mỹ
Ngày 6/2, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba bắt đầu chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 3 ngày. Ông là nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai được tiếp đón tại Nhà Trắng kể từ khi ông Trump nhậm chức, sau Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trong cuộc gặp với Tổng thống Trump ngày 7/2, Thủ tướng Nhật nhấn mạnh Mỹ là đối tác quan ngoại giao và an ninh quan trọng nhất của Nhật.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường năng lực ứng phó của Liên minh Nhật-Mỹ và hợp tác chặt chẽ để ứng phó với những thách thức mang tính chiến lược trong khu vực mà cả hai nước đang đối mặt. Hai nhà lãnh đạo khẳng định Nhật Bản và Mỹ cũng là các đối tác thân thiết trong lĩnh vực kinh tế, trong đó Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất thế giới vào Mỹ 5 năm liên tiếp.
Thủ tướng Ishiba mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác để nâng mức đầu tư của Nhật vào Mỹ lên mức cao chưa từng thấy là 1 nghìn tỷ USD – một đề nghị nhận được sự hoan nghênh của Tổng thống Mỹ.
Hai nhà lãnh đạo sau đó nhất trí nâng quan hệ đối tác Nhật-Mỹ lên một tầm cao mới thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh và tăng cường đầu tư, hợp tác song phương, củng cố các ngành công nghiệp của nha và dẫn đầu thế giới về phát triển các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), con chip cao cấp, đồng thời thúc đẩy các nỗ lực khai thác năng lượng trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ishiba và Tổng thống Trump cũng xác nhận sẽ tăng cường hợp tác an ninh năng lượng, trong đó có việc tăng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Mỹ sang Nhật Bản theo cách có lợi cho cả hai bên.
Ấn Độ, Anh hạ lãi suất
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) ngày 7/2 quyết định hạ lãi suất mua lại (repo) trong bối cảnh nền kinh tế đang suy yếu.
Hội đồng Chính sách Tiền tệ (MPC) của RBI quyết định hạ lãi suất repo 0,25 điểm phần trăm xuống còn 6,25% sau khi duy trì lãi suất không đổi trong 7 cuộc họp chính sách liên tiếp. Đây là lần đầu tiên Ấn Độ hạ lãi suất kể từ tháng 5/2020 - thời điểm quốc gia Nam Á đang chật vật ứng phó với suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19.
Theo Thống đốc RBI Sanjay Malhotra, dù tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ phục hồi nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với năm ngoái, trong khi đó, lạm phát dịu đi tạo điều kiện để RBI nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chính phủ Ấn Độ gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế năm tài khóa kết thúc vào tháng 3 năm nay là 6,4%, thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây do suy yếu trong lĩnh vực sản xuất và đầu tư của doanh nghiệp. Dự báo tăng trưởng năm tài khóa 2025 là 6,3-6,8%.
Cũng trong tuần qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có lần hạ lãi suất lần đầu tiên của năm nay, đồng thời phát tín hiệu sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế ảm đạm và lạm phát đang trên đà về mức mục tiêu của BOE. Theo đó, lãi suất cơ bản tại Anh giảm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 4,5%.
Cùng ngày đưa ra quyết định hạ lãi suất, BOE giảm một nửa dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 1,5% xuống còn 0,75%, cho thấy triển vọng kinh tế ảm đạm của nền kinh tế Anh. Theo số liệu công bố vào tháng 12 năm ngoái, tăng trưởng kinh tế quý 3 của Anh đi ngang. Số liệu GDP tháng 11/2024 - tháng có dữ liệu mới nhất - kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 0,1% trong tháng, sau khi giảm 0,1% vào tháng 10.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tháng 12 tại Anh giảm xuống 2,5% - mức thấp hơn dự báo - cho thấy lạm phát đang dần trở về mức mục tiêu của ngân hàng trung ương. Ngoài ra, dữ liệu bán lẻ yếu trong tháng 1/2025 cũng củng cố thêm dự báo về việc BOE sẽ hạ lãi suất.
Giá vàng thế giới lập kỷ lục mới
Sau 6 tuần tăng liên tiếp, giá vàng thế giới phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/2) lập kỷ lục mới trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang khiến nhà đầu tư toàn cầu đổ xô mua vàng trú ẩn.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco, lúc đóng cửa tại thị trường Mỹ, giá vàng giao ngay tăng 4,7 USD/oz, tương đương tăng 0,16%, chốt ở 2.861,1 USD/oz. Trong phiên, có thời điểm giá vàng lên mức kỷ lục mới 2.886 USD. Tính chung cả tuần qua, giá vàng tăng 2%.
Nissan và Honda dừng đàm phán sáp nhập thương vụ 60 tỷ USD
Theo nguồn tin từ tờ Nikkei Asia, thương vụ sáp nhập khổng lồ giữa hai “đại gia” ngành ô tô Nhật Bản là Honda và Nissa đang đứng trước bờ vực đổ vỡ.
Nguồn tin cho hay Nissan sẽ tạm dừng đàm phán sáp nhập với Honda, rút lại bản ghi nhớ về việc đàm phán hợp nhất kinh doanh ký kết vào tháng 12-2024 và từ bỏ thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 60 tỷ USD. Nguyên nhân chính cho quyết định này là hai bên chưa tìm được tiếng nói chung về các điều khoản thỏa thuận, trong đó có mâu thuẫn trong việc định giá từng công ty dưới hình thức công ty mẹ.
Một số nguồn tin từ hãng tin Reuters trước đó nói rằng Honda kỳ vọng Nissan sẽ trở thành một công ty con sau sáp nhập, trong khi phía Nissan phản đối bởi kỳ vọng đây là một vụ sáp nhập ngang hàng.
Thông tin này gây bất ngờ lớn với giới đầu tư trong bối cảnh hai bên đã tiến gần tới thỏa thuận cuối cùng, dự kiến công bố vào giữa tháng 2/2025. Nếu thành công, thương vụ này sẽ tạo ra một tập đoàn ô tô lớn thứ ba thế giới.
Argentina rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)
Ngày 5/2, Argentina thông báo rút khỏi WHO do “sự khác biệt sâu sắc” với tổ chức y tế toàn cầu trực thuộc Liên hợp quốc (UN), đặc biệt trong đại dịch Covid-19 và sự thiếu độc lập về mặt chính trị của tổ chức này với một số quốc gia thành viên. Quyết định được đưa ra chỉ hơn 2 tuần kể từ khi ông Trump sắc lệnh rút Mỹ khỏi tổ chức y tế toàn cầu này.
Trước đó, trong sắc lệnh rút Mỹ khỏi WHO, Tổng thống Mỹ nói rằng tổ chức này đã xử lý không tốt đại dịch Covid-19, đồng thời không thực hiện những cải cách cần thiết và không chứng minh được sự độc lập trước ảnh hưởng chính trị bất hợp lý của các nước thành viên. Ông cũng chỉ trích việc WHO yêu cầu Mỹ “trả những khoản tiền lớn một cách thiếu công bằng” so với các nước thành viên khác, điển hình là Trung Quốc.