01:55 03/08/2012

Chủ tịch Chứng khoán SME bị bắt

Nhật Bình

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc SME bị bắt tạm giam hôm 2/8 để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”

Theo giới thiệu của SME, ông Phan Huy Chí là thạc sỹ chuyên ngành Luật Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo giới thiệu của SME, ông Phan Huy Chí là thạc sỹ chuyên ngành Luật Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ngày 2/8, cơ quan công an đã khởi tố và bắt tạm giam ông Phan Huy Chí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME - để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngoài ông Chí, ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị SME cũng bị bắt.

Theo thông tin điều tra ban đầu, năm 2010, ông Phạm Minh Tuấn đã chỉ đạo giả mạo giấy tờ của một cá nhân để ký hợp đồng cùng tham gia góp vốn đầu tư lô chứng khoán và đã nhận 107 tỷ đồng của một công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, SME mới trả được một phần tiền để khắc phục hậu quả, nhưng không thể trả hết gần 60 tỷ đồng còn lại.

Theo công bố của SME, ông Chí đã ký văn bản ủy quyền cho người khác đứng ra điều hành hoạt động SME bình thường trong thời gian chờ cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến vụ việc.

Theo giới thiệu của SME, ông Phan Huy Chí là thạc sỹ chuyên ngành Luật Kinh tế, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam...

Trong khi đó, ông Phạm Minh Tuấn đã từng giữ vị trí Trưởng phòng Quản lý tài chính của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ông Tuấn tốt nghiệp Đại học Tài chính - Kế toán Hà Nội, Đại học Ngoại ngữ và Thạc sỹ Kinh tế Đại học Libre de Bruxelles (Solvay Business School - Bỉ).

Báo cáo tài chính mà SME công bố gần nhất là quý 3/2011. Mặc dù SME đã xin gia hạn nộp báo cáo tài chính quý 4/2011 nhưng đã không được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2011, SME lỗ 6 tỷ đồng và lỗ lũy kế gần 23 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đến cuối quý 3 còn 203,5 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 225 tỷ đồng.

Cũng tính đến cuối quý 3/2011, các khoản phải thu ngắn hạn của SME là gần 667 tỷ đồng.

Việc SME không công bố báo cáo tài chính đầy đủ cùng với việc công ty chứng khoán này gần như ngừng hoạt động khiến có những phỏng đoán cho rằng, còn nhiều chủ nợ vẫn chưa đòi được tiền từ SME, bởi báo cáo tài chính quý 3/2011 cho thấy công ty này vẫn nợ gần 600 tỷ đồng.