Cho vay nặng lãi hợp thức bằng hợp đồng góp vốn kinh doanh
Tú đã 5 lần cho Lan Anh vay 3,2 tỷ đồng với lãi suất 109%/ngày. Số tiền lãi Lan Anh đã trả cho Tú là hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó Tú thu lời bất chính hơn 1,1 tỷ đồng.
Ngày 14/3, TAND TP Hà Nội xét xử Vũ Thị Lan Anh (SN 1981, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) mức án 15 năm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Nguyễn Tân Tuấn Tú (SN 1975, ở quận Cầu Giấy) 30 tháng tù về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trước đó, cơ quan điều tra nhận được đơn thư của Nguyễn Tân Tuấn Tú (SN 1975, ở quận Cầu Giấy) tố cáo Lan Anh chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng. Nhưng khi điều tra, công an phát hiện Tú có hành vi cho vay lãi nặng.
Theo đó, do không có tiền tiêu nên Lan An vay tiền của Tú với lãi suất 3.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Cứ 10 ngày trả lãi 1 lần thông qua chuyển khoản ngân hàng. Để hợp thức khoản vay, hai bên ký hợp đồng góp vốn kinh doanh hàng Nhật.
Tính đến ngày 1/7/2019, Lan Anh còn nợ Tú 1,5 tỷ đồng tiền gốc và không có khả năng chi trả.
Theo cơ quan điều tra, từ ngày 1/10/2017 đến 31/10/2018, Tú đã 5 lần cho Lan Anh vay 3,2 tỷ đồng với lãi suất 109%/ngày. Số tiền lãi Lan Anh đã trả cho Tú là hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó Tú thu lời bất chính hơn 1,1 tỷ đồng.
Tòa án tuyên tịch thu toàn bộ các khoản tiền Tú cho vay lãi và phần lãi vượt quy định.
Cáo trạng thể hiện, do cần tiền chi tiêu, Lan Anh đưa ra thông tin gian dối với người quen về phương án kinh doanh các mặt hàng Nhật nội địa, đổi tiền, thiết bị y tế… để tạo niềm tin chiếm đoạt tiền.
Trong thời gian từ 2019-2021, Lan Anh đã thực hiện 2 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 7,9 tỷ đồng.
Trước đó, năm 2016, Lan Anh có thành lập chuỗi cửa hàng Lan Anh JP, chuyên kinh doanh hàng Nhật nội địa theo hình thức hộ kinh doanh cá thể. Năm 2018, bị cáo thành lập Công ty cổ phần Hoàng và Dương brother nhưng việc kinh donah không hiệu quả.
Qua quan hệ xã hội, Lan Anh có quen biết bà Đỗ Mỹ D. (SN 1978, ở quận Cầu Giấy). Biết bà D. có điều kiện kinh tế nên Lan Anh nảy sinh ý định lừa tiền. Để tạo lòng tin với bà D., Lan Anh gửi email có phương án kinh doanh mặt hàng Nhật nội địa theo hàng container từ Nhật Bản và Việt Nam và bán lại luôn cho khách. Trong thời ngắn sẽ có lợi nhuận cao. Các mặt hàng gồm bếp từ, trà sữa, bánh…
Ngoài ra, Lan Anh còn báo với bà D. góp vốn kinh doanh gỗ, đổi tiền mới ngân hàng. Thời gian đầu, bị cáo đều đặn trả lại một phần lãi nhưng sau đó chiếm đoạt.
Đến cuối năm 2020, bà D. tính toán thì số tiền vốn và lãi lên đến 17 tỷ đồng. Thấy Lan Anh chậm trả tiền nên bà D. đòi thì Lan Anh khất hẹn.
Đến đầu năm 2021, Lan Anh mới trả lại cho bà D. 1,35 tỷ đồng. Do đòi tiền bất thành, bà D. yêu cầu Lan Anh ký xác nhận các khoản góp vốn nhưng cô ta không đồng ý.
Theo kết quả điều tra, bà D. đã chuyển cho Lan Anh hơn 27,5 tỷ đồng, nhận lại 23,6 tỷ đồng. HIện số tiền Lan Anh còn chiếm đoạt là hơn 3,9 tỷ đồng.
Với cách thức tương tự, khoảng cuối năm 2020, Lan Anh tiếp tục mời bà Nguyễn Hồng T. (SN 1961, ở quận Ba Đình) góp vốn đầu tư kinh doanh. Bị cáo cũng nói, trước khi hàng nhập về đã có người đặt cọc một phần lô hàng, sau 14 ngày hàng về, khách hàng sẽ thanh toán nốt tiền hàng. Bà T. chỉ cần bỏ vốn trong thời gian ngắn sẽ được hoàn vốn luôn. Tin lời nên bà T. đã huy động tiền của người thân, bạn bè chuyển cho Lan Anh 4,5 tỷ đồng.
Đến ngày 25/2/2021, Lan Anh mới trả lại hơn 487 triệu đồng sau đó không trả thêm. Số tiền bà T. bị chiếm đoạt là hơn 4 tỷ đồng.
Quá trình tố tụng cho thấy, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cho vay nặng lãi rất tinh vi, thường lợi dụng mạng viễn thông, internet, kinh doanh dịch vụ cầm đồ hoặc lập pháp nhân tạo vỏ bọc, đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.
Cơ quan công anh đã phát đi cảnh báo người dân có nhu cầu vay tiền cần hết sức cẩn trọng, không nên vay mượn tiền thông qua các tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền, các tổ chức tài chính núp bóng hoạt động “tín dụng đen”…nhằm tránh trường hợp vay dễ nhưng khó trả, khiến nợ chồng nợ và bị các đối tượng cho vay đe dọa, khủng bố về tinh thần, tạo áp lực về trả nợ.
Nếu có nhu cầu vay tiền, người dân nên đến ngân hàng, các đơn vị có uy tín để làm thủ tục vay theo đúng quy định của pháp luật. Khi phát hiện các trường hợp nghi vấn, có dấu hiệu liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng cần thông báo ngay đến cơ quan Công an để để được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời.