Chọn doanh nghiệp đầu tư, đừng nhìn Index nữa!
Nhà đầu tư chứng khoán nên tập trung phần lớn những nỗ lực, thời gian của mình vào để làm và chọn lọc những doanh nghiệp tốt hơn Index, chứ không phải là dự đoán liệu Index có đi xuống không hay là ngày mai hay tuần sau hay tháng sau như nào...
Số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho biết, GDP quý 3/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ giảm rất sâu, lần lượt ở các mức giảm 5,02% và giảm 9,28%. 9 tháng đầu năm 2021, GDP chỉ tăng 1,42% so với cùng kỳ năm trước.
TƯƠNG LAI NĂM 2022 SẼ TỐT ĐẸP HƠN
Đánh giá về số liệu vĩ mô tác động đến thị trường chứng khoán tại Talk Show Phố Tài chính mới đây, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng, dịch Covid xảy ra là sự việc mà 100 năm nay mới xảy ra, nó càn quét tất cả các nền kinh tế trên thế giới không loại trừ quốc gia nào kể cả Việt Nam. Điều này để lại những hậu quả trong sức khỏe tài chính của rất là nhiều doanh nghiệp ngoài sàn cũng như là trên sàn niêm yết.
Nền kinh tế của chúng ta đang ở mức khá là thấp, đã lockdown GDP tăng trưởng âm trong quý 3 và có thể là thấp trong quý 4. Trong lịch sử Việt Nam từ giai đoạn mở cửa chắc chưa có giai đoạn nào thấp tới như vậy.
Tuy nhiên, kinh tế đang bắt đầu dần dần phục hồi, doanh nghiệp cũng vậy. Phía trước năm 2022 chắc chắn sẽ là một giai đoạn tốt đẹp hơn quý 3 và quý 4 về mặt triển vọng phát triển kinh tế, tuy nhiên sẽ có sự phân hoá rõ rệt.
Thị trường chứng khoán cần hai động lực chính để tăng trưởng. Một là tăng trưởng nội tại của nền kinh tế và doanh thu lợi nhuận từng doanh nghiệp. Động lực thứ hai là nền lãi suất thấp. Cả hai điều đó đều đang có ở trong giai đoạn này.
Chính vậy, nhà đầu tư chứng khoán nên tập trung phần lớn những nỗ lực, thời gian của mình vào để làm và chọn lọc những doanh nghiệp tốt hơn Index, chứ không phải là dự đoán liệu Index có đi xuống không hay là ngày mai hay tuần sau hay tháng sau như nào.
"Sau khi đã tiêm chủng và bắt đầu mở cửa dần, sẽ là một quá trình khá là chậm chạp và khá là phân hóa. Trong đó có nhiều doanh nghiệp đã dùng đến hết cả những khoản dự phòng, hoàn cảnh tài chính đã lâm vào khó khăn, quá trình phục hồi không hề đơn giản sẽ từ từ và trong quá trình đó, sẽ còn có các doanh nghiệp tiếp tục bị đào thải, tiếp tục bị bo hẹp. Còn những doanh nghiệp quản trị tốt, có sức mạnh chống đỡ tốt thì họ sẽ tận dụng được cơ hội đấy để vượt lên.
Chúng ta phải bám vào những cái cốt lõi nhất, doanh nghiệp nào mạnh mẽ, phục hồi lại tốt năm sau có những triển vọng tăng trưởng vượt trội thì doanh nghiệp sẽ có giá cổ phiếu đi theo sự thay đổi của nội tại doanh nghiệp", ông Phúc nhấn mạnh.
KHÔNG ĐÁNH GIÁ CAO CÔNG TY QUÁ NHIỀU NGÀNH
Cũng theo ông Phúc, kinh tế Việt Nam đang đi sau rất nhiều các nền kinh tế trong Đông Á, hay phát triển ở Đông Tây, khoảng mười, hai mươi năm thậm chí ba mươi năm nên những bài học cho Việt Nam, những cái khó khăn những triển vọng mà các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua và đang hướng tới thì đâu đó trên thế giới đều đã xảy ra. Đó là những bài học quan trọng cho chúng ta.
"Trên thị trường nhất là thời gian gần đây chúng ta chứng kiến việc tiền đổ vào những doanh nghiệp lỗ nhiều năm và định giá lên đến giai đoạn cao nhất lịch sử, những cái làn sóng như vậy nó có thể đến rất nhanh nhưng nó không phải là xu hướng bền vững. Chính vì vậy, nhà đầu tư cũng luôn phải xác định rất rõ là mình mua cái gì, mình tham gia vào cuộc chơi nào"
Ông Lê Chí Phúc.
Nhìn từ vụ việc Evergrande của Trung Quốc cho thấy, thực tế đa ngành không phải là tốt hay không tốt, mà cái yếu tố ở đây là khả năng quản trị khi mình mở rộng sang một lĩnh vực mới.
Theo quan điểm của Tổng giám đốc SGI Capital, dưới góc độ là một nhà đầu tư tài chính thông thường, ông không đánh giá cao những công ty đi quá nhiều ngành. Các công ty khi tham gia vào các ngành mới sẽ dễ khiến khách hàng và các nhà đầu tư tài chính có những sự nghi ngờ nhất định, họ sẽ chiết khấu giá trị của công ty đó đi một chút so với công ty có nguồn công ty tập trung vào ngành nghề cốt lõi, lợi thế cạnh tranh rõ ràng.
Tất nhiên ở góc độ ngược lại thì khi mà thăm dò một ngành, một lĩnh vực mới, nhất là ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam thì tinh thần doanh nhân luôn tồn tại, luôn muốn phát triển, tìm tòi, tìm ra các mô hình kinh doanh mới và đã có những doanh nghiệp thành công.
Chính vì vậy khi đầu tư vào một doanh nghiệp mà muốn mở ra đa ngành, SGI Capital sẽ theo dõi nguồn lực họ dùng cho việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cũng như thị trường mới.
Nếu họ quản trị bằng cách chỉ dành một phần trong tổng giá trị tài sản trong cái lợi nhuận làm ra hàng năm để cho lĩnh vực mới đó, gọi là start up. Con số đó nếu như dưới 30% số lợi nhuận làm ra số dòng tiền làm ra từ các lĩnh vực cốt lõi để thí điểm và phát triển những lĩnh vực mới thì con số đó là một con số rất lành mạch, nếu có thất bại, có khó khăn thì những dòng tiền cốt lõi từ lĩnh vực họ đang rất mạnh, sẽ dư sức để bù đắp cho những cái lỗ, những cái khó khăn và rủi ro của các lĩnh vực mới kia.
Đó là cách mà SGI Capital đánh giá các doanh nghiệp, không chỉ những doanh nghiệp Việt Nam mà cả các doanh nghiệp trên thế giới, nếu họ chọn việc đi đa ngành, họ đi bằng cách quản trị rủi ro như vậy là rất khôn ngoan.
Còn nếu những doanh nghiệp dồn số tiền quá lớn, gần như là toàn bộ số tiền của doanh nghiệp, thậm chí lớn hơn hay đi vay tiền ở bên ngoài cho những cái start up mới, với mô hình kinh doanh như vậy chúng tôi đánh giá là vô cùng rủi ro. Vì xác xuất của 1 Startup thì chúng ta biết rồi 80% là sẽ thất bại sau hai năm, 90% là sẽ thất bại sau năm năm, chỉ có 10% là thực sự tồn tại và thành công. Xác suất này là xác xuất tồn tại trên thế giới, Việt Nam cũng vậy nên là cách đi và quản trị như nào khi mở ra những lĩnh vực mới là thứ cốt lõi nhất.