Chủ tịch FiinGroup: “Vẫn cần thêm thời gian và giải pháp để khôi phục niềm tin vào thị trường trái phiếu”
Các quy định mới này cũng có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì có lẽ phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung...
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Ở góc nhìn của đơn vị xếp hạng độc lập về trái phiếu, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup vừa đưa ra nhận định xung quanh Nghị định mới này.
Cụ thể, một trong những điều được quan tâm nhất là tại Điều 17 Nghị định mới, doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Theo ông Thuân, trên thực tế, hiện nay một số chủ đầu tư đã đàm phán trái chủ để trả bằng tài sản bất động sản. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng làm cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao. Đó sẽ là mấu chốt doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ phải đàm phán.
Nghị định mới cũng cho phép doanh nghiệp được đàm phán kéo dài kỳ hạn TP tối đa 2 năm. Trên thực tế, cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã làm tuy nhiên, vẫn sẽ tốt hơn khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng. Chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý với ngành ngân hàng đã làm. Nhưng với trái phiếu doanh nghiệp được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không thu được gì.
Điểm thứ hai là tạm ngưng định nghĩa nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm đến 31/12/2023. Theo Chủ tịch FiinGroup, quy định này sẽ tốt nếu trái phiếu phát hành có chất lượng hơn và minh bạch hơn để nhà đầu tư cá nhân quay lại. Hi vọng một số nhà đầu tư cá nhân "ít" tiền chứng khoán (<2 tỷ) nhưng nhiều tiền tiết kiệm có thể túc tắc tham gia lại. Nhưng làm sao lãi suất phải đủ cao cho phần bù rủi ro hấp dẫn hơn lãi suất tiết kiệm hiện nay. Trước mắt, cái này cũng hỗ trợ cho nhà đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu mới kéo dài 2 năm trái phiếu doanh nghiệp hiện nay.
Mặc dù vậy, ông Thuân cho rằng lùi xếp hạng tín nhiệm thì hơi đáng tiếc vì đây là yếu tố góp phần minh bạch thông tin cho thị trường và khôi phục niềm tin để quay trở lại. Tuy nhiên, túc tắc FiinRatings vẫn làm vì yêu cầu của nhà đầu tư tổ chức và sự chủ động minh bạch của một số doanh nghiệp. Hơn nữa, Nghị định 65 cũng chỉ quy định một số trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm (phát hành >500 tỷ và 12 tháng lớn hơn 1x Vốn chủ; hoặc giá trị lưu hành > 0,5x Vốn chủ).
Cuối cùng là ngưng quy định về thời gian cho từng đợt phân phối trái phiếu. Theo đánh giá của ông Thuân, điều này tốt cho việc thực tế phát hành nhằm tăng tỷ lệ thành công vì có thời gian hơn.
"Tóm lại, các quy định mới này cũng có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản. Còn việc khôi phục niềm tin và cầu đầu tư trái phiếu thì có lẽ phải cần thời gian và các giải pháp bổ sung, tiếp theo", ông Thuân nhấn mạnh.
Chủ tịch FiinGroup cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai không hạ nhóm nợ đối với Trái phiếu doanh nghiệp do ngân hàng cấp tín dụng với hướng dẫn cụ thể thì cũng sẽ là điều tích cực cho vấn đề trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản.
Kỳ vọng pháp lý dự án được tháo gỡ... mới thuận lợi cho ngân hàng tái tài trợ, tái cơ cấu / kéo dài 2 năm như trên, huy động mới/ phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại; mở bán và chuyển nhượng/ m&a ... để khoảng 400 nghìn tỷ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản được hạ cánh mềm và hạn chế tác động chéo thêm đến ngành ngân hàng và thị trường tài chính - chứng khoán và có thể đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023 và 2024.