19:52 26/04/2023

Chủ tịch nước: Để đất nước giàu mạnh phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp

Vũ Khuê

Mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là lực lượng tiên phong, chủ lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; "Đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp nước ta sau gần 40 năm đổi mới đã có sự lớn mạnh vượt bậc".
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; "Đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp nước ta sau gần 40 năm đổi mới đã có sự lớn mạnh vượt bậc".

Ngày 26/4/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) .

ĐÓNG GÓP VÀO SỰ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM  

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, trải qua 60 năm xây dựng và trưởng thành, VCCI đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó, thúc đẩy sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển, lớn mạnh của kinh tế đất nước.

Bước vào giai đoạn đổi mới đất nước, với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, VCCI đã chủ động, tích cực, kịp thời tham mưu, tư vấn cho Đảng, Nhà nước nhiều nội dung về kinh tế, thương mại, phát triển doanh nghiệp, tham gia các tổ chức liên kết kinh tế quốc tế… Là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, VCCI đã kịp thời nắm tình hình, phản ánh và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Đồng thời góp ý, phản biện, giám sát thực thi các chính sách, nghiên cứu, khảo sát năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực khai thác các hiệp định thương mại tự do của doanh nghiệp Việt Nam, việc cải cách thủ tục hành chính… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, tạo sức cạnh tranh tốt hơn cho nền kinh tế.

Đến hôm nay, VCCI đã có hệ thống chi nhánh tại các vùng miền trên cả nước, có trên hơn 200 hiệp hội doanh nghiệp. Đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp nước ta sau gần 40 năm đổi mới đã có sự lớn mạnh vượt bậc, với gần 1 triệu doanh nghiệp của các thành phần kinh tế, trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động, là công cụ bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh cùng các thế hệ lãnh đạoVCCI.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chụp ảnh cùng các thế hệ lãnh đạoVCCI.

Doanh nghiệp tư nhân ngày càng đông đảo, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, xuất hiện nhiều doanh nhân thành đạt tầm quốc tế, các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh đủ sức cạnh tranh với nước ngoài. Cùng với đó, gần 30 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam.

Từ một nước nghèo, sự tàn phá của chiến tranh, nhiều năm bị cấm vận đến năm 2022 nước ta đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 25 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, hàng hoá Việt Nam đến với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chủ tịch nước biểu dương những kết quả mà đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đã đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời đánh giá cao sự cống hiến tận tuỵ, nhiệt huyết của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VCCI trong 60 năm qua.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Sự nỗ lực của VCCI cùng cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam đã góp phần để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế cũng như uy tín quốc tế như ngày nay. 

XÂY DỰNG ĐƯỢC ĐỘI NGŨ DOANH NHÂN, DOANH NGHIỆP NGANG TẦM KHU VỰC VÀ THẾ GIỚI

Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng cho rằng trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập về kiến thức, sự am hiểu về pháp luật, năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập.

Một bộ phận doanh nhân thiếu văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội chưa tự giác tuân thủ pháp luật, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm đã thoả hiệp, thậm chí cấu kết với những phần tử thoái hoá, biến chất trong bộ máy nhà nước làm phát sinh thêm tiêu cực xã hội.

Để đạt được khát vọng đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước phát triển, thu nhập cao, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần xây dựng được đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ năng lực ngang tầm khu vực và thế giới.

Chủ tịch nước cho rằng: “Mỗi lực lượng trong xã hội đều có vị trí vai trò quan trọng, nhưng để đất nước giàu mạnh thì phải trông chờ vào đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Đây là lực lượng tiên phong, chủ lực trong sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế”.

Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, có kiến thức trình độ, có ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc mạnh mẽ, có bản lĩnh vững vàng, khả năng hội nhập cao là trăn trở và ưu tiên của Đảng, Nhà nước trong nhiệm vụ trung tâm phát triển kinh tế. Do đó, phải xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân cả về số lượng và chất lượng.

Chủ tịch nước chụp ảnh cùng thành viên Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Chủ tịch nước chụp ảnh cùng thành viên Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Khuyến khích hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến hết năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP từ 60-65%.

Chủ tịch nước cho rằng khát vọng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc bao hàm và nâng đỡ cho khát vọng làm giàu chân chính của mỗi người. Mỗi doanh nhân phải luôn trăn trở với vận mệnh đất nước, nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, nhận thức rõ cơ hội và thách thức để phát triển doanh nghiệp.

Hơn lúc nào hết, giữa bối cảnh tình hình thế giới, trong nước có nhiều thời cơ, thách thức đan xen như hiện nay đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải vững chí lớn, có tầm nhìn chiến lược, coi trọng phát huy nội lực, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ lấy đó làm nền tảng, sức mạnh để nâng cao năng lực quản trị, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Chú trọng, bồi dưỡng, phát huy sức mạnh mềm. Cộng đồng doanh nghiệp cần coi đạo đức, văn hoá kinh doanh là yếu tố cốt lõi trong phát triển của mỗi doanh nghiệp.

Doanh nhân, doanh nghiệp phải tăng cường đoàn kết, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi gía trị, chuỗi cung ứng… tạo sức mạnh thương hiệu Việt trên thương trường. Mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác quốc tế theo tinh thần cùng thành công, cùng thắng.

Cần tuân thủ pháp luật, luôn đặt lợi ích của doanh nghiệp, cá nhân gắn liền với lợi ích của đất nước, lọi ích cộng đồng là điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, bền vững. Doanh nhân cần biết điều gì đúng nên làm để phát huy, điều gì sai không nên làm.

Chủ tịch nước khẳng định, việc xử lý sai phạm đối với một số cá nhân trong thời gian qua chính là yêu cầu đề cao thượng tôn pháp luật, là điều bắt buộc phải làm để môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, công bằng, minh bạch hơn cho các doanh nghiệp, để lợi ích chính đáng thuộc về người làm ra nó và xã hội, để loại bỏ những thành phần tha hoá, biến chất trong cơ quan nhà nước.

Theo Chủ tịch nước, chúng ta không chỉ hướng tới tạo ra các tỷ phú, mà còn tạo ra các tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế, hội tụ các công nghệ tiên tiến, công nghệ lõi và hoạt động ở tầm đa quốc gia. Bên cạnh đó, phải phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường, đáp ứng yêu cầu của hiện tại nhưng không làm tổn hại đến tương lai.

Chủ tịch nước cho rằng VCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tập hợp, thúc đẩy phát triển và phát huy đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam. Là tổ chức chính trị xã hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, là đại diện quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân… VCCI phải thực sự là trung tâm tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ là chỗ dựa tin cậy của cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công.

Là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với giới doanh nghiệp doanh nhân, VCCI phải truyền tải được ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp… Chủ động tích cực hơn nữa trong phối hợp với các địa phương, thúc đẩy cải tiến môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng các mô hình liên kết, hợp tác phát triển kinh tế vùng, địa phương.

Đồng thời thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp kinh doanh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nhân, doanh nghiệp; kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Tiên phong xây dựng, hình thành hệ giá trị chuẩn mực đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh.

Tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch nước, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI khẳng định, thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp tự nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt trong thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bên cạnh thúc đẩy phát triển số lượng, cần vun đắp hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành, những “sếu đầu đàn” dẫn dắt các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập thành công.

 

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ra mắt. Hội đồng gồm 21 thành viên, quy tụ doanh nhân đứng đầu các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam ở nhiều lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. 

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Chủ tịch Tập đoàn THACO Trần Bá Dương và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình là 3 đồng Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.

Hội đồng sẽ tiếp tục thu hút các thành viên mới không phân biệt thành phần kinh tế, là nơi quy tụ các nguồn lực tài chính, công nghệ, con người, tri thức, kinh nghiệm chuyên ngành cần được phát huy, phát triển.

Hội đồng có chức năng tập hợp, liên kết, thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn, đầu ngành Việt Nam, mở rộng mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế. Phát huy vai trò của doanh nghiệp đầu ngành trong phát triển các ngành, địa phương. Dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển. Qua đó tham gia phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.