08:53 10/02/2025

Chủ tịch Fed và ông Trump có thể khiến giá vàng biến động tuần này

Điệp Vũ

Mối quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường vàng toàn cầu trong tuần này sẽ hướng tới những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Tuy nhiên, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump với những bước leo thang mới được dự báo sẽ tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy xu hướng tăng giá của kim loại quý...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Sáng nay (10/2), giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế tăng, một sự tiếp nối chuỗi 6 tuần tăng liên tục tính đến tuần vừa rồi. Tại thời điểm hơn 7h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 6,9 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại thị trường New York, tương đương tăng 0,24%, giao dịch ở mức 2.868 USD/oz.

Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương gần 88,1 triệu đồng/lượng.

Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 10%. Trong vòng 12 tháng qua, giá vàng tăng khoảng 45%. Tuần vừa rồi, cả giá vàng giao ngay và giá vàng giao sau tại thị trường New York đều đạt mức cao kỷ lục, với giá vàng giao sau có thời điểm vượt mốc 2.900 USD/oz.

Theo giới phân tích, các yếu tố dẫn tới cơn sốt giá vàng trong năm 2024 vẫn đang duy trì.

Thứ nhất là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Dù Fed được dự báo sẽ giảm lãi suất chậm lại trong năm nay do khả năng lạm phát ở Mỹ sẽ dai dẳng hơn kỳ vọng, giới đầu tư vẫn kỳ vọng Fed sẽ có 1-2 lần giảm lãi suất trong cả năm. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương lớn khác như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) - trừ ngoại lệ là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang trong chu kỳ tăng lãi suất - được nhận định sẽ tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, căng thẳng địa chính trị còn cao - gồm các cuộc xung đột quân sự ở Trung Đông và Ukraine, cũng như mối quan hệ căng thẳng hơn giữa Mỹ và Trung Quốc - sẽ tiếp tục khuyến khích nhu cầu nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro.

“Theo quan điểm của chúng tôi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong môi trường hiện tại vì lãi suất thực giảm xuống, thâm hụt ngân sách chính phủ tăng, cung tiền giấy tiếp tục mở rộng, và xung đội địa chính trị còn đó”, nhà phân tích Matthew Miller của công ty CFRA viết trong một báo cáo.

Và thứ ba, nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương còn lớn. Xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương đã nổi lên từ năm 2022, sau khi phương Tây đóng băng tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Số liệu công bố vào tuần vừa rồi. cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có tháng mua ròng vàng thứ ba liên tiếp trong tháng 1 vừa qua, bất chấp giá vàng cao kỷ lục trong tháng đầu năm. Theo đó, lượng dự trữ vàng của cơ quan này tăng thêm 0,16 triệu ounce.  PBOC nối lại hoạt động mua ròng vàng vào tháng 11 năm ngoái, sau 6 tháng tạm dừng. Trước đó, cơ quan này có 18 liên tục mua ròng vàng.

“Chúng tôi không nhận thấy nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương sẽ giảm xuống”, chiến lược gia Lina Thomas của ngân hàng Goldman Sachs nhận định trong một báo cáo, dự báo giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/oz trong năm nay.

Vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần này, ông Powell - nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - sẽ có cuộc điều trần định kỳ về chính sách tiền tệ định kỳ trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Vào ngày thứ Tư và thứ Năm, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố hai báo cáo lạm phát của tháng 1 gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá nhà sản xuất (PPI).

Cuộc điều trần của ông Powell và các báo cáo lạm phát này đều được coi là cơ sở để định hình kỳ vọng về đường đi lãi suất của Fed trong thời gian tới - yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Nhưng quan trọng hơn, cuộc chiến thuế quan của ông Trump tiếp tục có những bước leo thang mới có thể sẽ đẩy giá vàng lên cao hơn. Trong những phát biểu mới nhất, ông Trump cho biết sắp áp thuế quan 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời sẽ áp thuế quan có đi có lại lên tất cả các quốc gia. Cuộc chiến thương mại 2.0 giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đã vào guồng khi thuế quan trả đũa mà Trung Quốc áp lên hàng Mỹ đã chính thức có hiệu lực vào ngày 9/2.  

Giám đốc phân tích thị trường Lukman Otunuga của công ty FXTM cho rằng các nhà đầu tư vàng nên chuẩn bị tinh thần cho một số biến động trong tuần này.

“Cách ông Trump phản ứng với thuế quan trả đũa của Trung Quốc, cuộc điều trần của ông Powell và báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ có thể định hình triển vọng của giá vàng. Nếu nỗi lo về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ngày càng lớn và nếu khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất tăng lên, giá vàng có thể thiết lập kỷ lục mới. Nhưng ngược lại, nếu mối đe dọa thuế quan của ông Trump giảm bớt và ông Powell thể hiện sự cứng rắn, giá vàng có thể điều chỉnh”, ông Otunuga nói với trang Kitco News.

Ở góc độ kỹ thuật, ông Otunuga cho rằng mức đóng cửa hàng tuần trên 2.880 USD/oz có thể mở ra cánh cửa cho các mức tâm lý tiếp theo là 2.900 USD/oz và 2.950 USD/oz. “Nếu giá kết thúc tuần dưới mức 2.850 USD/oz, điều này có thể báo hiệu sự sụt giảm trở lại mức 2.815 USD/oz và 2.800 USD/oz”, ông nói.