06:30 19/08/2015

Chủ tịch nước, Thủ tướng... sẽ tuyên thệ thế nào?

Nguyên Vũ

“Tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào cần trang nghiêm, nhưng đơn giản gọn gàng thôi”

Theo một phương án, sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ, thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lên bục danh dự, tuyên thệ trước quốc kỳ.
Theo một phương án, sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ, thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lên bục danh dự, tuyên thệ trước quốc kỳ.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội là quy định thủ tục tuyên thệ của Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao thay cho thủ tục phát biểu nhậm chức.

Lễ tuyên thệ của lãnh đạo cấp cao tuy nghiêm trang nhưng cần gọn gàng, đơn giản, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh khi cho ý kiến sửa nội quy, chiều 18/8.

Bầu xong là tuyên thệ luôn

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, vấn đề này còn hai loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần quy định về lễ tuyên thệ để bảo đảm việc tuyên thệ trang nghiêm, trọng thể, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân cả nước theo dõi.

Còn theo loại ý kiến thứ hai thì không nên quy định chi tiết về tuyên thệ để tạo sự linh hoạt, chủ động cho các chủ thể thực hiện tuyên thệ.

Thể hiện theo ý kiến thứ nhất, dự thảo nội quy quy định, sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp.

Lễ tuyên thệ của các chức danh này được tiến hành trong một phiên họp toàn thể của Quốc hội theo trình tự: sau khi Quốc hội làm lễ chào cờ, thì chủ tọa phiên họp mời lần lượt Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao lên bục danh dự, tuyên thệ trước quốc kỳ.

Một số ý kiến băn khoăn về thời gian, nội dung tuyên thệ, vì nếu không quy định thì có người chỉ nói mấy câu, nhưng có người cũng có thể phát biểu cả một bài dài.

“Mỗi người chỉ 5 phút thôi, và nội dung tuyên thệ là giống nhau”, Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Theo Chủ tịch Quốc hội thì không nên chờ bầu xong tất cả các chức danh mới làm lễ tuyên thệ, mà cứ ai được bầu xong thì sẽ tuyên thệ luôn, để có thể thực hiện nhiệm vụ mới ngay.

“Tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào cần trang nghiêm, nhưng đơn giản gọn gàng thôi, không nên nghiêm trọng quá chuyện này lên làm gì!”, Chủ tịch Quốc hội góp ý.

Khi cần có thể họp cả đêm

Nhiều vấn đề khác về nội quy kỳ họp Quốc hội cũng được nâng lên, đặt xuống, trong đó có trách nhiệm dự họp của đại biểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm dự họp của đại biểu. Bởi theo quan sát của ông thì có đại biểu địa phương tuy không có chức trách gì lớn lắm, nhưng dự họp cũng không thường xuyên.

Việc điểm danh bằng thẻ, theo ông Giàu cũng không có tác dụng gì nhiều, vì cứ để thẻ đó không đem về hoặc nhờ người khác cắm thẻ vào vị trí, thì vẫn coi như có mặt.

“Vắng mặt là phải xin từ trước, đồng ý mới được nghỉ, đặc biệt bố trí đi nước ngoài đúng kỳ họp là không được, có thể phân công người đi thay”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Liên quan đến thời gian họp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo đặt vấn đề ở nhiều nước, khi có vấn đề quan trọng cần quyết định ngay thì có nhiều phiên họ họp cả đêm.

“Quốc hội nước ta khi cần, cũng có thể họp cả đêm, cả thứ Bảy, Chủ Nhật”, ông Thảo đặt vấn đề.

Liên quan đến hình thức biểu quyết, Viện trưởng Thảo nhắc lại ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc về công khai danh tính vị nào đồng ý hay không đồng ý về một vấn đề gì đó.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng việc này không phù hợp với Quốc hội Việt Nam.

Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) sẽ còn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận.