10:35 08/06/2011

“Chống lạm phát không chỉ là rút tiền về”

TS. Nguyễn Đại Lai

Đà tăng lạm phát tháng 5/2011 giảm so với tháng trước, nhưng nếu nhìn qua đồ thị thì đó vẫn là cột dựng đứng theo thời gian

Những nguy cơ suy thoái kéo dài có nguyên nhân căn bản không phải từ phía thị trường tài chính.
Những nguy cơ suy thoái kéo dài có nguyên nhân căn bản không phải từ phía thị trường tài chính.
Đà tăng lạm phát tháng 5/2011 giảm so với tháng trước, nhưng nếu nhìn qua đồ thị thì đó vẫn là cột dựng đứng theo thời gian.

Hết tháng 5/2011, cột lạm phát đã cao tới 12,07% so với 31/12/2010; 19,78% so với cùng kỳ 2010 và 45% so với 31/12/2007, bình quân 1,09%/tháng.

Diễn biến thực tế là trong suốt 3 năm và 5 tháng qua, kể từ 31/12/2007, chưa có tháng nào lạm phát bằng 0 hoặc âm, chỉ có tốc độ tăng cao, thấp khác nhau chồng lên nhau mà thôi.

Vậy là bình quân lạm phát trong gần 3 năm rưỡi đã tăng tới 13,15%/năm, trong khi GDP bình quân theo năm của cùng thời kỳ chỉ tăng được 6,1%/năm, chỉ bằng 46,4% tốc độ tăng lạm phát (trong đó năm 2008, GDP tăng 6,23%; 2009: 5,3% và 2010: 6,8%).

Quá phụ thuộc vào vốn

Từ góc nhìn lãi suất thì cũng trong quãng thời gian đó, lãi suất đã tăng liên tục, với nhiều cuộc chạy đua.

Đầu tiên là tăng lãi suất huy động để chống lạm phát, tránh rủi ro thanh khoản; sau là tăng lãi suất huy động để chống lãi suất thực âm của người gửi…, làm cho thị trường tín dụng đầu ra cũng phải không ngừng tăng giá đuổi theo. Hiện, lãi suất cho vay đã lên tới mức bình quân xung quanh 20%/năm.

Tiếp đó là thị trường ngoại hối. Những năm qua, việc chống Đô la hóa rất yếu đã khiến cho thị trường tín dụng ngoại tệ "sôi nổi" hơn cả tín dụng nội tệ. Mãi tới những tháng đầu năm 2011, bằng những quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước, đã có tác động tích cực vào thị trường tín dụng ngoại tệ và tín dụng vàng, để làm dịu lại tình trạng hỗn độn của thị trường tín dụng trước đó.

Các diễn biến trong những năm qua đã và đang chứng tỏ một nền kinh tế quá phụ thuộc vào vốn, năng suất lao động quá thấp, cơ cấu tiền - hàng bất hợp lý, hiệu quả đồng vốn quá thấp và tiền ít chảy vào ngân hàng (đặc biệt là tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn từ 12 tháng trở lên), ít chảy vào sản xuất mà lại chạy lòng vòng vào đầu cơ phi sản xuất, đẩy giá cả hàng hoá, dịch vụ liên tục cao!
 
Nhìn vào thị trường chứng khoán thì thấy đang xuất hiện các nỗ lực “tự cứu” của các doanh nghiệp phát hành, bằng cách mua vào cổ phiếu của chính mình làm cổ phiếu quỹ. Tuy là hành vi “cực chẳng đã”, nhưng là khá hiệu quả vào lúc này để giữ giá cổ phiếu và không ảnh hưởng đáng kể đến sức khoẻ của doanh nghiệp phát hành.

Trên thị trường chứng khoán cũng đang xuất hiện các thương vụ đầu tư chéo bằng cách các doanh nghiệp có liên quan mua cổ phiếu của nhau để giữ giá cổ phiếu cho nhau, hoặc thâu tóm, sáp nhập thực sự để doanh nghiệp hay công ty nhỏ trở thành công ty lớn hơn hay công ty bé trở thành công ty con của công ty lớn hơn...

Xu thế này một mặt phản ánh tình trạng suy thoái của nhiều doanh nghiệp, theo nghĩa giá trị thực của doanh nghiệp đã không còn được khuếch đại hay tô hồng qua giá cổ phiếu của mình nữa; Mặt khác, cũng phát ra đồng thời hai tín hiệu đáng mừng. Thứ nhất, chứng tỏ thị trường chứng khoán Việt Nam đã đóng được vai trò là “phong vũ biểu” của nền kinh tế, mặc dù chưa đóng được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo, chủ lực của nền kinh tế.

Tín hiệu mừng thứ hai là phản ánh xu hướng tập đoàn hoá và cạnh tranh sòng phẳng: khỏe hơn thì làm anh, làm mẹ; yếu hơn thì làm em, làm con, và cùng tồn tại một cách đúng là mình hơn trong môi trường thị trường.

Cũng trên thị trường chứng khoán, một biểu hiện khác theo chiều hướng tiêu cực đang xuất hiện, đó là hiện tượng xin rời sàn ngay cả khi doanh nghiệp niêm yết vẫn đang làm ăn có lãi và “chưa chết”. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước về không tỏ thái độ rõ ràng bằng pháp lý thì sẽ tạo ra tiền lệ: “chộp giựt” xong, doanh nghiệp sẽ bỏ mặc cổ đông nhỏ lẻ, nhất là cổ đông thứ cấp, dẫn đến hệ lụy giết chết niềm tin đối với thị trường chứng khoán.

Mất cân đối nghiêm trọng

Xu hướng lạm phát cao và “phong vũ biểu” phát ra từ thị trường chứng khoán cho thấy những nguy cơ suy thoái kéo dài có nguyên nhân căn bản không phải từ phía thị trường tài chính, mà căn bản là từ thị trường sản xuất, dịch vụ vật chất.

Cho nên, nếu không có những giải pháp chống lạm phát bằng cách tăng cung, tăng năng suất lao động nội địa, thay vì cứ vẫn loay hoay sử dụng chính sách giảm tổng cầu, thì lạm phát vẫn rất cao, không có điều kiện cho các ngân hàng thương mại giảm được lãi suất ngay, vì giá vốn vẫn thực âm.

Từ các biểu hiện kể trên, cũng có thể nhận diện nền kinh tế thị trường nước ta hiện đang trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng, giữa kinh tế giá trị phát triển mạnh (tổng đầu tư xã hội lớn, lạm phát cao) và kinh tế vật chất trì trệ (tổng gia tăng ròng giá trị hàng hoá bán lẻ theo giá kỳ gốc thấp).

Do đó, việc giải bài toán chống lạm phát hiện nay cần căn bản đi theo hướng tập trung tăng cung hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cho tiêu dùng, tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào xuất-nhập khẩu, khai thác mạnh thị trường nội địa…, chứ không phải chỉ là vấn đề rút tiền về.

Thậm chí, cần khơi thông các dòng chảy của vốn một cách hợp lý bằng công cụ chính sách tiền tệ và cả chính sách đầu tư hợp lý vào những nhóm, ngành hàng tiêu dùng và hàng thay thế nhập khẩu trong nước.

Rõ ràng là nếu cứ với năng suất lao động quá thấp như thế này, thì việc chống lạm phát không còn là việc của Ngân hàng Nhà nước nữa, vì Ngân hàng Nhà nước không thể ra lệnh cho xã hội phải tăng năng suất lao động!

Cách nào giảm lãi vay?

Nền kinh tế đang đau đầu với bài toán giảm lãi vay. Câu trả lời ở đây, theo người viết, là trước mắt cần giảm lãi suất cho vay trước, giảm lãi suất huy động sau, đồng thời tốc độ giảm lãi suất phải đi trước và nhanh hơn tốc độ giảm đà tăng lạm phát.

Để thực hiện phương châm này, Chính phủ nên công khai đưa ra các quan điểm chính sách sau:

Một là, trừ Ngân hàng Chính sách xã hội, tất cả các ngân hàng thương mại khác trên lãnh thổ Việt Nam phải canh tranh lành mạnh, đều buộc phải đủ tư cách và được phép tham gia thị trường tái cấp vốn sơ cấp của Ngân hàng Nhà nước.

Cần cho phép các ngân hàng thương mại có chính sách riêng ưu đãi lãi suất với các khách hàng thường xuyên có tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn với số lượng tương đối lớn và ổn định tại ngân hàng của mình, theo hướng tổng chênh lệch lãi suất ròng bù trừ của ngân hàng thương mại với khách hàng đích danh đó không lớn hơn một tỷ lệ % nào đó (ví dụ không quá 3%) so với mức lãi suất của số tiền gửi bình quân tại ngân hàng.

Hai là, Chính phủ cần sớm có quy định thống nhất một đầu mối duy nhất quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước và cho phép mở rộng đối tượng tham gia thị trường ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước tổ chức, để vừa tạo kênh chống Đô la hóa, vừa tạo kênh chuyển dịch và khơi thông các nguồn vốn ngoại thành nguồn vốn nội, cung ứng cho thị trường vốn dưới nhiều hình thức.

Ba là, một trong những vai trò của SCIC đã được quy định là đầu tư trên thị trường vốn, thị trường chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và các công cụ tài chính khác. Đây chính là lúc SCIC phải công khai thể hiện sứ mệnh gia tăng giá trị cho hàng hoá trên thị trường chứng khoán, để tạo niềm tin cho thị trường và là bước chuẩn bị cho giai đoạn đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Bốn là, các hội nghề nghiệp được phép bổ sung chức năng làm đầu mối để tổ chức hình thành các định chế quỹ đầu tư và/hoặc công ty tài chính liên danh, có vốn đóng góp của các doanh nghiệp thành viên (nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), để tạo ra các pháp nhân đủ tư cách đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ hay trái phiếu công ty tài chính liên danh, nhằm hút vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán, giảm áp lực vốn trên thị trường tín dụng.

Năm là, về trung và dài hạn, Chính phủ cần tăng cường kiểm soát độc quyền, tăng vai trò "cầm còi", giảm vai trò trực tiếp sản xuất trong nền kinh tế thị trường; hạn chế đến tối thiểu các can thiệp hành chính vào các công cụ của qui luật thị trường (giá cả, lãi suất…); khuyến khích cạnh tranh giảm giá, tăng năng suất lao động và cải cách cơ chế tiền lương theo hướng gắn trực tiếp với năng suất lao động; khuyến khích bằng cả tiền của lẫn chính sách cho đào tạo và sử dụng nhân tài; sử dụng hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên quốc gia, hạn chế các chủng loại hàng xuất thô; tách Ngân hàng Nhà nước ra độc lập với Chính phủ, để Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc điều tiết tổng cầu của nền kinh tế.

* Tác giả bài viết nguyên là Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước).