09:47 24/12/2012

Chứng khoán 2012 thăng trầm qua những con số

Khánh Hà

Bất chấp chỉ số đạt mức tăng trưởng tính theo năm, gam màu chủ đạo của bức tranh năm 2012 vẫn là màu xám

Kinh tế suy giảm đã khiến thị trường chứng khoán bộc lộ nhiều điểm yếu, vốn bị che khuất hoặc được bỏ qua trong thời điểm tăng trưởng nóng.
Kinh tế suy giảm đã khiến thị trường chứng khoán bộc lộ nhiều điểm yếu, vốn bị che khuất hoặc được bỏ qua trong thời điểm tăng trưởng nóng.
Bất chấp chỉ số đạt mức tăng trưởng tính theo năm, gam màu chủ đạo của bức tranh năm 2012 vẫn là màu xám. VN-Index tính đến 21/12 tăng khoảng 12,87% so với thời điểm 30/12/2011. HNX-Index giảm khoảng 7,98%.

Năm 2012 không chỉ đầy rẫy những sự kiện đáng nhớ của thị trường chứng khoán niêm yết do chịu tác động từ bối cảnh vĩ mô. Những tác động này đã bộc lộ nhiều yếu kém của các bộ phận thị trường, từ khối doanh nghiệp niêm yết đến các thành viên trung gian, trong đó đặc biệt là các công ty chứng khoán.

Một vài con số nổi bật dưới đây đã ghi lại phần nào bức tranh đó.

21/8: Được gọi là “Ngày thứ 3 đen tối” của thị trường niêm yết khi giới đầu tư phản ứng tiêu cực chưa từng thấy với thông tin “Bầu Kiên” bị bắt. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh nhất trong một phiên với VN-Index mất 4,7% và HNX-Index mất 5,2%. Cả hai sàn ghi nhận 380 cổ phiếu giảm sàn và 126 cổ phiếu giảm giá trong tổng số 702 chứng khoán niêm yết. Mức vốn hóa thị trường bốc hơi xấp xỉ 1 tỷ USD. Lần đầu tiên thị trường chứng khoán suy sụp như vậy trước một sự kiện liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của một cá nhân. 

11: Là số công ty chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong năm 2012. Ngoài ra còn có 3 công ty khác bị đưa vào diện kiểm soát. Tình trạng kiểm soát đặc biệt được áp dụng đối với những công ty không đáp ứng được chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226 và Thông tư 165. Những công ty bị kiểm soát đặc biệt chỉ có 4 tháng để khắc phục, nếu không sẽ bị đình chỉ hoạt động. Cũng trong năm 2012, 4 công ty chứng khoán bị rút nghiệp vụ môi giới mà trên thực tế là rút giấy phép hoạt động, chỉ còn tồn tại pháp nhân để xử lý các khoản nợ. Thống kê kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cho thấy có trên 50% bị lỗ riêng trong năm 2012 và trên 70% công ty có lỗ lũy kế.

21: Là số công ty niêm yết bị hủy niêm yết trong năm nay. Lý do hủy niêm yết bắt buộc là do kết quả kinh doanh không đáp ứng được tiêu chuẩn niêm yết, do vi phạm chế độ công bố thông tin. Đây là số lượng công ty bị hủy niêm yết cao chưa từng có trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực trạng này một mặt do tình hình kinh tế khó khăn, doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, nhưng cũng xuất phát từ hoạt động quản lý giám sát chặt chẽ hơn, đặc biệt là xiết chặt yêu cầu công bố thông tin theo quy định.

4: Là số vụ việc liên quan đến vi phạm thao túng giá đã được chuyển sang cơ quan công an. Ngoài ra còn có 6 vụ việc được điều tra theo đơn tố cáo và thuộc thẩm quyền của cơ quan công an và cơ quan quản lý thị trường phối hợp cung cấp tài liệu. Trong năm 2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành 146 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân. Tổng số tiền phạt trên 8,5 tỷ đồng.

425: Là số cổ phiếu tại hai sàn đang giao dịch dưới mức mệnh giá trong tổng số 710 cổ phiếu đang niêm yết. Trong đó, số cổ phiếu dưới mệnh giá tại HNX là 278/397 mã và tại HSX là 147/313 mã. Cổ phiếu có thị giá thấp nhất tại HSX là DDM với 800 đồng. Cổ phiếu thấp nhất tại HNX là THV với 900 đồng.

143: Là số doanh nghiệp niêm yết lỗ lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2012, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, còn có 438 công ty có lợi nhuận sụt giảm, tăng 12%. Bình quân lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt 8%, trong khi năm 2011 đạt 12,3%. Lợi nhuận kinh doanh sụt giảm, thua lỗ là nguyên nhân chính khiến giá cổ phiếu xuống rất thấp và nhiều doanh nghiệp phải hủy niêm yết.

-77%: Là mức sụt giảm của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thuần trong năm 2012. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dòng vốn vào ròng chỉ đạt 70 triệu USD. Nguyên nhân đến từ diễn biến bất lợi của thị trường vốn quốc tế và những khó khăn kinh tế trong nước nên các quỹ đầu tư phải cơ cấu lại danh mục và thận trọng hơn.

-42%: Là mức sụt giảm của lượng vốn huy động cổ phiếu và cổ phần hóa trong năm nay. Trong tổng giá trị huy động vốn 152,6 ngàn tỉ đồng, huy động vốn cổ phiếu và cổ phần hóa chỉ đạt 10,1 ngàn tỉ đồng. Số còn lại là vốn huy động thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng 75% so với năm 2011. Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán và cổ phần hóa sụt giảm mạnh do thị trường niêm yết không thuận lợi. Rất nhiều công ty niêm yết trong năm 2012 đã phải hủy bỏ hoặc lùi thời hạn huy động. Nhiều công ty không huy động được số vốn như kế hoạch hoặc không thể phát hành được do thị giá cổ phiếu niêm yết giảm xuống dưới mệnh giá.

159: Là số cổ phiếu trên cả hai sàn tính đến ngày 21/12 có mức điều chỉnh trên 50% so với đỉnh cao nhất từ sóng tăng tháng 5/2012. Nửa đầu năm 2012, thị trường niêm yết giao dịch sôi động với mức tăng trưởng mạnh bất ngờ. Tuy nhiên sau khi đạt đỉnh vào đầu tháng 5, thị trường đã rơi vào chu kỳ suy thoái kéo dài đến tận hiện tại. Rất nhiều cổ phiếu đã suy giảm mạnh (không tính điều chỉnh kỹ thuật). Trong số 159 cổ phiếu có mức điều chỉnh trên 50%, HSX đóng góp 73 mã và HNX đóng góp 86 mã. Cổ phiếu giảm mạnh nhất HNX là FLC, từ đỉnh cao 43.600 đồng ngày 5/3/2012 hiện chỉ còn 6.000 đồng. Cổ phiếu giảm mạnh nhất HSX là SBS, từ mức 7.300 đồng ngày 18/4 về mức 1.200 đồng.