Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều tại Luật Chứng khoán
Dự thảo luật quy định sở giao dịch chứng khoán được thực hiện liên kết với các sở giao dịch chứng khoán của các quốc gia khác
Quy định sở giao dịch chứng khoán được thực hiện liên kết với các sở giao dịch chứng khoán của các quốc gia khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được bổ sung tại dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, vừa được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp chiều nay (3/11).
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển, có nhiều yếu tố mới phát sinh, Luật Chứng khoán hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi.
Đó là chưa điều chỉnh vấn đề phát hành chứng khoán riêng lẻ, phát triển loại hình chứng khoán mới. Hay một số quy định như công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, hành vi vi phạm và xử lý vi phạm chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Trong tổng số 136 điều của luật hiện hành, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều.
Các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm.
Về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, quan điểm sửa luật là hạn chế chuyển nhượng cổ phần nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng. Do vậy, dự luật đã sửa đổi quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là một năm.
Dự luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phần, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng để ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối tượng nhất định dẫn đến pha loãng sở hữu của các cổ đông khác.
Với chào bán chứng khoán ra công chúng, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng khi đăng ký các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu thông qua.
Nhiều quy định khác cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn như chỉ tiêu an toàn tài chính, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán...
Đáng chú ý, để khơi thông nguồn vốn cho đầu tư bất động sản và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng không áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư 10% giá trị tài sản quỹ vào bất động sản đối với quỹ đầu tư bất động sản.
Liên kết thị trường chứng khoán với các quốc gia khác cũng là nội dung mới được bổ sung tại dự luật. Theo Chính phủ, mục tiêu hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam trước mắt là hợp tác, trao đổi thông tin, hoàn thiện chuẩn mực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực…, góp phần nâng cao vị thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tiến tới phát triển thị trường vốn Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Thẩm tra dự án luật này, có ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phạm vi sửa đổi của luật còn hạn hẹp, chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để đảm bảo các công ty này đủ năng lực hoạt động trên thị trường. Vì quy định của luật hiện hành về vấn đề này còn quá dễ dàng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác minh bằng chứng gian lận, giúp tăng cường phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận trên thị trường.
Đồng thời, đề nghị không áp dụng điểm b khoản 1 điều 12 Luật Chứng khoán hiện hành, quy định một trong các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng là doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh có lãi tại năm liền trước năm đăng ký chào bán đối với các tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Một trong những lý do là các tổ chức tín dụng đang thực hiện chương trình nâng cao năng lực tài chính, theo đó vốn pháp định của ngân hàng thương mại đến hết năm 2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới đây.
Hơn nữa, việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng đã phải tuân thủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước quy định và luôn chịu sự thanh tra, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Sáng mai (4/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và sẽ xem xét, thông qua dự án luật ngay cuối kỳ họp này.
Tại tờ trình dự án luật, Chính phủ cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong quá trình hình thành và phát triển, có nhiều yếu tố mới phát sinh, Luật Chứng khoán hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi.
Đó là chưa điều chỉnh vấn đề phát hành chứng khoán riêng lẻ, phát triển loại hình chứng khoán mới. Hay một số quy định như công bố thông tin, nghiệp vụ của tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, hành vi vi phạm và xử lý vi phạm chưa thực sự phù hợp với thực tế.
Trong tổng số 136 điều của luật hiện hành, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung 20 điều và bãi bỏ 1 điều.
Các nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công bố thông tin và xử lý vi phạm.
Về hoạt động chào bán chứng khoán riêng lẻ, quan điểm sửa luật là hạn chế chuyển nhượng cổ phần nhằm ngăn chặn hành vi lợi dụng phát hành cho số lượng hạn chế rồi chào bán tiếp ra công chúng. Do vậy, dự luật đã sửa đổi quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phần, trái phiếu chuyển đổi chào bán riêng lẻ tối thiểu là một năm.
Dự luật cũng đưa ra quy định các đợt chào bán cổ phần, trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ phải cách nhau ít nhất sáu tháng để ngăn ngừa việc lợi dụng chào bán riêng lẻ cho những đối tượng nhất định dẫn đến pha loãng sở hữu của các cổ đông khác.
Với chào bán chứng khoán ra công chúng, dự thảo luật được sửa đổi theo hướng khi đăng ký các doanh nghiệp phải cam kết đưa chứng khoán chào bán niêm yết, đăng ký giao dịch tại thị trường chứng khoán có tổ chức trong thời hạn một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán được đại hội đồng cổ đông hoặc chủ sở hữu thông qua.
Nhiều quy định khác cũng được sửa đổi theo hướng chặt chẽ hơn như chỉ tiêu an toàn tài chính, công bố thông tin trên thị trường chứng khoán...
Đáng chú ý, để khơi thông nguồn vốn cho đầu tư bất động sản và phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo luật đã được chỉnh sửa theo hướng không áp dụng quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư 10% giá trị tài sản quỹ vào bất động sản đối với quỹ đầu tư bất động sản.
Liên kết thị trường chứng khoán với các quốc gia khác cũng là nội dung mới được bổ sung tại dự luật. Theo Chính phủ, mục tiêu hội nhập của thị trường chứng khoán Việt Nam trước mắt là hợp tác, trao đổi thông tin, hoàn thiện chuẩn mực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực…, góp phần nâng cao vị thế và tăng cường khả năng cạnh tranh của các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, tiến tới phát triển thị trường vốn Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế.
Thẩm tra dự án luật này, có ý kiến tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng phạm vi sửa đổi của luật còn hạn hẹp, chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện nay đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ để đảm bảo các công ty này đủ năng lực hoạt động trên thị trường. Vì quy định của luật hiện hành về vấn đề này còn quá dễ dàng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam.
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xác minh bằng chứng gian lận, giúp tăng cường phòng chống, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận trên thị trường.
Đồng thời, đề nghị không áp dụng điểm b khoản 1 điều 12 Luật Chứng khoán hiện hành, quy định một trong các điều kiện chào bán cổ phiếu ra công chúng là doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh có lãi tại năm liền trước năm đăng ký chào bán đối với các tổ chức tín dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng phát hành cổ phiếu để tăng vốn theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền.
Một trong những lý do là các tổ chức tín dụng đang thực hiện chương trình nâng cao năng lực tài chính, theo đó vốn pháp định của ngân hàng thương mại đến hết năm 2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới đây.
Hơn nữa, việc phát hành cổ phiếu của tổ chức tín dụng đã phải tuân thủ điều kiện do Ngân hàng Nhà nước quy định và luôn chịu sự thanh tra, giám sát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Sáng mai (4/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán và sẽ xem xét, thông qua dự án luật ngay cuối kỳ họp này.