15:56 05/08/2021

Cho phép xuất toán nợ khó đòi khỏi ngoại bảng sau 5 năm

Vũ Phong

Sau 5 năm, nợ đã xử lý bằng trích lập nhưng không đòi được sẽ cho xuất toán khỏi ngoại bảng...

Những khoản nợ khó đòi nhưng đã được xử lý bằng dự phòng sẽ được phép xuất toán khỏi ngoại bảng
Những khoản nợ khó đòi nhưng đã được xử lý bằng dự phòng sẽ được phép xuất toán khỏi ngoại bảng

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 11/2021/TT-NHNN, thay thế Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản có và trích lập dự phòng rủi ro, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Thông tư 11 có 4 Chương, 27 Điều, quy định về phân loại nợ và cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, quản lý nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán và báo cáo; các quy định về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và xử lý vi phạm; các quy định về điều khoản thi hành và chuyển tiếp.

So với Thông tư 02/2013/TT-NHNN, Thông tư 11 bổ sung phạm vi điều chỉnh quy định yêu cầu các ngân hàng phân loại, trích lập dự phòng rủi ro đối với tài sản có phát sinh từ các hoạt động: mua, bán nợ; mua bán lại trái phiếu chính phủ trên thị trường chứng khoán, mua có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các ngân hàng; mua hẳn kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước.

 

Với việc thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng hàng tháng được rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày đầu tiên của tháng và gửi về CIC. Trong 3 ngày sau khi nhận được kết quả, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ và cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Đồng thời, thông tư mới quy định đối tượng áp dụng là tất cả tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng phi ngân hàng, trừ tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt.

Thông tư 11 bỏ quy định chi tiết liên quan đến các tổ chức tín dụng trong thời gian triển khai phương án tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập có khó khăn trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để có biện pháp xử lý nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.

Thông tư mới cũng sửa đổi các khái niệm về dự phòng cụ thể, dự phòng chung, nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, bổ sung khái niệm nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Dự thảo cũng điều chỉnh nguyên tắc tự phân loại các khoản nợ cấp tín dụng hợp vốn, với nợ đã bán, ủy thác cấp tín dụng, với nợ đã mua... 

Đáng chú ý, với việc thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng hàng tháng được rút ngắn từ 15 ngày xuống 7 ngày đầu tiên của tháng và gửi về CIC. Trong 3 ngày sau khi nhận được kết quả phân loại nợ của ngân hàng, CIC tổng hợp danh sách khách hàng theo nhóm nợ và cung cấp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong 3 ngày kể từ khi nhận được danh sách từ CIC, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh nhóm nợ theo danh sách CIC cung cấp.

 

Sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Về nguyên tắc và tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ vẫn được giữ nguyên so với Thông tư 02. Trong đó, toàn bộ dư nợ của một khách hàng tại một tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được phân loại vào cùng một nhóm nợ. Tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ gồm: nợ tiêu chuẩn không phải trích lập, nợ cần chú ý trích lập 5%, nợ dưới chuẩn trích lập 20%, nợ nghi ngờ trích lập 50% và nợ có khả năng mất vốn trích lập 100%. Mức trích lập dự phòng chung phải trích được xác định bằng 0,75% tổng số dư các khoản nợ từ nhóm 1 đến nhóm 4.

Ngoài ra, Thông tư mới cũng quy định sau thời gian tối thiểu 5 năm, từ ngày sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và sau khi đã thực hiện tất cả các biện pháp để thu hồi nợ nhưng không thu hồi được, tổ chức tín dụng, ngân hàng nước ngoài được quyết định xuất toán nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/10/2021.