08:00 23/06/2023

Chủ tịch HREC: Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã rút lui khỏi thị trường 

Mộc Minh

Điều đáng buồn nhất trong giai đoạn hiện nay là nhiều doanh nghiệp bất động sản phải rút lui khỏi thị trường, thậm chí tìm kiếm ngành nghề khác…

Ông Nguyễn Quốc Bảo đã tái đắc cử Chủ tịch HREC nhiệm kỳ mới.
Ông Nguyễn Quốc Bảo đã tái đắc cử Chủ tịch HREC nhiệm kỳ mới.

Ngày 21/6/2023, Câu lạc bộ Bất động sản TP.HCM (HREC) đã tổ chức đại hội đại biểu lần thứ 2 - nhiệm kỳ 2023 - 2027.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Bảo đã tái đắc cử vị trí Chủ tịch nhiệm kỳ mới và Ban thường trực HREC nhiệm kỳ 2023 - 2027 đã ra mắt gồm: Chủ tịch Nguyễn Quốc Bảo và 4 Phó chủ tịch, gồm các ông: Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Hùng Cường, Trần Văn Mười, Phan Quang. Đồng thời, đại hội cũng thông qua 33 ủy viên ban chấp hành nhiệm kỳ mới.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HREC, cho biết câu lạc bộ được thành lập từ tháng 4/2018 và đã có hơn 250 hội viên, hoạt động sôi nổi và có nhiều đóng góp. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã gặp không ít những khó khăn và thử thách. Bối cảnh đó đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp cần phải vững vàng để "không đột quỵ", và vượt qua những khó khăn hiện tại. 

Theo đó, HREC đề ra mục tiêu chung là thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nhân với chính quyền; thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện, đề xuất, hiến kế với lãnh đạo thành phố, trung ương...

Trong nhiệm kỳ hoạt động vừa qua, dấu ấn đáng ghi nhớ của HREC là đã xây hơn 70 cây cầu. Đây là hoạt động nằm trong Chương trình từ thiện xây dựng 100 cây cầu dân sinh do câu lạc bộ và quý nhà hảo tâm tài trợ, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm nay. Mỗi cây cầu trị giá từ 500 triệu đến 3 tỷ đồng, tổng số tiền thực hiện chương trình lên đến 100 tỷ đồng. 

HREC nhận bằng khen vì đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PA.
HREC nhận bằng khen vì đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PA.

“Nhờ những cây cầu được xây, người dân mở thêm đường, xe thu mua nông sản vào được tận nơi, giúp giá nông sản tăng lên. Thay vì bán được giá chỉ 20.000 đồng/kg thì nay thương lái đã vào được tận nơi mua và giá được nâng lên 30.000 -40.000 đồng/kg, giúp cải thiện đời sống của người dân. Hãy về ở với người dân vùng sâu vùng xa vài ngày sẽ thấy cuộc sống của họ còn khổ do giao thông đi lại còn khó khăn. Ngoài việc xây cầu thì chúng tôi cũng luôn kết nối kinh doanh để kinh tế phát triển”, ông Bảo chia sẻ.

Ông Bảo cho biết thêm, điều quan trọng nhất của các hội viên là làm sao tăng doanh thu, làm ăn hiệu quả để cùng nhau phát triển bởi "có thực mới vực được đạo". Điều đáng buồn nhất trong giai đoạn hiện nay là nhiều doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, thậm chí tìm kiếm ngành nghề khác. Rồi không ít khó khăn như liên quan đến pháp lý, kiện tụng khi nhiều luật định liên quan đến bất động sản còn đang bàn thảo khiến doanh nghiệp có thể bị chỉ trích trách móc.

Theo nhận định của ông Bảo, thị trường bất động sản trong nước đang đứng trước các vấn đề vĩ mô, như: tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu chậm lại, chiến tranh Nga-Ukraina cùng đó là chính sách thắt chặt tiền tệ... đang ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam và có sự phụ thuộc vào xuất khẩu.

Kinh tế trong nước mới đang trên đà hồi phục. Tuy nhiên, điểm sáng là TP.HCM vẫn còn nhiều dư địa để dẫn dắt nền kinh tế mở ra nhiều cơ hội cho doanh nhân. Cụ thể, việc khởi công xây dựng các tuyến đường mới thời gian qua sẽ hỗ trợ giá bất động sản, góp phần thay đổi diện mạo thành phố, thu hút vốn. Ngoài ra, nhiều chính sách liên quan đến bất động sản đang hoàn thiện cũng mở ra nhiều cơ hội cho thị trường.