14:35 20/12/2021

Chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 9, tránh tư tưởng chủ quan

Chương Phượng

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu cơn bão số 9 nên ngày và đêm 20/12, ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa to, có nơi mưa rất to. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông...

Đường đi phức tạp của bão số 9.
Đường đi phức tạp của bão số 9.

Bão số 9 (bão Rai) đã “quần thảo” trên biển Đông những ngày vừa qua, với hướng đi cực kỳ phức tạp, ban đầu đi theo hướng Tây Bắc, sau đó ngược lên hướng Bắc và hiện đang đi theo hướng Bắc Đông Bắc.

Vào sáng 20/12, tâm bão ở 16,2 độ Vĩ Bắc, 110,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 200km về phía Đông Đông Bắc, sức gió cấp 11 giật cấp 13. Gió thực đo lớn nhất: Song Tử Tây (Khánh Hòa) mạnh cấp 14, giật cất 17; Lý Sơn (Quảng Ngãi) cấp 8, giật cấp 10; Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) cấp 7, giật cấp 8.

Dự báo đến sáng 21/12, tâm bão tại vị trí 20,3 độ Vĩ Bắc; 113,1 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 240km về phía Nam; sức gió cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là  từ vĩ tuyến 14,5 đến 21,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông.

Trong 24-48 giờ tiếp theo, khu vực nguy hiểm chuyển dịch về phía Bắc vĩ tuyến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 118,0 độ Kinh Đông. Ngày 20/12, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có sóng biển cao từ 4-6m, biển động dữ dội.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến sáng 20/12 tình hình thiệt hại do bão số 9: có 1 chết tại Bình Thuận do bị lật thuyền thúng khi di chuyển ra tàu cá neo đậu ở ven bờ; có 5 tàu cá bị chìm và 3 tàu cá hư hỏng tại nơi neo đậu sát bờ ở tỉnh Bình Thuận; 120 lồng, bè nuôi tôm ở tỉnh Khánh Hòa bị thiệt hại. Tại các đảo đảo Song Tử Tây, đảo Đá Nam đã gãy 2 cột đo gió; 90% cây xanh bị gãy đổ; 27 tấm pin mặt trời hư hỏng.

Theo Báo cáo của Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng, tính đến sáng ngày 20/12/2021 đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 58.720 tàu/298.360 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, chủ động tránh, trú.

Đến thời điểm này có 980 tàu/6.534 người đang hoạt động trên bển. Đã có 57.740 tàu/291.826 người vè neo đậu an toàn tại các bến. Về tàu vận tải: hiện có 454 tàu, phương tiện thủy nội địa hoạt động từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Tổng cục Thủy sản cho biết diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển có 14.270 ha. Số lồng bè 178.518 lồng, bè. Các địa phương đã tổ chức sơ tán tổng số 1.530 hộ/3.694 người và 3.828 người trên các lồng, bè đến nơi an toàn (Quảng Nam 167 hộ/528 người; Quảng Ngãi 1.313 hộ/3.046 người; Phú Yên 50 hộ/120 người và 3.828 người trên lồng, bè).

Hiện tại khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên có 11 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 13,35km. Các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Phú Yên đã huy động lực lượng tổ chức gia cố các khu vực bị sạt lở (khu vực kè biển Phú Thuận, huyện Phú Vang, Thừa Thiên.Huế; khu vực bờ biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam; khu vực phường 6, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên).

Ngày 20/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai có công điện tới Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang.

Theo đó, hiện nay, bão số 9 vẫn mạnh cấp 10, 11, giật cấp 13 di chuyển hướng Bắc Đông Bắc với vận tốc 15-20 km/giờ, sóng biển cao từ 5-7m; vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới từ vĩ tuyến 15,0 đến 21,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 115,5 độ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bão, sóng lớn trên biển, tránh tư tưởng chủ quan, đồng thời phục hồi sản xuất nhanh đối với khu vực đã đảm bảo an toàn, yêu cầu tập trung chỉ đạo theo dõi chặt chẽ bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến của bão, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động khu vực Bắc Biển Đông di chuyển trú tránh đảm bảo an toàn, đặc biệt là 13 tàu của Quảng Ngãi đang hoạt động trong khu vực nguy hiểm.

Chỉ đạo các cơ quan chức năng đánh giá cụ thể các điều kiện đảm an toàn (về gió, sóng lớn trên biển, sóng khu vực ven bờ), bám sát thực tế để điều chỉnh kịp thời kế hoạch ra khơi đánh bắt vụ Cá Bắc và các hoạt động khác trên biển, đảo, ven biển, cửa sông.

Đánh giá cụ thể tình hình sạt lở đê, kè biển do ảnh hưởng của bão số 9 để có phương án xử lý khẩn cấp đối với khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư, đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đưa người dân trở lại sau khi sơ tán.