Chủ tịch VietinBank: “Ngành ngân hàng có thể tạm thở phào”
VietinBank gây nhiều chú ý khi có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, với mức 0,85%
Kết thúc 2015, trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành ngân hàng giảm về mức dưới 3%, VietinBank gây nhiều chú ý khi có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống, với mức 0,85%.
Chủ tịch Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), ông Nguyễn Văn Thắng, nói với VnEconomy:
- Giai đoạn 2011 - 2015, đặc biệt là 2015, hệ thống ngân hàng vừa xoay xở kinh doanh, xử lý nợ xấu, vừa đóng vai trò giữ nhịp điều hoà vốn cho nền kinh tế, vừa đóng góp đáng kể đối với thu ngân sách thông qua mua trái phiếu Chính phủ.
Nhưng đến thời điểm này, ngành ngân hàng có thể tạm thở phào, bởi an toàn hệ thống được củng cố, tài sản tăng nhưng chất lượng hoạt động được đảm bảo, nợ xấu giảm hơn 5 lần, trở về mục tiêu dưới 3% như Quốc hội giao…
Còn với riêng VietinBank, các chỉ tiêu tài chính - hợp nhất và chưa kiểm toán - cũng đều khả quan.
Cụ thể, so với 2014, tổng tài sản VietinBank đạt 779.000 tỷ đồng, tăng 17,8%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.360 tỷ đồng.
Kết thúc năm, chúng tôi đứng đầu về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng là 0,85%, thấp hơn mức bình quân toàn ngành.
Chú trọng khách lẻ
Tôi thấy có một điểm khác biệt trong kết quả kinh doanh của VietinBank là cấu trúc thu nhập đa dạng hơn…
Tính đến cuối năm 2015, tăng trưởng bán lẻ của VietinBank lên tới 51%, điều này tạo nên sự thay đổi lớn trong cơ cấu thu nhập.
Có những chi nhánh tăng trưởng quy mô chỉ vài phần trăm, nhưng cơ cấu về bán lẻ lại tăng rất mạnh, do chú trọng hơn đến khu vực khách hàng cá nhân.
Thu phí dịch vụ năm 2015 của VietinBank cũng tăng 29%. Hiện chúng tôi đã cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, trước các nhu cầu ngày càng đa dạng.
Cũng trong năm qua, VietinBank được giao nhiệm vụ tham gia quản trị và điều hành hai ngân hàng được Nhà nước mua lại, giờ kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?
Năm 2015, VietinBank được Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ tham gia quản trị và điều hành đối với hai ngân hàng được Nhà nước mua lại là Ocean Bank và GP.Bank. Kết quả ban đầu là khả quan.
Hai ngân hàng đã hoạt động bình thường trở lại, tiền gửi tăng trưởng tốt. So với lúc bắt đầu tái cơ cấu, tăng trưởng tiền gửi của OceanBank là 17% còn GP.Bank tăng gần 10%.
VietinBank còn hỗ trợ Ocean Bank thu hồi nợ xấu, nợ ngoại bảng 5.000 tỷ đồng và GP.Bank là 3.000 tỷ đồng.
Chuẩn bị phương án huy động vốn quốc tế
Kết thúc năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cao hơn huy động, và đây được coi là một lo ngại đối với chỉ số dư nợ trên vốn huy động (LDR). Câu chuyện này ở VietinBank thì thế nào, thưa ông?
Kết thúc năm, dư nợ tín dụng của VietinBank đạt 674.000 tỷ đồng, trong đó cho vay đạt 537.000 tỷ đồng. Nhưng ở chiều ngược lại, tổng nguồn huy động đạt tới 702.000 tỷ đồng.
Nói riêng về cấu trúc dư nợ tại VietinBank, khu vực bán lẻ tăng mạnh 51% so với năm 2014. Dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 15,3%, trong đó phân khúc khách hàng vừa và nhỏ tăng tới 26%, khách hàng doanh nghiệp FDI tăng 37,5% so với năm 2014.
Tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ cho vay tăng từ mức 18,1% năm 2014 lên mức 22,4% năm 2015. Tôi nghĩ, yếu tố bền vững nằm ở chỗ này.
Để chuẩn bị các phương án huy động vốn quốc tế trong thời gian tới, VietinBank cũng đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ nhà đầu tư.
Sang đến 2016 này, mục tiêu của các ông là gì?
VietinBank đặt mục tiêu các chỉ tiêu tài chính như sau: tổng tài sản tăng khoảng 15% - 17%, nguồn vốn huy động tăng khoảng 18% - 20%, dư nợ tín dụng tăng khoảng 18% - 20%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế cao hơn so với năm 2015.
Thứ hai, chúng tôi phải nâng cao vốn tự có ở mức đứng đầu hệ thống để bảo đảm hệ số an toàn vốn, phù hợp với tăng trưởng quy mô tổng tài sản.
Thứ ba, triển khai mạnh mẽ chiến lược kinh doanh trung hạn, tiến tới mục tiêu trở thành ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất, với hiệu quả hoạt động hàng đầu toàn ngành ngân hàng Việt Nam vào năm 2017, từng bước tiến ra khu vực…
Tỷ lệ nợ xấu tại 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (%).