09:22 26/10/2022

Chủ tịch EuroCham: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang điều hành rất tốt

"Trước khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kết thúc và suy thoái kinh tế toàn cầu quay trở lại thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép VND suy yếu hơn một chút", Chủ tịch EuroCham nói như vậy với VnEconomy...

Tỷ giá tăng nhanh thời gian qua
Tỷ giá tăng nhanh thời gian qua

Bên lề hội thảo "Triển vọng Thị trường" do HSBC tổ chức, ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) kiêm Chủ tịch Jardine Matheson Việt Nam, đã trao đổi với VnEconomy về diễn biến tỷ giá USD/VND trong thời gian gần đây.

Theo ông Alain Cany, hai tuần gần đây, sự mất giá của VND tăng khá nhanh. Tuy nhiên, VND vẫn là một đồng tiền mạnh. Nếu so sánh VND với nhiều loại tiền tệ khác thì VND thậm chí còn đang hoạt động tốt hơn, giữ giá tốt hơn.

“Trước khi cuộc xung đột giữa Nga – Ukraine kết thúc và suy thoái kinh tế toàn cầu quay trở lại thì không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho phép VND suy yếu hơn một chút”, ông Alain Cany đánh giá và dự báo: “Đây chỉ là tình trạng tạm thời. Trong trung hạn, VND sẽ mạnh mẽ quay trở lại do nền kinh tế đang có sự tăng trưởng tốt”.

 

"Hai tuần gần đây, sự mất giá của VND tăng khá nhanh. Tuy nhiên, VND vẫn là một đồng tiền mạnh. Nếu so sánh VND với nhiều loại tiền tệ khác thì VND thậm chí còn đang hoạt động tốt hơn, giữ giá tốt hơn". 
Ông Alain Cany, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam - EuroCham.

Để hạn chế việc tỷ giá tăng mạnh, vừa qua Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nâng thêm 1% đối với một số loại lãi suất điều hành. Động thái này sẽ gây thiệt thòi cho một số doanh nghiệp Việt Nam vì nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đang vay khá nhiều tiền từ ngân hàng. 

"Nhưng một lần nữa, tôi không chỉ trích Ngân hàng Nhà nước. Tôi nghĩ những gì Ngân hàng Nhà nước đang triển khai là điều đúng đắn. Thống đốc đã điều hành rất tốt. Ngân hàng Nhà nước không có lựa chọn nào khác", ông Alain Cany khẳng định.

Ghi nhận tuần từ 17 - 21/10, phát ngôn từ các thành viên thuộc Hội đồng thống đốc Fed có những quan điểm đối với tín hiệu về việc giảm nhịp độ nâng lãi suất, cũng như chỉ số kinh tế tổng hợp của Mỹ từ Conference Board trong tháng 9 không tích cực (giảm 0,4%, xuống chỉ còn 115,9 điểm) giúp thị trường định giá tích cực hơn về tốc độ tăng lãi suất trong hai kỳ họp tới.

Trong đó, công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy xác suất 92% Fed sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 11 (giảm từ 98% vào tuần trước) và 50% tăng 0,25-0,5 điểm phần trăm trong tháng 12.

Đối với thị trường các nước khác, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bất ngờ can thiệp vào thị trường ngoại hối (thông qua việc bán ngoại tệ) nhằm giảm đà mất giá của đồng Yên. Mức tâm lý của Đồng Yên hiện tại đang là vùng 150 JPY/USD. Trong khi đó, ở Anh, Thủ tướng mới nhậm chức của Anh đã nộp đơn xin từ chức và Thủ tướng mới nguyên là Bộ trưởng Tài chính đã công bố chính sách đưa đồng Bảng Anh tăng giá trở lại.

Nhìn chung, trong tuần trước, sức mạnh đồng USD đã giảm nhiệt (giảm -1,1% so với tuần trước đó) và các đồng tiền chủ chốt hầu như tăng giá so với USD, như EUR +1,4%, GBP +1,2%, JPY +0,7%...

Chủ tịch EuroCham: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang điều hành rất tốt - Ảnh 1

Trái ngược với diễn biến quốc tế, tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu nhiều áp lực. Tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại gần như đã ở mức kịch trần biên độ mới (5%) so với tỷ giá trung tâm, quanh mốc 24.870 VND (tương đương mất giá 8,5% so với cuối năm ngoái).

Tỷ giá liên ngân hàng cũng nhanh chóng tăng vượt mốc giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước VND 24.380 VND. Đồng thời, nhà điều hành tiền tệ đã phải tiếp tục can thiệp thông qua việc bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối, tuy nhiên ở mức tương đối hạn chế.

Trong bối cảnh áp lực tỷ giá gia tăng, phiên đầu tuần này (24/10), Ngân hàng Nhà nước đã phải tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán tại Sở Giao dịch lên mức 24.870 VND. Song song, Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện tăng lãi suất điều hành thêm 1%.

Theo giới chuyên môn, xu hướng găm giữ USD đã tăng lên đáng kể trong thời gian qua bởi diễn biến VND giữ giá so với các đồng tiền khác. Trạng thái tâm lý này sẽ tiếp tục tạo áp lực lên tỷ giá và các chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng khó có thể có tác động lớn như trước đó. Tuy nhiên, về dài hạn, yếu tố vĩ mô vẫn tăng trưởng dài hạn sẽ là bệ đỡ cho sức mạnh VND.