07:37 10/12/2022

Chủ động bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán

Vũ Khuê

Thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước, do đó, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp...

Dự trữ hàng hoá Tết nguyên đán Quý Mão 2023 ước tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự trữ hàng hoá Tết nguyên đán Quý Mão 2023 ước tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Hội nghị về công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Tổ Điều hành thị trường trong nước cho rằng kinh tế từng bước phục hồi sau đại dịch Covid-19 nên người dân có xu hướng gia tăng mua sắm. Dự đoán, thị trường hàng hoá giai đoạn cuối năm và Tết Nguyên đán sẽ sôi động hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.

DỰ TRỮ HÀNG HOÁ TẾT TĂNG KHOẢNG 12%

Trong đó, dự trữ hàng hoá ước tăng khoảng 10-12% so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu đối với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường... Do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay cũng tăng nhẹ so với năm trước.

Dự báo kinh tế đã khởi sắc hơn nên người dân sẽ “mạnh tay” với việc chi tiêu cho mua sắm Tết, ước nhu cầu sẽ tăng khoảng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng đặc sản vùng miền, hàng hoá chất lượng cao vẫn được người dân quan tâm mua sắm và tiêu dùng.

Chủ động bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán  - Ảnh 1

Công tác dự trữ chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán đã và đang được các địa phương, doanh nghiệp gấp rút triển khai. Tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công Thương đã có các văn bản chỉ đạo và đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị Tết, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố phương án chuẩn bị nguồn hàng. Đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với các sở ngành liên quan trong công tác triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết thành phố Hà Nội đã ban hành 10 Kế hoạch, văn bản chỉ đạo về công tác bình ổn thị trường, công tác đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa. Riêng với công tác chuẩn bị hàng hóa, các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng (tăng 15% với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2021.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch khai thác tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết tăng trung bình từ 15%- 30% so với Kế hoạch Tết 2022. Hà Nội đưa vào vận hành thêm 05 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP, nâng tổng số điểm bán sản phẩm OCOP lên 85 điểm bán sản phẩm OCOP trên toàn Thành phố…

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM thông tin thêm để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu, UBND thành phố đã ban hành quyết định về kế hoạch bình ổn thị trường cuối năm và Tết Quý Mão 2023. Theo đó, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết.

Trong đó, tập trung vào các loại hàng hóa như trứng, lương thực thực phẩm, thực phẩm chế biến… Thành phố hiện có 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3000 cửa hàng tiện ích. Dự báo nguồn hàng tăng khoảng 2-3 lần so với các tháng bình thường. TP.HCM cũng đã ký kết 600 biên bản ghi nhớ với doanh nghiệp. Riêng doanh nghiệp bình ổn thị trường cam kết trước và sau tết không điều chỉnh tăng giá bán với hàng hóa thiết yếu.

Tại thị trường Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết dự báo nhu cầu tiêu thụ thời gian tới sẽ tăng. Cụ thể, tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến tăng lên khoảng 1.850 tỷ đồng. Trong đó: 351,9 tấn gạo, nếp các loại; hơn 4.000 tấn thịt các loại (trong đó thịt heo khoảng 2.000 tấn), 645,7 tấn thực phẩm chế biến, đóng hộp, 287,6 tấn thực phẩm khô, 798,3 tấn bánh kẹo mứt hạt dưa các loại, 900 tấn rau củ quả các loại…

NHẬN DIỆN RÕ NGUY CƠ ĐỂ CÓ KẾ HOẠCH PHÙ HỢP

Chia sẻ tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước, lo lắng khi cho rằng thị trường hàng hóa được đánh giá vẫn sẽ phải đối diện với tình trạng khó khăn khi từ ngày 7/12, các nước EU đã áp giá trần với xăng dầu của Nga. Điều này có thể dẫn đến Nga tìm nguồn khách hàng khác và phía EU đi tìm nguồn cung khác, khiến thị trường sẽ có những biến động khó lường. Trong khi với lượng tiêu thụ hiện nay, Việt Nam không phải là đối tượng ưu tiên cho nhập khẩu xăng dầu.

Bên cạnh đó, giá thịt lợn xuống thấp có thể dẫn đến nguy cơ người dân không tái đàn, như vậy sẽ khó khăn ở nguồn cung cũng như công tác kiểm soát giá…. Tất cả những dấu hiệu này cần phải nhìn nhận rõ ràng để có kế hoạch chuẩn bị.

Đồng tình, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định thời gian tới, do thị trường hàng hóa thế giới còn tiềm ẩn nhiều bất ổn sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường hàng hóa trong nước và xuất khẩu của Việt Nam theo hướng bất lợi do nền kinh tế nước ta có độ mở lớn.

Chính vì vậy, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ động thực hiện Chương trình bình ổn thị trường, cần tiếp tục thực hiện các phương thức hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện như hỗ trợ lãi suất vốn vay tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng hoặc vay vốn với lãi suất 0%…

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương có kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh sản xuất bảo đảm cân đối cung, cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để ổn định giá cả.

Bộ Tài chính cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; chỉ đạo các địa phương triển khai chương trình bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán để góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tại các địa phương triển khai các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán với lãi suất ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng nguồn vốn dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phối hợp với Chính quyền địa phương tạo điều kiện, thông thoáng về giao thông giúp lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ được xuyên suốt trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão.

Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ đạo các đơn vị chức năng về Khoa học công nghệ tăng cường kiểm định, kiểm tra, giám sát, đo lường tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo phục vụ người tiêu dùng.

Đặc biệt, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện dự trữ lưu thông theo quy định, thực hiện nghiêm túc tổng nguồn xăng dầu tối thiểu đã được phân giao, có kế hoạch bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định phục vụ sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân dịp cuối năm và trước, trong, sau Tết Nguyên đán, không để gián đoạn nguồn cung xăng trong hệ thống kinh doanh.

Bà Phùng Ánh Ngọc, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính, bổ sung Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành địa phương điều hành giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với Bộ Công Thương quản lý, điều hành đối với mặt hàng xăng dầu theo quy định. Đồng thời đề xuất các giải pháp để ổn định thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là hoạt động quan trọng vì tháng 12 và cuối năm, việc kiểm soát giá cả sẽ tạo dư địa kiểm soát lạm phát năm 2023.

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chỉ đạo các Sở Tài chính địa phương triển khai các biện pháp giám sát biến động giá hàng hóa và bảo đảm bình ổn giá các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết.