08:08 29/03/2022

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít”

An An

Những mảng màu xám của bức tranh doanh nghiệp nhà nước tiếp tục thể hiện trong Báo cáo Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 khi khu vực này vẫn trong tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít”...

Đến hết năm 2025, phấn đấu có ít nhất 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô và năng lực cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Đến hết năm 2025, phấn đấu có ít nhất 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô và năng lực cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế.

Báo cáo Kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước mới đây cho thấy, đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước).

Nếu loại trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông, lâm, nghiệp thì chỉ còn 94 doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn gồm: 9 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.

NẮM GIỮ NGUỒN LỰC LỚN VỀ VỐN, TÀI SẢN

Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ, mặc dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nền kinh tế (khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động tại thời điểm 31/12/2020) nhưng lại nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế (khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất, kinh doanh).

Quy mô tài sản bình quân của 1 doanh nghiệp nhà nước là 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp dân doanh.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nhà nước đã xây dựng được các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong khu vực và quốc tế về nhiều lĩnh vực như: dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải (Vietnam Airlines), cảng biển và logistics (TCT Tân Cảng Sài Gòn, TCT Hàng hải Việt Nam)....

Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp đạt kết quả như trên, báo cáo nhận định hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty thường chỉ hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên (khai thác khoáng sản, dầu khí) hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại (như viễn thông, tài chính tín dụng).

Doanh nghiệp nhà nước chiếm thị phần lớn hoặc chi phối nhưng chưa quan tâm đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng quyết định đến việc tạo động lực, hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam (như các ngành công nghệ cao, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa như: cơ khí chính xác, sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn…).

Năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít” - Ảnh 1
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít” - Ảnh 2
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít” - Ảnh 3
 

“Đặc biệt, việc thực hiện các dự án đầu tư mới của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không được thúc đẩy. Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và Tập đoàn Viettel chỉ triển khai thực hiện 4 dự án đầu tư nhóm A, trong đó có 3 dự án chuyển tiếp từ năm 2015 trở về trước  và 1 dự án khởi công mới năm 2016”, báo cáo cho biết.

Không chỉ vậy, việc tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chủ yếu tập trung sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn để có cơ cấu hợp lý hơn.

TẬP TRUNG 3 NHÓM GIẢI PHÁP

Vì vậy, trong Dự thảo Tờ trình về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, mục tiêu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn tới cần phải lấy thước đo hiệu quả kinh tế, các chỉ tiêu tài chính tổng thể làm tiêu chính đánh giá chủ yếu.

Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty quy mô lớn, có năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo để đầu tư phát triển trong một số ngành, lĩnh vực mới, có tính chất quan trọng của nền kinh tế như năng lượng tái tạo, kết cấu hạ tầng quốc gia, tài chính, công nghiệp viễn thông, công nghệ bán dẫn, công nghệ lõi.

Theo đó, đến hết năm 2025, phấn đấu đạt 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại về quản trị doanh nghiệp và thông lệ quốc tế; có ít nhất 6 tập đoàn, tổng công ty có quy mô và năng lực cạnh tranh ngang tầm với doanh nghiệp trong khu vực và quốc tế; hình thành 3 hạt nhân tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; 100% tập đoàn kinh tế, tổng công ty có dự án triển khai mới và 100% doanh nghiệp có định hướng chuyển dịch đầu tư, hướng đến các dự án chuyển đổi năng lượng xanh, sạch và giảm thải khí carbon.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Vẫn tình trạng “nguồn lực lớn, hiệu quả ít” - Ảnh 4

Với mục tiêu này, dự thảo đưa ra ba nhóm nhiệm vụ chủ yếu.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi đồng bộ các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; xây dựng cơ chế giám sát hiệu quả hơn theo phương thức lựa chọn thuê công ty kiểm toán lớn thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động tổng thể thay vì tính riêng từng hoạt động, dự án cụ thể; nghiên cứu cơ chế chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách quản lý và phát triển riêng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn…

Thứ hai, đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước.

Triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 360/QĐ-TTg ngày 17/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025”.

Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm quy định về đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán. Xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp cố tình không thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán theo quy định.

Thứ ba, đẩy mạnh việc huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước  tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Theo đó, nâng cao vai trò của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước là nhà đầu tư của Chính phủ hướng tới trở thành Quỹ đầu tư Chính phủ để huy động nguồn lực tài chính đầu tư linh hoạt, hiệu quả vào các doanh nghiệp, dự án lớn, quan trọng, bổ sung nguồn lực góp phần phục hồi, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Nghiên cứu cơ chế giao nhiệm vụ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn triển khai nghiên cứu, sản xuất hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, như: năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghệ bán dẫn, hạ tầng quan trọng quốc gia, các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất…

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của doanh nghiệp phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia. Có định hướng gắn chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhà nước với phát triển ngành, lĩnh vực để phát huy nguồn lực quan trọng của đất nước.