Chú trọng bảo mật thông tin trong kết nối vạn vật
An toàn thông tin và an ninh mạng là một vấn đề cần hết sức lưu tâm khi hiện thực hoá tương lai Internet vạn vật kết nối
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo và Triển lãm quốc tế về Internet vạn vật và Bảo mật thông tin 2019 với chủ đề "IoT và bảo mật thông tin: Hướng tới một thế giới kết nối và an toàn" được tổ chức tại Tp.HCM vào ngày 13/11 vừa qua.
Chính quyền gần dân hơn nhờ kết nối vạn vật
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, cho biết: Hai năm qua, Tp.HCM đã triển khai nhiều giải pháp kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT). IoT để phát triển kinh tế, hỗ trợ giao thông đô thị, giải quyết tình trạng ngập nước, môi trường… Tp.HCM đã xây dựng một mã nguồn mở kết nối giữa các sở ban ngành, quận huyện là cơ sở ban đầu kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia.
Qua đó, người dân có thể thực thực hiện các dịch vụ công ở bất cứ nơi đâu. Tp.HCM đang chuẩn bị thành lập công ty cổ phần để phát triển IoT và đảm bảo an ninh an toàn trong kết nối mạng internet trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, nhưng vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản kết nối mở rộng của internet.
"Lãnh đạo Tp.HCM muốn xây dựng quan hệ chính quyền gần dân hơn thông qua các hoạt động kết nối internet, trong đó tập trung nhiều vào các dịch vụ công thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục", ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến cũng cho biết dự kiến cuối tháng 11/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chính thức nhấn nút khai thông Cổng dịch vụ công quốc gia, kết nối đầu tiên với 3 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM.
Theo số liệu của Cục Thống kê Tp.HCM, tính đến cuối tháng 10/2019, 100% tỷ lệ hồ sơ khai thuế trên địa bàn thực hiện qua mạng, 90% người dân thanh toán tiền điện, nước không dùng tiền mặt, 100% các trường trung học phổ thông và các đơn vị thuộc Sở Giáo dục & Đào tạo đã thanh toán không dùng tiền mặt qua thẻ học đường SSC, một số bệnh viện như Đại học Y Dược, Nhi đồng… chấp nhận thanh toán viện phí di động không cần dùng tiền mặt.
Được biết, chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, giá trị của thị trường IoT tại Việt Nam đã chạm mức 1 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến sẽ vượt ngưỡng 3 tỷ USD trong năm 2024. Trong đó, số tiền mà chính quyền các Tp.Hà Nội, Tp.HCM và Tp.Đà Nẵng đầu tư cho các dự án xây dựng đô thị thông minh với ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hạ tầng kết nối IoT lên đến gần 5 triệu USD.
Cân nhắc mua sắm thiết bị IoT
Việc xây dựng thành phố thông minh, hoạt động dựa theo dữ liệu thu thập trên camera tích hợp cảm biến thông minh có thể coi là một tín hiệu đáng mừng trong ứng dụng kết nối vạn vật. Tuy nhiên, nếu dữ liệu thu thập không được mã hóa, bảo mật sẽ trở thành mục tiêu của hacker, gây mất an ninh, an toàn cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, dữ liệu lớn (Big data), công nghệ phân tích, robot... đã mang đến sự thay đổi chưa từng thấy cho toàn xã hội nói chung và từng ngành kinh tế nói riêng. Sức mạnh của kết nối không phải ở cấp số cộng, mà ở cấp số nhân.
Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành những chính sách, văn bản quản lý pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của các công nghệ mới, nổi bật là Nghị quyết số 52-NQ/TW đề ra những chủ trương, chính sách tham gia vào cuộc cách mạng số hay đề án xây dựng chuyển đổi số mà Bộ Thông tin và Truyền thông đang được chỉ thị phải thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan, tập đoàn công nghệ lớn kết hợp triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực kết nối vạn vật nói riêng, và chuyển đổi số nói chung tại Việt Nam.
Tính đến tháng 7/2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cho 3 doanh nghiệp là Viettel, MobiFone, VinaPhone thử nghiệm dịch vụ 5G tại Tp.HCM, Hà Nội và một số thành phố lớn, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm công nghệ này sớm nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, an toàn thông tin và an ninh mạng là một vấn đề cần hết sức lưu tâm khi hiện thực hoá tương lai Internet vạn vật kết nối, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một trong 3 quốc gia có không gian mạng kém an toàn nhất trên thế giới với 6219 vụ tấn công được ghi nhận chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019.
Bên cạnh đó, nguy cơ mất dữ liệu cá nhân cũng được nhiều người dùng lo lắng. Ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho biết: Nguy cơ lấy cắp dữ liệu và hành vi tiêu dùng thông qua các thiết bị giám sát như camera là rất cao.
Theo thông tin thống kê, khoảng 63% camera an ninh, 20% router Internet có lỗ hổng bảo mật… Như vậy, nhiều hành vi, hình ảnh, thông tin của người sử dụng có thể bị chuyển về cho các nhà sản xuất thiết bị đặt tại nước ngoài. Điều này là cực kỳ nguy hiểm!
Thực tế, một đô thị thông minh và an toàn với nền tảng kết nối vạn vật lại sẽ không thể thiếu công cụ camera giám sát. Do đó, đây cũng chính là bài toán thách thức của các đô thị thông minh ở các nước phát triển và các đô thị lớn của Việt Nam trong tương lai.
Đại diện Cục An toàn thông tin dẫn chứng Việt Nam đã từng bị tấn công quy mô lớn tấn công hơn 1.000 camera để khai thác lỗ hổng dữ liệu khiến một mạng di động phải ngừng hoạt động trong vài giờ; tin tặc đã từng tấn công website sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài…
Giải pháp được Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin khuyến nghị với doanh nghiệp và người sử dụng thiết bị IoT để bảo mật an toàn thông tin trong kết nối vạn vật là: Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn; thay đổi mật khẩu, cấu hình mặc định; đặt các thiết bị IoT trong vùng mạng cách ly; thiết lập quy trình cập nhật cho thiết bị IoT hoặc thay thế nếu bắt buộc; cân nhắc khi mua sắm thiết bị IoT…