Chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Ngoại trưởng Mỹ đến Bình Nhưỡng
Đây là chuyến thăm Triều Tiên lần thứ hai của ông Pompeo trong vòng chưa đầy 6 tuần
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 9/5 đã tới Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Đây là chuyến thăm Triều Tiên lần thứ hai của ông Pompeo trong vòng chưa đầy 6 tuần. Các nhà báo Mỹ đi cùng ông Pompeo trong chuyến công tác này cho biết nhà ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ đã bay từ Nhật Bản sang Bình Nhưỡng, sau đó di chuyển tới khách sạn Kyoro để gặp phía Triều Tiên.
Trao đổi với các nhà báo, ông Pompeo cho biết ông chưa nhận được cam kết nào từ phía Triều Tiên về việc phóng thích 3 công dân Mỹ đang bị nước này giam giữ, nhưng bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ "làm điều đúng đắn".
Ông Pompeo cũng nói chuyến thăm này nhằm hoàn tất chương trình nghị sự cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, cuộc gặp có thể tạo ra "thay đổi lớn có ý nghĩa lịch sử" trong quan hệ giữa hai quốc gia từ lâu là kẻ thù của nhau.
Tại Washington, ông Trump phát tín hiệu về khả năng 3 người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ sẽ sớm được phóng thích, nói rằng đây sẽ là một "điều tuyệt vời". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói Washington và Bình Nhưỡng đã nhất trí về thời gian và địa điểm của cuộc gặp thượng đỉnh, nhưng không nói rõ cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu và khi nào.
Nếu Triều Tiên phóng thích 3 công dân Mỹ, thì đó sẽ là một tín hiệu cho thấy nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Mới đây, ông Kim Jong Un đã hứa dừng thử vũ khí và đóng cửa một khu thử hạt nhân để tạo bầu không khí hòa bình cho cuộc gặp.
Tuy vậy, giới phân tích không loại trừ khả năng việc phóng thích công dân Mỹ sẽ được Triều Tiên sử dụng như một lá bài nhằm mặc cả với Mỹ, nhằm buộc ông Trump có nhượng bộ trong yêu cầu Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.
Chuyến thăm Triều Tiên trước đó của ông Pompeo diễn ra vào tháng 3, khi ông trở thành quan chức Mỹ đầu tiên được biết có cuộc gặp với ông Kim Jong Un. Vào thời điểm đó, ông Pompeo còn là Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và đang chờ được Quốc hội Mỹ phê chuẩn chức Ngoại trưởng theo đề cử của ông Trump.
Phát biểu ngày 8/5, ông Trump cũng phát tín hiệu rằng việc ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ gửi đi một "thông điệp quan trọng" không chỉ đối với Tehran mà còn đối với cả Bình Nhưỡng.
"Nước Mỹ không còn dọa suông nữa. Một khi tôi đã hứa, tôi sẽ làm", ông nói.
Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng quyết định rời thỏa thuận hạt nhân Iran có thể khiến Triều Tiên giảm mức độ tin tưởng ông Trump và thay vào đó sẽ hoài nghi liệu Tổng thống Mỹ có giữ vững một thỏa thuận hạt nhân với Bình Nhưỡng nếu một thỏa thuận như vậy được ký kết.
Ba công dân Mỹ hiện bị Bình Nhưỡng giam giữ gồm hai giáo viên đến giảng dạy ở Triều Tiên là Kim Hak-song và Kim Sang-duk, và Kim Dong-chul - một nhà truyền giáo gốc Hàn Quốc.
Mỹ gần đây gây sức ép mạnh đòi Triều Tiên thả ba công dân nói trên, xem việc phóng thích những người này là một động thái thể hiện sự chân thành của Bình Nhưỡng trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Cho tới nay, người Mỹ duy nhất được Triều Tiên phóng thích kể từ khi ông Trump lên cầm quyền là Otto Warmbier, một sinh viên đại học 22 tuổi. Warmbier đượ đưa trở về Mỹ vào mùa hè năm ngoái trong tình trạng hôn mê và qua đời vài ngày sau đó, sau 17 tháng bị cầm tù ở Triều Tiên.
Cái chết của Warmbier đã làm leo thăng căng thẳng Mỹ-Triều, giữa lúc căng thẳng đã ở mức cao do Bình Nhưỡng đẩy mạnh các vụ thử tên lửa.