10:18 29/06/2009

Chính sách cho giáo viên: Vẫn loay hoay tìm lời giải

Lý Hà

Chính sách đối với giáo viên đang là đòi hỏi bức xúc từ thực tế song vẫn là bài toán khó

Giáo viên khó có thu nhập gì khác ngoài lương.
Giáo viên khó có thu nhập gì khác ngoài lương.
Có thể nói, chưa bao giờ lời giải bài toán chính sách cho giáo viên được đặt ra nóng bỏng như lúc này. Khi mà nỗi lo về một đội ngũ nhà giáo thiếu nhiệt huyết và động lực ngày càng lớn dần.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến năm học 2007-2008, cả nước có 1.055.078 nhà giáo; tăng 79.800 nhà giáo (7,56%) so với năm học 2004-2005. Tuy nhiên, theo Cục Nhà giáo, hệ thống chính sách đối với nhà giáo hiện nay chưa thu hút được người tài giỏi làm nghề dạy học. Nhiều ý kiến đòi hỏi phải  xây dựng đồng bộ hệ thống chính sách đối với giáo viên.

Thu nhập chưa bằng người giúp việc

Bà Nguyễn Thị Kim Thành, Trưởng phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM so sánh “Hiện nay, giáo viên mầm non trình độ cao đẳng mới ra trường có mức lương 1-1,5 triệu đồng/tháng. Tết chỉ được vài trăm ngàn đồng tiền thưởng. Giáo viên trình độ trung cấp mới ra trường thu nhập còn thấp hơn. Trong khi đó một người giúp việc, chỉ học qua lớp đào tạo hai tháng có mức lương 1,5 triệu đồng/tháng cộng với chi phí ăn, ở tại gia đình chủ nhà, có lương tháng 13 trong dịp Tết, được may quần áo mới trong dịp lễ, thuốc men khi ốm đau... Tính ra thu nhập của giáo viên mầm non còn thua cả người giúp việc”.

Theo dẫn chứng của một giảng viên trường đại học ở Hà Nội thì lương của một giảng viên khoa cơ bản tại trường đại học mà anh – một thạc sĩ đang giảng dạy trong 6 năm qua bao gồm: lương cơ bản gần 2 triệu/tháng; lương giảng dạy: 1,2 – 1,6 triêu/tháng (20 nghìn/giờ, mỗi tuần dạy từ 15-20 tiết); ăn trưa: 300 ngàn đồng/tháng; chấm thi: 3.000 đ/bài. Như vậy, tổng thu nhập hàng tháng của anh khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Cầnsửa đổi  chính sách

Ông Lê Phước Long, Giám đốc Sở Giaos dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho rằng lương giáo viên thuộc hệ cao. Nhưng vấn đề là giáo viên ngoài lương ra rất khó để có thu nhập gì khác, khiến họ không bảo đảm được cuộc sống của mình và gia đình. Nếu coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu thì phải nâng lương giáo viên lên. Cần phải khôi phục phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo để động viên họ - ông Long nhấn mạnh.

Thực tế, phụ cấp thâm niên đối với giáo viên chỉ được thực hiện từ 1988-1995, sau đó ngành giáo dục và đào tạo chuyển sang thực hiện phụ cấp ưu đãi. Luồng ý kiến khác cũng cho rằng, cần song song thực hiện cả phụ cấp ưu đãi lẫn phụ cấp thâm niên, vì như thế sẽ dung hòa được lợi ích của cả giáo viên có thâm niên cũng như giáo viên trẻ mới vào nghề, không thể lấy lý do ngân sách eo hẹp để chối bỏ điều này.

Có một thực tế đang diễn ra ở các địa phương là do phụ cấp đứng lớp chỉ thực hiện đối với những người trực tiếp giảng dạy nên giáo viên giỏi không muốn về làm công tác quản lý tại các phòng. Để minh chứng cho điều này, một giám đốc sở lấy ví dụ, một giáo viên giỏi trường trung học phổ thông chuyên thâm niên công tác 15 năm có tổng thu nhập là gần 4 triệu đồng (trong đó, lương trên 2,3 triệu đồng, phụ cấp ưu đãi trên 1,6 triệu). Nếu giáo viên này được điều động về làm chuyên viên tại sở thì chỉ được hưởng lương trên 2,3 triệu đồng, giảm 41% thu nhập vì không còn được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Ông Nguyễn Hữu Diễn, nguyên quyền Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng: Nhà giáo làm nghề lao động đặc thù, có điều kiện lao động cao hơn bình thường. Tuy hiện nay nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi trực tiếp giảng dạy, nhưng lại chưa được xác định trong mức lương, thang, bậc lương, chưa được dùng để tính đóng và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Nhà giáo nào rồi cũng phải nghỉ hưu. Sau bao nhiêu năm cống hiến, thực hiện nhiệm vụ quốc sách hàng đầu, nhưng khi về nghỉ chế độ, nhà giáo lại chỉ được hưởng tiền lương như bao lao động bình thường khác, là điều vô lý.

Trong một cuộc hội thảo về chính sách đối với nhà giáo trong việc xây dựng luật nhà giáo tổ chức mới đây tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến cho rằng, muốn xây dựng được Luật nhà giáo, trước hết cần có một đề tài nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước, điều tra thu thập thông tin tư liệu. Cần một chương trình nghiên cứu sâu về đời sống nhà giáo, về những vấn đề cần tháo gỡ trong chính sách đối với nhà giáo hiện nay.