Chủ tịch Hoà Bình: Nhiều tác động xấu đến ngành xây dựng
Ngành xây dựng năm 2022 đã tăng trưởng trở lại, nhưng so với sự phát triển của năm 2018 và 2019 là không đáng kể…
Ngành xây dựng năm 2022 có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, là năm đại dịch Covid-19, nhưng chưa thể trở lại sự sôi động so với năm 2018, 2019, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Hoà Bình – mã HBC), chia sẻ tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập tập đoàn này.
Ông Hải cho biết, thực sự ngành xây dựng bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn từ cách đây 5 năm. Về mặt quản lý, nhiều dự án không thể triển khai vì không được cấp phép đầu tư. Trước đây việc cấp phép đầu tư khá thoáng, nhưng do nhiều dự án xảy ra vấn đề pháp lý, gây cản trở việc đầu tư. Nhiều nhà đầu tư không triển khai được dự án thì nhà thầu cũng không có nhiều việc làm. Đó là những tác động xấu đến ngành xây dựng.
Cũng do dịch Covid-19, những dự án bất động sản du lịch không phát triển được, trong khi đây cũng là mảng Hoà Bình làm nhiều. Ở Việt Nam, nói là mở cửa nhưng sau dịch nhiều quốc gia vẫn kiểm soát chặt. Trước đây, du khách từ Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam thì hiện họ đóng cửa, tác động xấu lên đầu tư du lịch ở Việt Nam nói chung và ngành xây dựng trong nước nói riêng.
Năm nay, Xây dựng Hoà Bình có ba thoả thuận thương mại: dự án xây dựng khách sạn với Hungary trị giá 3 triệu USD; hợp đồng hợp tác đầu tư với Canada trị giá gần 50 triệu và dự án ở Melbourne, Úc, khoảng 40 triệu USD.
Ông Lê Viết Hải cho biết thêm, Hòa Bình đã chuẩn bị kế hoạch phát triển trong 10 năm tới, đến năm 2032 sẽ đạt doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận gần 1 tỷ USD. Hiện công ty đã có mặt ở hai quốc gia là Malaysia và Myanmar, tạo công ăn việc làm cho gần 3.000 lao động.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận trong thời gian vừa qua, việc thanh toán của chủ đầu tư chậm hơn so với trước đây, mặc dù HBC cũng đã triển khai rất nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề thanh toán, thu hồi nợ quá hạn.
Điều này đã ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp khi trong 6 tháng đầu năm 2022, các khoản phải thu của HBC tăng lên 13.055 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và chiếm gần 72% trong tổng tài sản. Trong đó, phải thu ngắn hạn gần 12.964 tỷ đồng, chiếm phần lớn là phải thu của khách hàng 5.582 tỷ đồng và phải thu theo tiến độ khách hàng hợp đồng xây dựng là 4.735 tỷ đồng, tăng lần lượt 4% và 12% so với thời điểm đầu năm. Trích lập dự phòng cho khoản phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 378 tỷ đồng.
Doanh thu trong nửa đầu năm của HBC đạt 7.127 tỷ đồng, tăng gần 31%; lãi ròng 55,8 tỷ đồng, giảm gần 18% so với cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, thị giá của HBC cũng nằm chung xu hướng giảm điểm. HBC giảm liên tục 6 phiên liên tiếp gần đây đưa thị về quanh mốc mệnh giá 10.050 đồng/cổ phần khi kết thúc phiên giao dịch ngày 26/10/2022. Ngày 27/10/2022, VN-Index lấy lại mốc 1.000 điểm, thị giá HBC cũng tăng trần khi được giao dịch ở mức. 10.750 đồng/cổ phần. Tuy vậy, so với hồi đầu năm, thị giá của HBC đã giảm 37%.