16:40 21/10/2015

Chủ tịch UBND Tp.HCM bị nêu “ngại” tiếp dân

Nguyên Vũ

Ủy ban Pháp luật “đòi” Chính phủ nêu danh tính các quan chức “ngại” tiếp công dân

Trụ sở UBND Tp.HCM.<br>
Trụ sở UBND Tp.HCM.<br>
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2015, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng tình hình khiếu nại, tố cáo nhìn chung vẫn diễn biến phức tạp.

Năm 2015 các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp 406.549 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, trong đó có 4.640 lượt đoàn đông người.

So với năm 2014 thì tại hai trụ sở tiếp công dân Trung ương, số lượt tiếp công dân tăng 6% và số vụ việc tăng 18,6%.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra cho rằng, đã đến mức đáng báo động là sự gia tăng số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cũng như việc các đoàn đông người có sự liên kết với nhau, được tổ chức chặt chẽ, chống đối quyết liệt người thi hành công vụ.

Theo Ủy ban Pháp luật, tình trạng trên nếu kéo dài sẽ dần dần làm xói mòn lòng tin của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ủy ban Pháp luật nhìn nhận, một trong những nguyên nhân của  tình trạng khiếu nại vượt cấp có chiều hướng gia tăng là do ý thức chấp hành pháp luật về tiếp công dân của một số lãnh đạo địa phương còn yếu, chưa thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân theo quy định.

Minh chứng cho nhận định này, báo cáo nêu, kết quả thanh tra trách nhiệm năm 2015 của Thanh tra Chính phủ chỉ ra: Chủ tịch UBND Tp.HCM và đa số chủ tịch UBND các quận, huyện của thành phố chưa tiếp dân thường xuyên (chỉ đạt 35% so với quy định).

Hay, các chủ tịch UBND thành phố Huế, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên - Huế) có tỷ lệ tiếp dân định kỳ chỉ đạt trên dưới 50%...

Cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo của Chính phủ cần nêu rõ họ tên, địa chỉ của người đứng đầu các ngành, các cấp, các địa phương không thực hiện việc tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người này .

Chuyển sang phần đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, báo cáo thẩm tra cho biết, trong năm qua các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết 32.817/40.511 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 81%.

Chưa bằng lòng với con số chung chung này, cơ quan thẩm tra nhận xét, báo cáo của Chính phủ chưa phản ánh đầy đủ thực trạng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa nêu được có bao nhiêu vụ việc giải quyết đúng, bao nhiêu vụ việc giải quyết sai?

Cơ quan thẩm tra nêu hàng loạt câu hỏi: khiếu kiện vượt cấp tăng ở những địa phương và ở những lĩnh vực nào? Việc giải quyết có bảo đảm thời hạn theo luật định không? Và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền ra sao?

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, Chính phủ cần làm rõ có bao nhiêu khiếu nại phải giải quyết lần hai? Có bao nhiêu khiếu nại sau giải quyết lần đầu, người khiếu nại đã khởi kiện hành chính tại tòa án và kết quả xét xử có bao nhiêu vụ việc tòa án kết luận cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện đúng, cơ quan nhà nước sai?

Băn khoăn tiếp theo được thể hiện tại báo cáo thẩm tra là qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan hành chính nhà nước đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và công dân 135,2 tỷ đồng, 59,6 ha đất. Nhưng số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý về hình sự lại rất hạn chế, chỉ có 10 vụ việc và chưa rõ bao nhiêu đối tượng, chủ yếu là kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính (444 cá nhân).

Nội dung được Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần làm rõ là cụ thể số vụ việc thanh tra chuyển cơ quan điều tra xử lý như thế nào? Số vụ chuyển đúng, chuyển sai; các cơ quan tố tụng hình sự đã xử lý đối với các vụ việc và người vi phạm này như thế nào.

Nếu chỉ kiến nghị xử lý hành chính thì liệu có dẫn đến tình trạng “bỏ lọt” tội phạm hay không, cơ quan thẩm tra tiếp tục nêu câu hỏi.

Đây có lẽ cũng là một báo cáo thẩm tra ”vô địch” về mật độ dày đặc của dấu hỏi chấm.