15:12 21/05/2024

Chủ hộ kinh doanh bị thu sai bảo hiểm có thể được hưởng lương hưu

Thu Hằng

Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội cho phép giải quyết ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, tử tuất, ốm đau...) đối với chủ hộ kinh doanh...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính phủ đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó, có vấn đề về điều chỉnh, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh.

GẦN 2 TRIỆU HỘ KINH DOANH CÓ ĐĂNG KÝ

Theo báo cáo của Chính phủ, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác.

Đồng thời rà soát, mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Theo pháp luật hiện hành quy định, việc đăng ký hộ kinh doanh là quyền của các hộ kinh doanh. Đồng thời, cũng có quy định đối với các hộ không phải đăng ký hộ kinh doanh là hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối, và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp.

Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.

Để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, tại Tờ trình số 527/TTr- CP ngày 10/10/2023 của Chính phủ, đã đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh).

Chính vì vậy, Chính phủ thống nhất với nội dung chỉnh lý tại dự thảo luật, đó là đề xuất bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh theo hướng là những “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh”, thay vì quy định “chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh” như dự thảo lần trước trình Quốc hội.

Về ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ trong năm 2023, chỉ đạo rà soát, thống kê đầy đủ, giải quyết dứt điểm vướng mắc đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đồng thời, giải quyết đối với các trường hợp thu, chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định, bảo đảm quyền lợi của người tham gia; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, đề xuất giải pháp xử lý, giải quyết các trường hợp phát sinh chưa được pháp luật về bảo hiểm xã hội quy định.

NHIỀU TRƯỜNG HỢP ĐÃ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM

Đối với vấn đề trên, Chính phủ đã giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẩn trương xây dựng báo cáo, cập nhật số liệu, kiểm điểm rút kinh nghiệm, và đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với tình trạng thu bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật, đối với chủ hộ kinh doanh.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm tại Hà Nội. Ảnh: N.Dương.

Trên cơ sở báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Chính phủ thấy rằng việc cơ quan Bảo hiểm xã hội thu và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối với chủ hộ kinh doanh thời gian qua là không đúng quy định.

Theo số liệu báo cáo, trong giai đoạn từ tháng 1/2003 đến tháng 9/2016, cơ quan Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 3.567 chủ hộ kinh doanh.

Trong quá trình thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh.

Đến nay, đã giải quyết cho 9.648 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản; 275 người hưởng chế độ hưu trí và tử tuất; 397 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần...

Chính phủ thấy rằng, những chủ hộ kinh doanh này đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian dài. Có nhiều người đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hơn nữa, với phương án hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì đồng thời cũng sẽ phải thu hồi số tiền đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội là khá phức tạp, không đảm bảo quyền lợi của các chủ hộ, nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu.

Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động đã có thời gian được cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội cho phép giải quyết ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, để tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh.

Đối với trường hợp chủ hộ có yêu cầu hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì thực hiện hoàn trả tiền đóng, và thu hồi tiền chi trả chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đã giải quyết, không bao gồm tiền lãi.

“Trường hợp này gần như sẽ không xảy ra, bởi thực hiện hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (không tính lãi), người lao động sẽ thiệt hơn so với ghi nhận thời gian đóng để tiếp tục tham gia, kế cả trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, Chính phủ nhận định.