18:46 22/12/2008

Chính sách tỷ giá: “Quan trọng là niềm tin”

Minh Đức

Áp lực phá giá VND lớn, có thể điều chỉnh tỷ giá, nhưng quan trọng là việc điều hành và niềm tin của thị trường

"Khi người dân không tin vào VND nữa mà chuyển sang đồng tiền khác, hoặc chuyển sang vàng, thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước về cơ bản là bị mất hiệu lực rất nhiều".
"Khi người dân không tin vào VND nữa mà chuyển sang đồng tiền khác, hoặc chuyển sang vàng, thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước về cơ bản là bị mất hiệu lực rất nhiều".
Áp lực phá giá VND lớn, có thể điều chỉnh chính sách tỷ giá linh hoạt, nhưng quan trọng là việc điều hành và niềm tin của thị trường.

Đây là quan điểm của TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, khi trao đổi với VnEconomy bên lề hội thảo “Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009”, diễn ra tại Tp.HCM sáng nay (22/12).

Theo ông, một trong những giải pháp ổn định nền kinh tế năm 2009 là kích thích xuất khẩu; trong đó, chính sách tỷ giá là một công cụ cần có những điều chỉnh hợp lý.

“Nói về khuyến khích xuất khẩu hiện nay, có thể chúng ta đều cho rằng là rất khó; nhưng vì càng khó thì càng phải cố gắng. Nếu chúng ta không khuyến khích được xuất khẩu thì sẽ thâm hụt thương mại, nó tác động đến cán cân thanh toán của Việt Nam.

Xuất khẩu của chúng ta giảm, nhập khẩu có thể tăng hoặc có thể giảm nhưng không giảm nhanh bằng xuất khẩu nên thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn rất lớn; tiếp theo là kiều hối giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) giảm.

Nói chung các nguồn thu ngoại tệ của chúng ta có xu hướng giảm, giảm mạnh trong năm 2009. Nếu không khuyến khích được xuất khẩu để thu ngoại tệ thì nó sẽ tạo một áp lực rất lớn lên tỷ giá, thậm chí gây khủng hoảng về cán cân thanh toán”, ông nói.

Về chính sách tỷ giá, theo ông, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước cần thực hiện như thế nào?

Đầu tiên là phải cân nhắc việc tính toán lại tỷ giá thực, bởi vì hiện nay Việt Nam vẫn đang điều hành dựa trên tỷ giá danh nghĩa, mà tỷ giá danh nghĩa nó không phải ánh đúng và chính xác năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Nếu chúng ta tính theo tỷ giá thực thì VND đã tăng so với USD, điều đó cũng có nghĩa là tăng so với nhiều đồng tiền mạnh khác. Vậy thì khi chúng ta điều hành mà không theo tỷ giá thực thì nó sẽ có một số rủi ro. Nó không bám sát được thị trường ngoại hối của Việt Nam.

Thế cho nên mới có tình trạng là cung – cầu mất cân đối như hồi tháng 4, tháng 5 vừa rồi; khi mà giá USD trên thị trường bên ngoài lên đến 19.000 VND, thậm chí 20.000 VND, trong khi đó giá USD trong các ngân hàng thương mại vẫn là trong khoảng 16.000 – 17.000 VND.

Có sự chênh lệch như thế thì nó tạo ra thị trường chợ đen. Đấy là sự bất ổn rất lớn, sự bất ổn đó làm mất niềm tin vào đồng tiền. Đó là điều quan trọng nhất, bởi người ta không tin vào VND nữa, người ta dùng VND mua USD, vàng. Điều đó có nghĩa là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước không còn tự chủ được nữa.

Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước là định ra những chính sách liên quan đến giá trị của đồng tiền, lãi suất…, nhưng mà khi người dân không tin vào VND nữa mà bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với nó mà chuyển sang đồng tiền khác, hoặc chuyển sang vàng, thì chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước về cơ bản là bị mất hiệu lực rất nhiều.

Đó là chưa kể đến tỷ lệ Đô la hóa ở Việt Nam, rất cao với khoảng 25% - 30%. Nếu chính sách không ổn thì nó sẽ tăng tỷ lệ này lên.

Xin hỏi ông một khái niệm mang tính kỹ thuật, tỷ giá thực xác định như thế nào?

Tỷ giá thực là tỷ giá sau khi đã điều chỉnh tốc độ lạm phát của hai đồng tiền. Ví dụ trong năm 2008, VND mất giá 20% trong khi USD mất giá khoảng 2%, thế nhưng tỷ giá giữa hai đồng tiền này vẫn gần như đứng yên là không hợp lý.

Ông đề cập đến yếu tố niềm tin đối với đồng tiền. Vậy yếu tố đó có đi cùng với tâm lý không, khi mà thời gian qua Ngân hàng Nhà nước thường cho rằng đây là nguyên nhân chính của những biến động tỷ giá?

Yếu tố tâm lý thường đi sau các động thái chính sách, ít khi nó đi trước động thái chính sách. Khi chúng ta có được một chính sách tốt thì nó sẽ cải thiện được yếu tố tâm lý và niềm tin. Mà khi chính sách sai lầm, lại tiếp theo một chính sách sai lầm khác thì nó sẽ làm suy giảm niềm tin, và đến lúc niềm tin bị suy giảm đến một mức độ nào đó nó sẽ tạo nên khủng hoảng niềm tin và tác động đến thị trường.

Niềm tin đi sau chính sách, vì thế các nhà làm chính sách có các công cụ cũng như thế đi trước để tác động đến niềm tin. Đáng tiếc là có những trường hợp nó tác động sai lầm làm xói mòn niềm tin chứ không phải niềm tin tự nhiên nó có.

Niềm tin không tự sinh ra và không tự mất đi. Nó là sự phản ứng trở lại của người tiêu dùng, của thị trường đối với chính sách.

Trong nghị quyết Chính phủ vừa ban hành về các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế…, có một chỉ đạo là Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu của thị trường. Theo ông, sự linh hoạt đó nên như thế nào, biên độ có nên điều chỉnh hay không và nếu có thì điều chỉnh như thế nào?

Đây là câu hỏi vừa có tính kỹ thuật rất khó, vừa có tính điều hành rất khó. Việc nới lỏng biên độ là một chuyện, nhưng sau đó điều hành nó thế nào thậm chí còn khó hơn.

Tôi nghĩ thời điểm này chắc chắn phải điều chỉnh tỷ giá. Câu hỏi tiếp theo là điều chỉnh như thế nào? Điều chỉnh bằng việc mở rộng biên độ hay là bằng việc xác định một tỷ giá thực, hay là bậc thang nới dần lên +/-5% rồi lên +/-10%, hay +/-15%...

Tôi nghĩ đó là vấn đề hết sức kỹ thuật. Bất kỳ người nào đưa ra một bình luận đều rất rủi ro. Lý do là ngay cả khi chính sách đúng mà điều hành không đúng thì kết quả nó sẽ rất xa so với dự định ban đầu của người đề xuất chính sách.

Vì vậy tôi không thể đưa ra một đề nghị cụ thể, mà chỉ có thể nói rằng: thứ nhất, áp lực phá giá là lớn; thứ hai, để điều hành tỷ giá cần phải có thông tin rất tốt của hệ thống Ngân hàng Trung ương, nếu không có thông tin thì không thể điều hành tỷ giá; thứ ba là phải có một sự giao tiếp, thông tin hai chiều giữa thị trường và Ngân hàng Nhà nước để làm sao có những kỳ vọng hợp lý ở phía thị trường, và khi Ngân hàng Nhà nước có thể tác động được tới kỳ vọng hợp lý đó thì sẽ tăng cường được khả năng hiệu lực, hiệu quả của chính sách, còn nếu không tác động được thì chính sách có đúng thì cũng có thể thất bại.

Ở yếu tố thứ nhất, ông có thể giải thích cụ thể hơn về áp lực phá giá đối với VND?

Như tôi đã nói ở trên, VND tăng giá so với USD, đồng USD tăng giá so với nhiều đồng tiền khác thì VND càng mạnh hơn, dẫn tới xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng, làm tăng thâm hụt thương mại, tác động tiêu cực đến cán cân thanh toán. VND tăng giá hiện đang là xu hướng.

Bên cạnh đó, các dòng vốn, nguồn ngoại tệ vào Việt Nam cũng có xu hướng giảm cũng là một áp lực.

Ông nói rằng các nguồn ngoại tệ vào Việt Nam trong năm 2009 có xu hướng giảm mạnh. Vậy có giải pháp nào để khắc phục không?

Chúng ta phải hiểu là có những thứ chúng ta không thể thay đổi được. Bởi vì nó là môi trường bên ngoài, nó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chẳng hạn như khi các nhà đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn ở thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản… thì họ phải cân đối lại danh mục đầu tư, họ phải rút danh mục đầu tư ở những nước có rủi ro cao.

Nhưng có những cái chúng ta kiểm soát được, chẳng hạn như vốn cam kết là như vậy nhưng tại sao lại giải ngân thấp như vậy. Đó là cái chúng ta có thể kiểm soát được. Chúng ta phải làm thế nào để các nhà đầu tư tiếp cận về vấn đề đất đai dễ dàng hơn, thủ tục giải tỏa, đến bù thuận lợi hơn, các quy chế bớt rườm rà hơn, thể chế hành chính của chúng ta hoạt động hiệu quả hơn thì có thể tăng được lượng giải ngân. Ví dụ như thế.

Hoặc là liên quan đến các dòng vốn khác, như FII. Nếu như trên thị trường chúng ta có những doanh nghiệp lành mạnh hơn, mức độ rủi ro thấp hơn, điều hành tốt hơn thì họ sẽ tăng phân bổ đầu tư cho thị trường Việt Nam…

Nói tóm lại là những chính sách của chúng ta sẽ có tác động tích cực nếu nó đi đúng hướng đối với các dòng vốn FDI cũng như FII. Cũng tương tự như các dòng vốn khác, như ODA chẳng hạn. Ví dụ như bây giờ Nhật Bản đang ngừng 700 triệu USD, nếu như chúng ta hợp tác tốt hơn với phía Nhật Bản về vụ PCI thì chúng ta có thể có 700 triệu USD đó và đồng thời tăng thêm được uy tín của Việt Nam như là một đất nước sẵn sàng đối đầu với tham nhũng khi cần thiết.