10:14 18/05/2007

Chưa có khung pháp lý và chưa cổ phần hóa Bệnh viện Bình Dân

Phùng Nghị

Việc thí điểm cổ phần hóa bệnh viện là rất mới mẻ, chúng ta chưa từng có kinh nghiệm

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Bình Dân, Tp.HCM - Ảnh: TT.
Hội thảo quốc gia đầu tiên và chính thức về thí điểm cổ phần hóa bệnh viện công đã diễn ra tại Tp.HCM vào các ngày 17-18/5/2007. Có khoảng trên 300 đại biểu là các nhà quản lý, các y bác sĩ thuộc các cơ quan y tế, các bệnh viện trong cả nước tham dự.

Theo các nhà tổ chức (là Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Nhật), cuộc hội thảo sẽ cung cấp và cập nhật các thông tin hữu ích về tiến trình cổ phần hóa các bệnh viện công theo quan điểm của cơ quan quản lý Nhà nước; và cũng là cơ hội để các nhà quản lý y tế trong cả nước gặp gỡ, trao đổi ý kiến, kinh nghiệm về vấn đề cổ phần hóa bệnh viện từ các nhà tư vấn trong và ngoài nước.

Các nội dung chính được trình bày và thảo luận trong cuộc hội thảo bao gồm: -Tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam; -Những thay đổi về chính sách cổ phần hóa; -Tổng quan lộ trình và các bước công việc cần thiết để cổ phần hóa bệnh viện và lợi ích của việc cổ phần hóa bệnh viện; -Kinh nghiệm cổ phần hóa dịch vụ y tế tại các nước trong khu vực; -Vai trò của nhà đầu tư sau khi bệnh viện được cổ phần hóa; -Kinh nghiệm quản lý bệnh viện công sau khi cổ phần hóa...

Đây là những vấn đề đang được các nhà quản lý, và dư luận đặc biệt quan tâm.

Chưa có khung pháp lý đầy đủ

"Cho đến ngày 17/5 chúng ta chưa có các cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc hiện Nghị quyết 05 về xã hội hóa của Chính phủ, trong đó có việc cổ phần hóa bệnh viện công. Cụ thể là dự thảo Nghị định về cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp và công ích do Bộ Tài chính soạn thảo trong tháng 5/2007 này mới được trình Thủ tướng Chính phủ.

Việc cổ phần hóa bệnh viện công cũng mới chỉ ở bước đầu tiên, là Thủ tướng chỉ đạo cho Bộ Y tế chọn một số bệnh viện công có điều kiện để trình Thủ tướng cho xây dựng đề án thí điểm cổ phần hóa, nghĩa là mới cho phép lập danh sách chứ không phải là cho cổ phần hóa. Cho đến nay danh sách này Bộ Y tế cũng chưa có để trình Thủ tướng".

Đó là khẳng định của ông Phạm Viết Muôn - Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, kiêm Phó ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, người chủ trì cuộc hội thảo.

Ông Muôn cho biết: cổ phần hóa bệnh viện là một trong những hình thức xã hội hóa các hoạt động y tế, giáo dục, thể dục thể thao, nghiên cứu khoa học... theo tinh thần Nghị quyết 05 của Chính phủ ban hành ngày 18/4/2005.

Theo ông, việc thí điểm cổ phần hóa bệnh viện là rất mới mẻ, chúng ta chưa từng có kinh nghiệm, mặc dù hiện nay trong cả nước đã có nhiều mô hình bệnh viện liên doanh, bệnh viện tư. Điều này cũng giống như cách nay 15 năm khi bắt đầu thực hiện thí điểm cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, lúc ấy chúng ta cũng đã có các công ty TNHH, công ty cổ phần.

Việc thực hiện cổ phần hóa bệnh viện công đòi hỏi chúng ta phải vừa làm, vừa học, vừa lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kinh nghiệm thực tế của bạn bè thế giới. Tất nhiên việc cổ phần hóa bệnh viện cũng rất khác việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Do đó cần có những bước đi, biện pháp thích hợp để có thể huy động được nguồn lực toàn xã hội vào việc phát triển dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe toàn dân; đồng thời thay đổi được cách quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ y tế. Bởi thực tế với mức chi ngân sách khoảng 10 USD/người/năm cho sự nghiệp y tế, chúng ta khó có thể có các dịch vụ y tế tốt phục vụ nhân dân được.

Đặc biệt, đối với trường hợp Bệnh viện Bình Dân tại Tp.HCM, theo ông Muôn: từ cách đây 3 năm UBND Tp.HCM có đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm cổ phần hóa, nhưng cho đến nay, đề án cổ phần hóa thí điểm Bệnh viện Bình dân cũng chưa được trình. Như vậy cũng có nghĩa là chưa cổ phần hóa bệnh viện này.

Đối với vấn đề có cần lấy ý kiến của các tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân thành phố hay không, là thẩm quyền của lãnh đạo thành phố chứ không phải là thẩm quyền của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Một số kinh nghiệm tại các nước trong khu vực

Một trong những báo cáo được nhiều người quan tâm là "kinh nghiệm cổ phần hóa dịch vụ y tế trong khu vực" được ông Ronald Henry Ayliffe- Giám đốc Tổ chức tài chính Merrill Lynch khu vực Đông Nam Á trình bày.

Theo đó, chi phí chăm sóc sức khỏe trên đầu người hiện nay tại các nước trong khu vực, thì Singapore là cao nhất với mức 416,1 USD/người/năm, tiếp theo là Malaysia: 166,8 USD, Thái Lan 141,3 USD, Philippines 32,2 USD, Indonesia 31 USD... Như vậy có lẽ Việt Nam là thấp nhất?

Nhưng đáng chú ý là mức chi phí chăm sóc sức khỏe so với GDP thì Singapore là thấp nhất chỉ ở mức 1,5%, còn Thái Lan là cao nhất với 6%, các nước Indonesia, Malaysia, Philipines trong khoảng 3,2- 3,5%.Số bệnh viện công tại Indonesia hiện nay là 635 (chiếm 50,2% so với tổng số bệnh viện là 1.264); còn số bệnh viện tư nhân tại đây là 629 chiếm 49,8%.

Chính phủ Indonesia trong kế hoạch phát triển y tế đến năm 2010 của mình, đã thúc đẩy quá trình tư hữu hóa các bệnh viện, coi đây như một công cụ nhằm đạt mục tiêu phân bổ và chuyên nghiệp hóa công tác chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, quá trình này vẫn tồn tại những ý kiến phản đối vì cho rằng lợi ích của tư hữu hóa thuộc về người giàu và có thể làm tồi tệ hơn khoảng cách giữa giàu nghèo trong chăm sóc sức khỏe...

Hiện nay, một trong 4 ưu tiên của Indonesia trong công tác y tế là kêu gọi sự tham gia của tư nhân trong việc huy động nguồn các tài trợ thông qua kế họach "Chăm sóc tự nguyện có quản lý". Điều này tạo điều kiện tăng cường trang bị cho hệ thống y tế và hướng đến việc đẩy mạnh các dịch vụ phòng bệnh hơn là chữa trị. Đầu tư tư nhân hiện được xác nhận là nguồn chủ yếu nhằm phát triển y tế, nhưng mục tiêu chiến lược của Chính phủ vẫn phải được thực hiện bởi hệ thống y tế Nhà nước.

Tại Trung Quốc, Chính phủ đang tìm kiếm nhiều phương thức khác nhau nhằm thúc đẩy hoạt động bệnh viện trên toàn quốc, kể cả việc tiến hành tư hữu hóa. Trong năm 2005, Trung Quốc đã thông báo ban hành 2 chính sách quan trọng trong kế hoạch đổi mới hoạt động y tế quốc gia, đó là: chấm dứt tình trạng độc quyền về dịch vụ y tế của các bệnh viện công; và thực hiện quản lý một cách hệ thống tại các bệnh viện.

Từ thời điểm này, mọi dự đoán cho rằng việc tư hữu hóa bệnh viện sẽ diễn ra từ từ, và cuối cùng tình trạng độc quyền của các bệnh viện công trong cung cấp dịch vụ y tế sẽ phải chấm dứt.