02:17 04/06/2012

“Chính phủ nên mua nợ để cứu doanh nghiệp và ngân hàng”

TS. Nguyễn Đại Lai

Người viết cho rằng đó là một phương án khả thi, nhưng chỉ có Chính phủ mới đủ uy lực và tài lực để tổ chức thực hiện!

Người viết cho rằng đó là một phương án khả thi, nhưng chỉ có Chính phủ mới đủ uy lực và tài lực để tổ chức thực hiện!
Người viết cho rằng đó là một phương án khả thi, nhưng chỉ có Chính phủ mới đủ uy lực và tài lực để tổ chức thực hiện!
Đã có rất nhiều doanh nghiệp trong cả nước bị ngừng hoạt động và/hoặc không thể vay được vốn không chỉ vì lãi cao mà còn vì “án” nợ cũ đã trở thành nợ xấu, không đủ điều kiện vay mới (từ nhóm 3 đến nhóm 5). Trước tình trạng này, bài viết dưới đây của TS. Nguyễn Đại Lai, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đã đề xuất một giải pháp cụ thể.

Tín dụng ngân hàng vẫn tăng tốc âm sau 5 tháng đầu năm, ngay cả khi các ngân hàng đang có rất nhiều tiền. Lãi suất liên ngân hàng và trái phiếu Chính phủ liên tục “lao dốc”, thậm chí lãi suất 7 ngày đã xuống dưới 1%/năm.

Sức mua xã hội suy yếu, tăng trưởng nền kinh tế đang có nguy cơ suy giảm, nhập siêu gia tăng, chỉ số lạm phát đang giảm tốc mạnh và rất có thể chuyển sang giảm phát vào những tháng cuối quý 3 này. Theo đó, lãi suất cả đầu vào và đầu ra trên thị trường 1 chắc chắn cũng sẽ giảm mạnh, thế nhưng, tổ chức tín dụng hiện vẫn rất khó tìm được khách hàng vay đủ tiêu chuẩn!

Đó là bức tranh đen - trắng, vừa bao gồm những nghịch lý, vừa bao gồm cả những nhân tố thuận theo quy luật, mà chỉ có Chính phủ - bằng một nguồn tài lực cụ thể (chứ không chỉ là chính sách) - mới có thể cứu được doanh nghiệp, cứu được trạng thái tín dụng âm, lợi dụng được quy luật thị trường để dẫn dắt thị trường, thúc đẩy tăng trưởng lên mức khá (trên 5,5%) mà không lo lạm phát, lại không mất gì trong trung hạn. Đó chính là giải pháp khẩn trương mua nợ cho các doanh nghiệp có khả năng phát triển, nhưng đang mang “án” nợ xấu, không thể vay được ngân hàng.

Đối với những doanh nghiệp hay ngân hàng quá yếu kém, không có khả năng đứng dậy được thì sẽ có cơ chế cấp cứu, chuyển đổi hay “chôn cất” khác, không thuộc đối tượng đề xuất trong chính sách này.

Giải pháp này có tính khả thi trong điều kiện cụ thể của thị trường nước ta hiện tại. Cụ thể, người viết xin đề xuất với Chính phủ một kịch bản sau đây.

Về chính sách

Chính phủ công bố (bằng văn bản) sẽ mua toàn bộ nợ xấu của các doanh nghiệp (không phân biệt thành phần, quy mô, lĩnh vực) đang có nợ xấu từ nhóm 3 trở lên, nhưng có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh.

Các chủ nợ cũ là các tổ chức tín dụng thống nhất đồng ý chỉ thu 100% nợ gốc và 50% lãi theo hợp đồng tính trên số ngày chậm trả của hồ sơ nợ xấu đó (tổ chức tín dụng nào không đồng ý giảm 50% số lãi trên số ngày chậm trả thì Chính phủ sẽ có ý kiến xem xét và trả sau cho tổ chức tín dụng đó).

Về cách làm

Tất cả các doanh nghiệp có nợ quá hạn từ nhóm 3 trở lên mang hồ sơ đến cơ quan đã cấp phép hoạt động cho mình, để chứng minh bằng văn bản rằng nếu Chính phủ mua nợ xấu cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phát triển được.

Nếu được cơ quan này chấp thuận bằng bút tích và ký tên, đóng dấu trực tiếp vào hồ sơ vay nợ đó, doanh nghiệp sẽ mang bộ hồ sơ có chấp thuận này đến kho bạc gần nhất nộp vào và ký vào phiếu “mua nợ” của tổ chức tín dụng của Chính phủ với mệnh giá: doanh nghiệp nợ Chính phủ = gốc + 50% [gốc x ( số ngày quá hạn/360) x lãi suất theo năm ghi trong hợp đồng].

Toàn bộ mệnh giá này sẽ được kho bạc chuyển tiền thẳng cho tổ chức tín dụng là chủ nợ cũ và doanh nghiệp đương nhiên được xóa toàn bộ khoản nợ xấu này tại tổ chức tín dụng ngay sau khi tổ chức tín dụng nhận được tiền từ kho bạc.

Lãi suất ghi trên giấy mua nợ đó là lãi suất thấp, chỉ nên nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Nhà nước hiện nay đang là 10%/năm (QĐ 1081/QĐ-NHNN ngày 25/5/2012), do đó nên là 9%/năm để phù hợp với kỳ vọng giảm lãi suất theo qui luật thị trường đang diễn ra và giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Thời hạn cho doanh nghiệp nợ từ 2 đến 3 năm tùy theo dòng tiền của từng loại doanh nghiệp và ghi thẳng vào giấy mua nợ đó. Bản chất của tờ giấy mua nợ này chính là trái phiếu doanh nghiệp của những doanh nghiệp có khả năng phát triển.

Cách làm này đơn giản, dễ thực hiện mà không cần phải thành lập một tổ chức chuyên biệt riêng nào. Chính phủ chỉ cần công bố cách làm và giao nhiệm vụ cho hệ thống kho bạc Nhà nước và các bên hữu trách liên quan, các bên hưởng lợi thực hiện.

Dự báo nguồn và phương án hoàn vốn

Theo tính toán gần đúng, tổng dư nợ nền kinh tế đến hết tháng 5/2012 khoảng gần 2,7 triệu tỷ đồng. Trong đó: khối doanh nghiệp các loại chiếm 80% tổng dư nợ. Trong khối doanh nghiệp này có khoảng 65% doanh nghiệp có khả năng phát triển sản xuất kinh doanh nếu được tiếp cận vốn ngân hàng bình thường với lãi suất phải chăng.

Nợ xấu đối với khối này thường không cao bằng mức trung bình toàn ngành, khoảng 4% tổng dư nợ. Nếu 65% số doanh nghiệp này có dư nợ chiếm cũng khoảng 65% tổng dư nợ toàn khối doanh nghiệp và có mức nợ xấu bình quân khoảng 3,4% tổng dư nợ của nhóm này, thì tổng nguồn dự báo mà Chính phủ cần huy động cho việc mua nợ xấu theo kịch bản nói trên sẽ là: 2,7 triệu tỷ x 80% x 65% x 3,4% = 47.736 tỷ đồng nợ gốc đã thành nợ xấu.

Giả sử toàn bộ số nợ xấu này đang có mức lãi suất ghi trong hồ sơ là 20%/năm (do vay trước đây lãi suất rất cao) và số ngày quá hạn bình quân ở mức nợ giáp ranh nhóm 4, tức là đã quá hạn bình quân khoảng 180 ngày. Theo đó, dự toán tổng món lãi theo khoản gốc đã quá hạn mà Chính phủ cần trả thay doanh nghiệp theo chính sách nói trên là: 47.736 tỷ x 50% x [180/360 ngày x 20%/năm] = 2.386,8 tỷ đồng.

Như vậy tổng số tiền mà Chính phủ cần có lúc này để mua toàn bộ nợ xấu của những doanh nghiệp có nợ xấu từ nhóm 3 trở lên nhưng có khả năng phát triển, là: 47.736 + 2.386,8 = 50.122,8 tỷ đồng (con số này tuy còn khiêm tốn do tính gần đúng, nhưng hoàn toàn đủ để mua “phủ sóng” hầu hết top đầu tốt nhất và tạo cú hích lớn cho thị trường).

Toàn bộ nguồn này hoàn toàn có thể nhìn vào thị trường trái phiếu Chính phủ trong lúc lãi suất liên ngân hàng đang giảm mạnh, đối tượng mua trái phiếu này rất dồi dào (chủ yếu vẫn chính là các tổ chức tín dụng đang bí đầu ra), không phải dùng tiền cung ứng từ ngân hàng trung ương, cũng không phải là nguồn Chính phủ vay để chi tiêu công, mà là để mua nợ cứu doanh nghiệp, tạo nguồn thu ngân sách và thu hồi vốn quá đơn giản sau bình quân 2,5 năm.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ huy động để mua nợ nói trên cần phải theo nguyên tắc nhỏ hơn hoặc bằng lãi suất ghi trên phiếu mua nợ của tổ chức tín dụng và có thể chia thành nhiều thời hạn huy động khác nhau, từ 364 ngày đến 2 năm.

Độ chênh lãi suất giữa lãi suất huy động nguồn của Chính phủ với lãi suất ghi trên phiếu mua nợ theo nguyên tắc nói trên vào thời điểm hiện nay ở mức hoàn toàn khả thi, cũng chỉ là 8%/năm so với 9%/năm.

Để đơn giản hóa, có thể coi tổng các mệnh giá mua nợ mà Chính phủ sẽ trả các tổ chức tín dụng thay cho tổng các doanh nghiệp đủ điều kiện trên là “một tờ giấy có giá”, với mệnh giá 50.122,8 tỷ đồng do các doanh nghiệp phát hành vay Chính phủ vào đầu tháng 6/2012 với thời hạn 2,5 năm, lãi suất 9%/năm thì đến đầu tháng 12/2014, Chính phủ sẽ thu về toàn bộ gốc và 2,5 năm lãi = 50.122,8 + 2,5 (9% x 50.122,8) = 61.400,43 tỷ đồng. Trong đó, số lãi là 11.277,63 tỷ đồng. Sau khi trừ số lãi 8% x 50.122,8 x 2,5 năm = 10.024,56 tỷ đồng mà Chính phủ dùng để trả lãi trái phiếu huy động, thì Chính phủ vẫn còn lãi 11.277,63 - 10.024,56 = 1.253,07 tỷ đồng.

Những lợi ích từ giải pháp trên

Ngân hàng được cứu do đòi được gốc và 50% lãi nợ quá hạn; doanh nghiệp có tiềm năng phát triển được cứu do tiếp cận được vốn ngân hàng với lãi suất đang thấp dần; nền kinh tế khởi sắc, không lo lạm phát; không cần phải thành lập một tổ chức chuyên biệt để thực thi; không vi phạm quy luật thị trường mà Chính phủ vẫn dẫn dắt được doanh nghiệp và nền kinh tế; ngân sách có nguồn thu; nguồn mua nợ đang dồi dào nhờ thị trường trái phiếu; và Chính phủ không những không mất gì mà còn thu được lãi hơn 1 nghìn tỷ đồng sau 2,5 năm!

Người viết cho rằng đó là một phương án khả thi, nhưng chỉ có Chính phủ mới đủ uy lực và tài lực để tổ chức thực hiện!