Chủ tịch FiinGroup: Mấu chốt là minh bạch dòng tiền từ trái phiếu như "truy vết" người nhiễm Covid
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, chặn quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp là không nên, kể cả rót vào "sân sau". Mấu chốt là minh bạch dòng tiền từ huy động trái phiếu như "truy vết" người nhiễm Covid-19...
Chia sẻ tại đối thoại chuyên đề "Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trước tác động dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP" do VnEconomy phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày 20/1, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup khẳng định, điểm rơi đáo hạn của khoảng 1,2 triệu tỷ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành hiện nay sẽ rơi vào 2 năm tới, với tỷ lệ 51,7%. Vì vậy, chúng ta phải hành động từ bây giờ, tránh trường hợp “nước xa không cứu được lửa gần”, lúc đó, muốn dập lửa cũng không kịp.
Tuy nhiên, Chủ tịch FiinGroup bày tỏ lo ngại, nếu chúng ta siết, chặn mạnh quá, hệ thống sẽ gãy gục. Vì vậy, cơ quan quản lý, các chuyên gia cùng các thành viên thị trường phải tính toán, đảm bảo thị trường tiếp tục vận hành chứ không nên “dập” ngay lập tức, hệ thống bất ngờ “khựng” lại, khi đó, ảnh hưởng đến cả hệ thống, chứ không chỉ tác động đến nhà đầu tư hay doanh nghiệp phát hành.
DÙNG TIỀN TỪ HUY ĐỘNG TRÁI PHIẾU VÀO "SÂN SAU" PHẢI KÊ KHAI
Khẳng định sự lớn mạnh và quy mô của kênh dẫn vốn trung và dài hạn thông qua trái phiếu doanh nghiệp ngày càng lớn, ông Nguyễn Quang Thuân so sánh, dù chứng khoán có quy mô vốn hóa rất lớn, hơn 100% GDP, .huy động vốn hơn 100 nghìn tỷ trong 2021 và là kỷ lục trong suốt 25 năm hình thành thị trường chứng khoán Việt Nam, tuy nhiên, vai trò dẫn vốn hiện chỉ bằng 1/6 kênh trái phiếu khi năm 2021 ghi nhận kỷ lục về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp với quy mô trên 600 ngàn tỷ.
Đáng chú ý, trong dư nợ tín dụng của nền kinh tế đạt gần 9,2 triệu tỷ đồng theo công bố Ngân hàng Nhà nước, khoảng 47% là dư nợ tín dụng trung và dài hạn. Như vậy, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp gần bằng giá trị cho vay mới trung và dài hạn của toàn bộ hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch FiinGroup, triển vọng kênh trái phiếu doanh nghiệp năm nay không tươi sáng như năm 2021 do phụ thuộc rất lớn vào chính sách và việc sửa đổi Nghị định 153.
“Tôi cho rằng, dù tác động nắn chỉnh chặt hay không, cũng sẽ tác động nhất định đến giá trị phát hành và kênh huy động vốn của doanh nghiệp thông qua trái phiếu trong năm nay và sẽ mất một thời gian để thị trường thích nghi với chính sách mới”, ông Thuân nhận định.
Bình luận về một trong những điểm nổi bật của dự thảo Nghị định 153 là Điều 1.1 (sửa đổi Điều 5.1 Nghị định 153) cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, ông Thuân cho rằng, mấu chốt giải quyết vấn đề minh bạch về mặt thông tin, đặc biệt khi phát hành đến nhà đầu tư cá nhân dưới bất kì hình thức nào, không nên "chặn" quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp.
"Phát hành trái phiếu để đầu tư công ty cháu hoặc công ty con nuôi, như cách "truy vết" người nhiễm Covid-19, cần minh bạch dòng tiền. Muốn cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, hay kiểm soát mục đích sử dụng vốn là không hợp lý, đây cũng là quyền của họ và cũng không nên".
Ông Nguyễn Quang Thuân.
Nhà đầu tư cá nhân biết mà vẫn đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. Xếp hạng tín nhiệm chỉ là một phần nhỏ, câu chuyện là minh bạch.
Tất cả các giao dịch liên quan đến công ty mẹ hay con, trực tiếp hay gián tiếp, nhưng liên quan đến ông chủ đều phải minh bạch hết.
Tức nhà phát hành phải kê khai ra hết việc dùng trái phiếu vào công ty nào, kể cả "sân sau". Phát hành trái phiếu đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, Luật Doanh nghiệp và Chứng khoán đều định nghĩa, cứ thế bám vào.
Một điểm đáng lưu ý, dự thảo cũng bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành. Chủ tịch FiinGroup cho hay, kết thúc năm 2021, có tới 964 đợt phát hành trái phiếu từ hơn 300 tổ chức phát hành, tuy nhiên, cả thị trường chỉ có 2 đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa được cấp phép và đi vào hoạt động.
"Tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là, Chính phủ, các cơ quan, thị trường quan tâm đến xếp hạng tín nhiệm. Nhưng lo vì vai trò của mình lớn quá, nếu không cẩn thận lại “tắc nghẽn” như sàn chứng khoán HOSE", Chủ tịch FiinGroup trải lòng,.
Là một trong hai đơn vị xếp hạng được Bộ Tài chính cấp phép đủ điều kiện hoạt động, Fiinratings tự tin về mặt năng lực. Tuy nhiên, Chủ tịch FiinGroup mong muốn có thêm các đối tác xếp hạng tín nhiệm để đồng hành cùng thị trường phát triển.
"BOM NỢ" CẬN KỀ
Phân tích kỹ hơn về điểm rơi đáo hạn trái phiếu sắp tới, ông Nguyễn Quang Thuân cho biết, trong tổng số 1,16 triệu tỷ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, 36,8% giá trị trái phiếu lưu hành sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2 năm tới (2022-2023). Trong đó, điểm rơi đáo hạn lớn nhất sẽ diễn ra vào năm 2024 với 307,2 ngàn tỷ đồng, chiếm 26,4% và sau đó 256,7 ngàn tỷ vào năm 2023.
Tính riêng trái phiếu của doanh nghiệp phi tài chính, không tính ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty tài chính, hiện quy mô 760 ngàn tỷ đồng, chiếm 65,7% giá trị lưu hành có phân kỳ trả nợ là 15,8% vào năm 2022; vào năm 2023 là 22,8% và 22,8% vào 2024.
Trước “bom nợ” đáo hạn gần kề, Chủ tịch FiinGroup cho rằng, cần đánh giá những rủi ro đến an toàn hệ thống, bao gồm cả tín dụng ngân hàng ngay từ bây giờ.
Hiện khoảng 47% nợ vay của doanh nghiệp bất động sản là trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, đây không chỉ là vấn đề khả năng đáp ứng nghĩa vụ trả nợ cho trái chủ mà nó cũng là vấn đề của tín dụng ngân hàng nhằm phòng tránh rủi ro vỡ nợ cheos (crossdefault) đối với hai kênh tín dụng này trong bối cảnh chất lượng nhà phát hành yếu. Bên cạnh đó, phải cải thiện công tác chuẩn hóa điều kiện phát hành và minh bạch thông tin nếu như trái phiếu được phân phối cho nhà đầu tư cá nhân.
Trước lo ngại về chất lượng nhà phát hành cũng như chất lượng sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Thuân, năm 2021 có 121 doanh nghiệp trong tổng số 383 nhà phát hành không có tài sản đảm bảo.
Trong đó, khoảng 52% số đợt phát hành là không có tài sản đảm bảo, Tuy nhiên, số đợt phát hành sơ cấp cho nhà đầu tư cá nhân chỉ có 79 giao dịch/đợt phát hành. Dù vậy, tài sản đảm bảo có tác dụng nhiều hơn với nhà đầu tư tổ chức, còn thực tế ít tác động trong việc đáp ứng nghĩa vụ nợ của nhà đầu tư cá nhân.
Đáng quan ngại, năm 2021 có 94 nhà phát hành có lỗ lũy kế tính đến năm 2020, chiếm 24,5% tổng số nhà phát hành và 81 nhà phát hành có kết quả kinh doanh lỗ trong năm 2020, chiếm trên 21%.
Tôi muốn gửi một thông điệp với nhà đầu tư, đặc biệt những nhà đầu tư không chuyên còn chưa tỉnh ngộ, đó là ngân hàng cho vay chuyên nghiệp còn có nợ xấu, không phải con số dưới 3% như các ngân hàng công bố mà thực tế là 7-8%. Vì vậy, đầu tư trái phiếu sẽ có vỡ nợ, sẽ có rủi ro, vấn đề là khi nào”, ông Thuân cảnh báo.
Với nhà đầu tư tổ chức khi tham gia phát hành riêng lẻ thì vấn đề lãi lỗ không quan trọng khi cấu trúc một thương vụ trái phiếu. Tuy nhiên, nếu sản phẩm đó được đưa đến nhà đầu tư cá nhân, đó là vấn đề cần được quan tâm và minh bạch thông tin hơn nữa nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định của nhà đầu tư.
Một điều cần lưu ý, trên góc độ chung của thị trường và vì lợi ích của nhà đầu tư đại chúng thì trái phiếu phát hành bởi các định chế tài chính cũng cần có những lưu ý cần thiết. Lý do là bởi số lượng các tổ chức tín dụng và các công ty chứng khoán gặp khó khăn về tài chính và đáp ứng nghĩa vụ nợ cũng rất lớn nếu tính theo số lượng công ty đang hoạt động.
Báo cáo FiinGroup chỉ rõ, có 14 ngân hàng gặp khó khăn và kiểm soát đặc biệt, tái cấu trúc, sáp nhập/mua lại với ngân hàng khác. Hiện vẫn còn một số doanh nghiệp chưa thu được tiền gửi và các ngân hàng yếu kém này.
NHÀ ĐẦU TƯ CÁ NHÂN "CHUỐC" LẤY RỦI RO
Dù chất lượng nhà phát hành còn nhiều "hoài nghi", có những doanh nghiệp "rỗng ruột" nhưng trái phiếu vẫn "bán chạy như tôm tươi". Thậm chí, nhà đầu tư cá nhân không chuyên được "phù phép" thành nhà đầu tư chuyên nghiệp khi trên thị trường sơ cấp, nhà đầu tư cá nhân chỉ chiếm 5-6% nhưng thực tế con số này gấp hàng chục lần.
Bình luận về vấn đề trên, ông Nguyễn Quang Thuân nêu thực tế, trái phiếu được phân phối thứ cấp ra nhà đầu tư cá nhân khá lớn.
Trong khi các ngân hàng mua trái phiếu doanh nghiệp của các đơn vị phát hành phi ngân hàng, bao gồm bất động sản nhằm mục đích giữ đến ngày đáo hạn, thì các công ty chứng khoán chủ yếu thực hiện nghiệp vụ kinh doanh và phân phối trái phiếu thay vì giữ trên bảng cân đối kế toán.
Ước tính giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi ngân hàng được phân phối lại bởi công ty chứng khoán và ngân hàng trong nửa đầu năm 2021 khoảng hơn 80 nghìn tỷ đồng, tương ứng với 30% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới.
Trong kỳ, họ “ôm” vào khoảng 66.000 tỷ, trong kỳ bán hết luôn để cuối kỳ vẫn duy trì tỷ lệ an toàn như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu.
“Tôi mong muốn các thành viên thị trường cần chung tay hướng đến sự phát triển bền vững vì lợi ích chung dài hạn, vì sự tồn tại của thị trường, chứ bán xong trái phiếu lại chạy mất. Tôi vẫn nói đi nói lại sẽ có vỡ nợ, nhà đầu tư bỏ tiền về hưu vào sau 3 năm, 5 năm lại không thấy tiền đâu”, ông Thuân lo ngại.
Hơn nữa, khi phát hành lại cho nhà đầu tư cá nhân không có ai bảo lãnh và người cam kết nữa. Bây giờ không có chuyện cam kết mua lại, rủi ro chuyển toàn bộ sang 300.000 nhà đầu tư cá nhân.
Đáng quan ngại, Chủ tịch FiinGroup chỉ rõ, chất lượng nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất kém với hệ số khả năng trả nợ gốc rất yếu, đặc biệt những nhà phát hành chưa niêm yết. Hệ số nợ/vốn khoảng 8 lần trong khi kỳ hạn trái phiếu chỉ có 3, chắc chắn gây ra mất cân đối về kỳ hạn.
"Tôi kỳ vọng sự thay đổi về chất nhiều hơn về lượng, khi phát hành đại chúng nhiều hơn sẽ minh bạch hơn về thông tin, thay đổi về phía chất lượng nhà phát hành, giảm rủi ro cho thị trường, đem lại an toàn hệ thống nói chung cũng như đến tăng quyền lợi nhà đầu tư nói riêng.
Trước khi đưa dự thảo Nghị định 153 đi vào hiệu lực, cơ quan quản lý có thể cân nhắc thêm về mức độ, tiêu chí sẽ được xếp hạng hoặc thậm chí lùi thời điểm khi năng lực của các đơn vị xếp hạng đủ để thị trường thực sự yên tâm. Quan điểm của chúng tôi vì lợi ích chung của thị trường, công bằng minh bạch, chứ không vì lợi ích của đơn vị xếp hạng", ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FiinGroup kỳ vọng.