11:17 04/07/2023

Cần phải làm gì để chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội có lương hưu?

Nhật Dương

Chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện đang bảo lưu thời gian đóng, hoặc tiếp tục tham gia theo nhóm khác thì được giải quyết hưởng các chế độ khi đủ điều kiện, hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng; không thu hồi tiền hưởng với trường hợp đã được giải quyết từ năm 2003 đến nay…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam hiện đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về phương án giải quyết vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.

TRƯỜNG HỢP ĐÃ ĐÓNG BẢO HIỂM XÃ HỘI NHƯNG CHƯA ĐƯỢC GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, trong quá trình thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, một số chủ hộ kinh doanh đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội và đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bao gồm cả chế độ hưu trí, tử tuất, bảo hiểm xã hội một lần, ốm đau, thai sản.

Tuy nhiên còn trường hợp chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chưa được tính hưởng bảo hiểm xã hội nên chưa được giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội.

Cập nhật số liệu tình hình đã thu bảo hiểm xã hội bắt buộc, giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh tính đến thời điểm ngày 30/5/2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, có tổng số 3.567 chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Trong đó, 1.444 người đang bảo lưu thời gian đóng, 1.423 người đang tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác (trong đó có 500 người chuyển tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện), 28 người đã hoàn trả tiền đóng, 275 người đã hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, 397 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Về thời gian thu, trong tổng số 3.567 chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, có 598 người đóng bảo hiểm xã hội dưới 5 năm, 718 người đóng từ 5 đến dưới 10 năm, 917 người đóng từ 10 năm đến dưới 15 năm và 1.334 người đóng trên 15 năm.

Để giải quyết dứt điểm tình trạng thu bảo hiểm xã hội chưa phù hợp quy định của pháp luật đối với chủ hộ kinh doanh, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất, đối với người là chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện đang bảo lưu thời gian đóng, hoặc tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác thì được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện, hoặc được bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định.

Không thu hồi tiền hưởng bảo hiểm xã hội của người là chủ hộ kinh doanh đã được giải quyết từ năm 2003 đến nay.

Đối với các trường hợp đã thoái thu bảo hiểm xã hội, nếu chủ hộ kinh doanh có nguyện vọng thì được đóng bảo hiểm xã hội lại bằng số tiền đã thoái thu để khôi phục quá trình đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, phương án chủ hộ kinh doanh được ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc mở ra cơ hội sẽ có nhiều người hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước khi không phải chi trả trợ cấp người cao tuổi.

Đồng thời, cũng đảm bảo công bằng giữa người đã được giải quyết và người chưa được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội; giải quyết triệt để nguyện vọng của người lao động và đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Kinh phí chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho chủ hộ kinh doanh do Quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo từ số tiền đóng góp của chủ hộ kinh doanh (không lấy từ ngân sách nhà nước).

TẠO CÔNG BẰNG GIỮA CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH BHXH 

Lý giải về việc đề xuất phương án trên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện chủ hộ kinh doanh mong muốn tham gia và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để hưởng các chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế khi hết tuổi lao động, để ổn định cuộc sống. Tự đảm bảo an sinh xã hội khi về già cũng là nguyện vọng chính đáng cần được khuyến khích và ghi nhận.

Bên cạnh đó, việc thoái thu bảo hiểm xã hội thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội đối với chủ kinh doanh sẽ rất phức tạp, khó khăn trong thực hiện do không có sự đồng thuận từ phía người lao động là chủ hộ kinh doanh. Người lao động cũng sẽ thiệt thòi vì đã tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian dài, có nhiều trường hợp đến nay đã đủ thời gian đóng 20 năm để được hưởng lương hưu và nhiều trường hợp cũng đã đủ tuổi đời.

Sau khi thoái thu thì những người lao động này không còn cơ hội để tham gia bảo hiểm xã hội nữa, đời sống gặp nhiều khó khăn vì không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Nhiều trường hợp người lao động tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác, đến nay đã đủ điều kiện nghỉ hưu, nếu không được tính hưởng hoặc bảo lưu thời gian đã đóng, thì sẽ không đủ điều kiện để hưởng lương hưu khi về già; gây tác động không tốt đến dư luận xã hội.

Thực tế trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội, nhiều chủ hộ kinh doanh cũng đã được cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất và bảo hiểm xã hội một lần. Vì vậy, nếu thực hiện thoái thu bảo hiểm xã hội sẽ phải truy thu toàn bộ số tiền đã chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong thực tiễn rất khó thực hiện được.

Trường hợp chỉ thoái thu bảo hiểm xã hội cho những người chưa được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, thì sẽ không công bằng so với đối tượng đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cũng đã đưa chủ hộ kinh doanh vào đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, dự kiến có hiệu lực từ tháng 1/2025.

 

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định nhận thức rõ trách nhiệm trong tổ chức thu bảo hiểm xã hội bắt buộc và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh chưa phù hợp quy định của pháp luật. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn phê bình nghiêm khắc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố và nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với lãnh đạo, tập thể, cá nhân liên quan.