12:25 30/08/2008

Chính sách tiền tệ đã có “nới lỏng”

Minh Đức

Giữ lãi suất cơ bản, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt. Nhưng ở một điều chỉnh khác cho thấy có sự nới lỏng nhất định

Tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được xem là biện pháp hữu hiệu trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ một cách kỹ thuật - Ảnh: Việt Tuấn.
Tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được xem là biện pháp hữu hiệu trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ một cách kỹ thuật - Ảnh: Việt Tuấn.
Giữ lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhưng ở một điều chỉnh khác cho thấy có sự nới lỏng nhất định.

Từ 1/9, lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam tiếp tục được giữ nguyên mức 14%/năm. Theo đó, lãi suất cho vay tối đa của các ngân hàng thương mại vẫn ở mức 21%/năm; chính sách tiền tệ vẫn theo định hướng thắt chặt hỗ trợ mục tiêu kiềm chế lạm phát.

So với thời điểm trước tháng 5/2008, lãi suất cơ bản là một công cụ khá xơ cứng; việc Ngân hàng Nhà nước liên tục giữ nguyên lãi suất này trong thời gian dài đã trở nên quen thuộc với thị trường và không có ảnh hưởng lớn tới lãi suất thực tế trên thị trường.

Nhưng từ sau mốc ngày 19/5/2008, Ngân hàng Nhà nước triển khai cơ chế lãi suất mới, theo quy định tại Bộ luật dân sự, lãi suất cơ bản trở thành mốc quan trọng để các ngân hàng thương mại căn lãi suất cho vay không vượt quá 150%.

Tín hiệu giữ nguyên lãi suất cơ bản lần này của Ngân hàng Nhà nước có một ý nghĩa sự kiện khác với hai tháng trước đó, bởi thời gian qua, việc giảm lãi suất cơ bản là một vấn đề nổi bật trên thị trường với những ý kiến khác nhau.

Một số ý kiến cho rằng khi lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, lãi suất cơ bản giảm sẽ tạo khung cơ chế mới để lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, cũng như giảm bớt chi phí liên qua. Việc tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn cũng sẽ giúp doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu lợi nhuận cũng như góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế…

Còn theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định trên nằm trong định hướng chính những tháng cuối năm 2008 là “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng linh hoạt trong điều hành để vừa góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh”.

Sau những phản ứng từ các ngân hàng thương mại, hôm nay (30/8), một số công ty chứng khoán cũng có những nhận định đồng thuận với quan điểm trên của Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý là có phân tích cho thấy chính sách tiền tệ từ ngày 1/9 tới sẽ có sự nới lỏng nhất định và mang tính kỹ thuật.

Đi cùng với quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, “bù đắp” thêm 2,4% cho các ngân hàng thương mại. Đây là một quyết định có ý nghĩa lớn đối với hoạt động của các nhà băng, cũng như tác động đến việc thực hiện cơ chế lãi suất của họ trên thực tế.

Theo nhận định từ Công ty Chứng khoán Thăng Long (TSC), Quyết định 1907/QĐ-NHNN (tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc) “là một bước đi khá đúng trong tình hình hiện tại, việc khơi thông nguồn vốn đầu tư cho doanh nghiệp trong thời điểm này rất cần thiết”.

“Những tác động gián tiếp nếu điều chỉnh lãi suất cơ bản là không thể lường được trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế, nên việc điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là một tác động hỗ trợ cần thiết trong việc giảm chi phí đầu vào của các ngân hàng thương mại, qua đó các ngân hàng sẽ tự có cơ chế điều chỉnh của mình với lãi suất huy động lẫn cho vay để đảm bảo được lợi ích của mình, của người đi vay và cho vay.

Với Ngân hàng Nhà nước thì lượng cung tiền vẫn được theo dõi và giám sát khá chặt không có tình trạng cung tiền ào ạt, vì các ngân hàng thương mại có khả năng cho vay khác nhau. Đây được xem là biện pháp hữu hiệu nhất trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ một cách kỹ thuật”, TSC phân tích.

Có thể thấy, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo hai quyết định trên, các ngân hàng thương mại đã có phản ứng tức thời, đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Việc lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc được tăng thêm đáng kể là một thuận lợi để có được phản ứng đó; trước đó là lãi suất huy động đầu vào cũng đã giảm.

Phản ứng trên cũng cho thấy dù không thể hiện trực tiếp trong các văn bản chỉ đạo điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp tạo điều kiện để các thành viên của mình “nới lỏng” hơn chính sách tín dụng. Lãi suất cho vay hiện đã đồng loạt giảm phổ biến dưới 20%/năm; nhiều thành viên chỉ áp dụng từ 19% - 19,2%/năm.

Phân tích trên cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã gián tiếp cụ thể hóa quan điểm của mình khi điều hành chính sách tiền tệ “thắt chặt nhưng linh hoạt”.

Tất nhiên, tác động của sự “nới lỏng” này sẽ không thái quá, sẽ không dẫn đến tình trạng cung tiền ồ ạt như nhận định trên của TSC, bởi còn những rào cản lớn. Đó là những mức lãi suất vay vốn hiện vẫn cao và định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay “chốt” ở mức tối đa 30%.

Phía sau sự “nới lỏng” này, Ngân hàng Nhà nước cũng gián tiếp giảm bớt sự mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ mục tiêu chính của mình. Vẫn tiếp tục kiềm chế lạm phát nhưng vẫn tạo được điều kiện nhất định để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, kích thích doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhận định của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng cho rằng việc tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc từ 1,2% lên 3,6%/năm sẽ hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm bớt chi phí đầu vào, có thêm điều kiện để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và có tác động thúc đẩy đầu tư phát triển.

“Đây có thể coi là một tín hiệu tốt cho thấy Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang dần dần hướng mục tiêu sang tăng trưởng GDP song song với việc kết hợp điều chỉnh chính sách về tỷ giá, tiền tệ”, FPTS bình luận.