14:05 12/05/2022

Chính phủ đề cập đến phương án xử lý đối với ba ngân hàng mua lại bắt buộc CBBank, OceanBank và DongABank

Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế xã - hội, Chính phủ cho biết, đã quyết liệt tìm kiếm đối tác, sắp xếp lại hoạt động nhằm dọn đường để xử lý dứt điểm 3 ngân hàng nêu trên...

CBBank là một trong hai ngân hàng mua lại bắt buộc rục rịch về với chủ mới
CBBank là một trong hai ngân hàng mua lại bắt buộc rục rịch về với chủ mới

Chính phủ vừa có Báo cáo "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022".

Trong đó, Chính phủ đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và xây dựng, hoàn thiện Đề án cho giai đoạn 2021-2025.

Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mại tài sản bảo đảm của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro...

Đặc biệt, Chính phủ đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á, tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới, trong đó đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Theo cập nhật của VnEconomy, hiện chưa có thông tin chính thức "bến đỗ" của CBBank và OceanBank về với ngân hàng nào. Tuy nhiên, tại mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay, lãnh đạo hai ngân hàng Vietcombank và MB đều chia sẻ, sẽ thực hiện nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém từ Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, ông Lưu Trung Thái, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, lộ trình nhận chuyển giao “ngân hàng 0 đồng” đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, xin chủ trương của Bộ Chính trị. Đồng thời, Chính phủ cũng đã ra nghị quyết về phương án nhận chuyển giao. Sau đó, MB mới đề ra phương án chi tiết, tiếp tục trình Chính phủ lần nữa. Sau khi được phê duyệt phương án chi tiết, MB mới tiến hành nhận chuyển giao.

Cũng theo ông Thái, việc nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng giúp MB có cơ hội để tăng trưởng quy mô cao hơn mức tăng trưởng bình quân thị trường khoảng 1,5 - 2 lần trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

"Trong trường hợp tái cơ cấu không thành công, MB không thể trả lại "ngân hàng 0 đồng" cho Nhà nước nhưng hoàn toàn có thể bán đi như một khoản đầu tư hoặc IPO chuyển thành ngân hàng cổ phần. Nếu tái cơ cấu thành công, ngân hàng đó có thể sáp nhập vào MB giúp quy mô tài sản của MB tăng lên", ông Thái nói.

Còn ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, Vietcombank đang triển khai tất cả những yếu tố cần thiết để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc.

Nhận định về thời gian hoàn tất phương chuyển giao bắt buộc ông Dũng cho rằng trên cơ sở đánh giá tổng thể, với những chính sách hỗ trợ nhận được, thời gian xử lý tổ chức tín dụng yếu kém có lẽ sẽ không quá 8 - 10 năm để biến tổ chức tín dụng trở thành một tổ chức tài chính lành mạnh. Tốc độ thực hiện phương án sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: (i) Phụ thuộc vào tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng đó; (ii) Sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền; (iii) Tình hình thị trường.

Với việc nhận chuyển giao này, ông Dũng tiết lộ thêm, Vietcombank sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt như được ưu tiên chấp thuận cho vay vượt 15% vốn tự có đối với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan của Vietcombank; cho vay trung dài hạn bằng ngoại tệ đối với các dự án trọng điểm; tăng thị phần phục vụ các dự án vốn tín dụng quốc tế trong suốt thời gian tổ chức tín dụng chưa hết lỗ luỹ kế; không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm nếu Vietcombank đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định...