18:37 04/11/2010

Chính phủ muốn ban hành quy định quản lý dân cư Thủ đô

Nguyên Lê

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Thủ đô với đề xuất ban hành quy định về điều kiện cư trú tại nội thành

Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự thảo Luật Thủ đô đã được trình Quốc hội - Ảnh: CTV.
Sau nhiều lần lỡ hẹn, dự thảo Luật Thủ đô đã được trình Quốc hội - Ảnh: CTV.
Mặc dù không nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra ngay từ khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước kỳ họp thứ tám, song tại dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội chiều nay (4/11), Chính phủ vẫn đề xuất được giao ban hành quy định về điều kiện cư trú tại nội thành Hà Nội.

Theo Chính phủ, những quy định này vừa giúp giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, vừa bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống hợp pháp tại Thủ đô.

Cần quản lý theo quy hoạch

Sự cần thiết phải có quy định về điều kiện cư trú tại nội thành Hà Nội xuất phát từ thực trạng “những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một tăng do tình trạng quá đông dân cư ở nội thành. Thực trạng này đã gây sức ép lớn về kinh tế - xã hội, đồng thời cũng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, cần được giải quyết sớm”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường  trình bày.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự luật - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - đã viện dẫn quyền cư trú của người dân ghi rõ trong nội dung Luật Cư trú có hiệu lực từ nhiều năm trước, đồng thời khẳng định thực tiễn cho thấy việc “áp dụng các biện pháp hành chính khắt khe nhằm hạn chế di dân tự do vào các thành phố lớn, trong đó có Thủ đô không những không hiệu quả mà còn phát sinh các hệ lụy khác như vấn đề giáo dục, an sinh xã hội…”.

Vì vậy, “giải pháp cho vấn đề này là cần quản lý dân cư theo quy hoạch Thủ đô, tức là dùng các giải pháp về kinh tế - xã hội chứ không nên dùng biện pháp hành chính để điều chỉnh và quản lý dân cư”, Chủ  nhiệm Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh.

Cơ chế tài chính nào?

Theo dự thảo luật, Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán hàng năm để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích, việc phân bổ chi ngân sách cho Thủ đô cao hơn các địa phương khác, cũng như cho phép Thủ đô giữ lại toàn bộ khoản thu ngân sách Trung ương vượt dự toán (trừ một số khoản), đã được thực hiện trên thực tế.

Theo dự toán chi ngân sách năm 2010, thì tổng chi ngân sách địa phương của thành phố Hà Nội là 29.495 tỷ đồng, trong đó chi cân đối là 28.984 tỷ đồng và chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương là 511 tỷ đồng. Từ năm 2006 đến năm 2009, Thủ đô Hà Nội được thưởng vượt dự toán thu và đầu tư trở lại 5.735 tỷ đồng. Số kinh phí thưởng vượt dự toán thu và đầu tư trở lại cho Thủ đô nêu trên đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bố trí từ nguồn vượt dự toán thu của ngân sách Trung ương hàng năm.

Ủy ban pháp luật cho rằng, quy định này không phù hợp với quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước. Tán thành cần phải có giải pháp về mặt tài chính để bảo đảm cho việc xây dựng và phát triển Thủ đô, song cơ quan thẩm tra cho rằng, Quốc hội có thể quy định khác nhưng phải bảo đảm tính hợp lý, tính khả thi của quy định.

Một số vấn đề mà cơ quan trình dự án cần làm rõ là trường hợp không có khoản thu vượt kế hoạch thì giải quyết thế nào, việc tăng ngân sách là giải pháp nhất thời hay là vấn đề có tính thường xuyên?.

Theo Ủy ban Pháp luật, không nên coi việc tăng ngân sách cho Hà Nội là vấn đề có tính thường xuyên, liên tục, mà chỉ nên xác định đây là giải pháp trong một giai đoạn phát triển nhất định. Vì vậy nên xử lý theo hướng trong mỗi nhiệm kỳ, Chính phủ trình Quốc hội quyết định đầu tư cho Hà Nội một số hạng mục công trình, chẳng hạn hệ thống tàu điện ngầm hoặc hệ thống giao thông đô thị khác... và hàng năm khi Quốc hội quyết định ngân sách, sẽ dành một khoản phù hợp cho việc thực hiện các chương trình, mục tiêu đó.

Tại sao chỉ tăng mức phạt 6 lĩnh vực?

Một nội dung khác cũng vấp phải phản đối của cơ quan thẩm tra là quy định Thủ đô “có thể áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức xử phạt chung áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú”. Đồng thời, “mức thu phí trong nội thành cao hơn mức thu áp dụng chung cho cả nước trong lĩnh vực môi trường, giao thông vận tải”.

Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc áp dụng mức xử phạt vi phạm hành chính tờ trình của Chính phủ đề nghị là “chưa thuyết phục”, bởi chẳng lẽ ý thức chấp hành pháp luật trên địa bàn Thủ đô kém hơn các nơi khác nên phải áp dụng mức xử phạt cao hơn?

Ngoài ra, tại sao lại chỉ tăng mức phạt trong 6 lĩnh vực nói trên mà không phải là tất cả? “Nếu đặt vấn đề răn đe đối với các hành vi vi phạm hành chính thì tại sao lại không đặt vấn đề áp dụng hình phạt nặng hơn đối với các hành vi phạm tội hình sự, bởi các hành vi này xét về tính chất nguy hiểm cho xã hội thì cao hơn rất nhiều so với hành vi vi phạm hành chính”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nêu rõ.

Liên quan đến quy định mức thu phí cao hơn trong nội đô với lý do để có kinh phí dành cho đầu tư bảo vệ môi trường và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông như tờ trình Chính phủ nêu, Ủy ban Pháp luật cũng cho là “không thuyết phục”. Vì, nhu cầu cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông là nhu cầu chung, không riêng Hà Nội. Hơn nữa, số thu do phạt để bổ sung vào khoản chi này “không phụ thuộc vào ý chí của nhà hoạch định chính sách mà phụ thuộc vào số lượng vi phạm có thể xảy ra”.

Nếu cần phải quy định thì “quy định rõ loại phí nào được áp dụng mức cao chứ không thể chỉ quy định chung chung về một số lĩnh vực như dự luật”, cơ quan thẩm tra đề nghị.

Dự thảo Luật Thủ đô gồm 4 chương, 35 điều sẽ được thảo luận tại tổ vào chiều 6/11 tới đây.