09:58 03/02/2014

Chứng khoán 2014: Nhận diện những “tay chơi” mới

Khánh Hà

Chưa lúc nào niềm tin của giới đầu tư lại lớn như vậy trong vài năm gần đây

Dòng tiền luôn thường trực trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội. 
Dòng tiền luôn thường trực trên thị trường chứng khoán để tìm kiếm cơ hội. 
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm Quý Tỵ 2013 khép lại với biến động làm nức lòng giới đầu tư. Điểm nhấn quan trọng nhất của những tháng cuối năm và tháng 1/2014 là dòng tiền thường trực trong thị trường ở mức rất lớn.

Khi dòng tiền xoay chuyển sang các cổ phiếu blue-chips, cộng với những thông tin hỗ trợ sắp được tung ra, chưa lúc nào niềm tin của giới đầu tư lại lớn như vậy trong vài năm gần đây. Cơ hội dường như đang mở rộng trong năm 2014 với triển vọng đón dòng tiền mới từ các “tay chơi” mới.

Quỹ mở, thế lực mới của dòng tiền nội

Mặc dù đã manh nha từ năm 2012 với kế hoạch chuyển đổi của hàng loạt quỹ đóng đang hoạt động sang loại hình quỹ mở khi khung pháp lý đã hoàn chỉnh, nhưng phải đến 2013 các quỹ mở mới thực sự nở rộ.

Câu chuyện quỹ đóng “biến hình” thành quỹ mở không mới, nhưng nét mới là hàng loạt quỹ mở “mới toanh” ra đời.

Thăm dò thị trường là những bước đi đầu tiên của các quỹ mở được thành lập trong năm 2013. Từ con số 19 quỹ đầu tư đang hoạt động (10 quỹ thành viên và 9 quỹ đại chúng), khi khung pháp lý về quỹ mở - Thông tư 183 - có hiệu lực năm 2012, các công ty quản lý quỹ đã bắt đầu tái cấu trúc mô hình hoạt động của các quỹ theo hướng giải thể các quỹ thành viên, quỹ đóng và xúc tiến thành lập các quỹ mở. Trong năm 2013, cơ quan quản lý đã cấp phép chào bán và cấp phép thành lập cho 9 quỹ mở. Ngoài ra, 8 quỹ mở khác đang trong quá trình thẩm định để thành lập.

Từ những cái tên khá quen thuộc như VFMVFA, VFMVF1, VFMVF4, tới các tên mới MBBF, VFF, VFMVFB,  VCBF-TBF, BVFED, ENF… có thể thấy rằng phần lớn các quỹ này đều hướng đến thị trường trái phiếu, nhưng đã có những quỹ tuyên bố chiến lược đầu tư năng động hơn, cân bằng cả hoạt động đầu tư an toàn và tăng trưởng. 

Phải nhìn nhận rằng việc thành lập các quỹ mở lúc này mới chỉ trong giai đoạn thăm dò “khẩu vị” của giới đầu tư. Biểu hiện rõ nhất là cơ cấu phân bổ tài sản chủ yếu là trái phiếu với độ an toàn cao. Tiếp đến là quy mô quỹ đều nhỏ, thường khởi điểm là 50 tỷ đồng để việc huy động vốn có tỉ lệ thành công cao. Tuy nhiên đã có những quỹ quan tâm đến một cơ cấu tài sản đa dạng, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu hay các công cụ thị trường tiền tệ mà quỹ đầu tư cân bằng chiến lược VCBF là một điển hình.

Mới đây ông Andy Ho, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Quản lý quỹ VinaWealth cũng cho biết công ty đã gửi hồ sơ lên cơ quan quản lý đăng ký thành lập một quỹ mở thứ 2 do công ty này quản lý, tập trung vào thị trường cổ phiếu. Đây có thể là những dấu hiệu đầu tiên báo hiệu một xu thế bùng nổ quỹ mở nội địa trong năm 2014.

Đặc điểm của quỹ mở là dòng vốn có thể biến động tùy thuộc vào môi trường kinh doanh trong từng thời điểm. Nhà đầu tư cũng có thể điều chuyển vốn linh hoạt hơn so với quỹ đóng. Chỉ riêng yếu tố này hứa hẹn sẽ hấp dẫn được dòng vốn lớn tham gia, đặc biệt trong bối cảnh xu thế tăng trưởng của thị trường rõ ràng.

Vai trò của quỹ mở nội địa trong năm 2013 chưa để lại dấu ấn gì, nhưng với triển vọng kinh tế sáng sủa hơn trong năm 2014, xu hướng thành lập các quỹ mở có thể nở rộ.

ETF và khối ngoại - dòng tiền tạo sóng

Nếu nhìn vào cơ cấu dòng tiền trên thị trường trong tháng 12 và tháng 1 vừa qua, có thể thấy ấn tượng rất rõ ràng của dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Do đích đến của dòng vốn này chỉ tập trung vào các blue-chips vốn hóa hóa lớn hoặc tầm trung, nên không dễ để phân biệt mức độ tham gia của dòng vốn từ các quỹ ETF nói riêng hay các nhà đầu tư nước ngoài khác. Mặc dù vậy các con số thống kê chắc chắn thể hiện một mức độ tham gia thị trường rất lớn của tổng hợp các dòng vốn này.

Chỉ riêng từ đầu tháng 12/2013 đến hết tháng 1/2014, tổng giá trị mua vào của nhà đầu tư nước ngoài tính riêng với các giao dịch trực tiếp trên sàn khớp lệnh hàng ngày đã lên tới con số 6.364,1 tỷ đồng, chưa kể cả ngàn tỷ đồng nữa tham gia các giao dịch thỏa thuận. Tổng giá trị bán ra qua khớp lệnh là 3.994,6 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng hai tháng, mức vốn vào ròng đối với thị trường là gần 2.370 tỷ đồng. 

Điều rất đặc biệt và thu hút chú ý lớn, là chỉ trong 18 phiên giao dịch của tháng 1 vừa qua, quy mô mua vào đạt tới gần 3.936 tỷ đồng và mức vốn ròng là 2.181 tỷ đồng. Chỉ cần so sánh con số vốn vào ròng giữa tháng 12/2013 và tháng 1/2014 cũng đủ thấy một dấu hiệu rất lạc quan, khi nhà đầu tư nước ngoài đẩy cường độ mua vào lên cao chưa từng thấy. 

Yếu tố tạo sóng của dòng tiền nói trên đã tạo sự thay đổi cực lớn trên thị trường, khiến không ít nhà đầu tư trong nước ngỡ ngàng. Các cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao, mà nổi bật là các mã trong rổ cổ phiếu VN30 - đích đến chủ yếu của dòng tiền này - có mức tăng giá vượt trội so với các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Thống kê về giá, trung bình trong tháng 1, các mã của rổ này tăng gần 12%, gợi nhớ lại thời kỳ tăng trưởng “điên rồ” năm 2009. Nhiều cổ phiếu riêng lẻ thậm chí còn tăng trưởng mạnh hơn mức bình quân như BVH tăng 23%, FPT tăng 17%, IJC tăng 16%, MSN tăng 16%, PGD tăng 29%, PVD tăng 18%, REE tăng 17%, SSI tăng 28%, STB tăng 17%.

Một lý giải đơn giản, là không nhiều cổ phiếu đang niêm yết thỏa mãn các tiêu chí mua vào của dòng vốn ngoại nói chung cũng như của các quỹ ETF nói riêng. Dòng vốn rất lớn này không tìm được chỗ giải ngân nào khác: Trong tổng số 3.936 tỷ đồng giá trị mua vào của tháng 1/2014, riêng rổ VN30 đã chiếm hơn 2.500 tỷ đồng, tức là gần 64%.

Giới phân tích cho rằng đợt mua vào ào ạt tháng 1/2014 gắn liền với mức chênh lệch rất cao giữa thị giá chứng chỉ quỹ ETF với giá trị tài sản ròng của quỹ (premium), có lúc lên tới gần 10% như ở quỹ Market Vectors Vietnam ETF, cộng với quy mô phát hành chứng chỉ quỹ mới thành công lớn của quỹ này.

Nếu điều này đã thực sự diễn ra, thì thị trường vẫn có quyền kỳ vọng “tháng trăng mật” sẽ còn tiếp diễn. Số liệu đến ngày 31/1/2014, mức chênh lệch premium của Market Vectors Vietnam ETF vẫn đang là 5,41%. Trong ngày giao dịch cuối cùng trước Tết của thị trường chứng khoán Việt Nam (27/1/2014), quỹ này vẫn huy động thêm được 2 triệu USD nữa. 

Tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room) đang là câu chuyện “hot” nhất trên thị trường hiện tại. Đằng sau câu chuyện này là sự mong mỏi, thậm chí là sức ép của các tổ chức đầu tư quốc tế. Sự lựa chọn cũng như khả năng mua bị giới hạn là một rào cản để các quỹ này thâm nhập mạnh hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đó cũng là vướng mắc khiến các quỹ khó kể được một câu chuyện hấp dẫn cho các nhà đầu tư tiềm năng khi đi huy động vốn. Khi vướng mắc này được gỡ bỏ, dòng vốn nước ngoài vào thị trường Việt Nam có thể được khai thông ở một mức độ cao hơn.

Những “tay chơi” ẩn mình

ETF là cái tên đã trở nên quen thuộc với thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013. Cái tên này làm lu mờ các hoạt động khác của nhiều quỹ ngoại vốn đã âm thầm thâm nhập thị trường. 

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký, số tài khoản giao dịch cấp mới cho tổ chức đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng cao ổn định từ tháng 4/2013. Liên tiếp các tháng sau đó, không tháng nào có dưới 20 tổ chức mới gia nhập thị trường. Con số cao điểm như tháng 11/2013 có 35 tổ chức mới được cấp mã giao dịch.

Tính dồn cả năm 2013, đã có thêm 291 mã số giao dịch mới được cấp cho tổ chức nước ngoài. Con số này đã tăng hơn 55% so với thời điểm cuối năm 2012.

Những con số khô khan này cũng ít gây chú ý như chính các hoạt động của những “tay chơi” ẩn mình. Không ào ạt, không xuất hiện dồn dập trên mặt báo với các đợt tái cơ cấu danh mục định kỳ, nhưng đến một lúc nào đó, những “tay chơi” mới đột ngột nổi lên như những thế lực không thể xem thường. Những cái tên khá lạ, như Peter Eric Dennis, Mutual Fund Elite, Asean Small Cap Fund… đang dần thu hút chú ý, khi ít chịu những ràng buộc trong hoạt động đầu tư như các quỹ ETF.

Hàng loạt doanh nghiệp niêm yết trong năm 2013 bất ngờ phải dành chỗ đứng cho những cổ đông lớn là những quỹ đầu tư nước ngoài “lạ hoắc” nói trên. Peter Eric Dennis tăng nắm giữ hàng loạt cổ phiếu như MKV, ECI, EBS, SGD, ADC, ECI… Mutual Fund Elite mua vào hàng loạt cổ phiếu VND, EBS, TTF, GDT, BIC, DVP, VPK, PAN… Asean Small Cap Fund cũng báo cáo trở thành cổ đông lớn của APS, SDH, STL, TIG, ICG, API…

Chỉ đầu tháng 12 vừa qua, AFC Vietnam Fund – cái tên mới nhất xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam – đã liên tục giải ngân trong quy mô vốn 50 triệu USD. Tuy giá trị tài sản ròng tính đến 31/12/2013 mới hơn 1 triệu USD nhưng đã có mức tăng trưởng 2,37%. Những cổ phiếu nhận được dòng vốn mới này là TXM, CKV, HCT, SMT…

Một điều khá kỳ cục là đích đến của dòng tiền này khác xa những quỹ ETF: cổ phiếu có tính thanh khoản thấp hơn, doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, thậm chí nhiều cổ phiếu chưa bao giờ nằm trong số những mã được ưa chuộng của số lớn nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên đây cũng là khác biệt chính của những “tay chơi” mới này khi ít bị ràng buộc hơn trong chiến lược đầu tư, tầm nhìn dài hạn hơn (hay thậm chí là đầu cơ ngắn hạn?), những cơ hội ít bị cạnh tranh hơn, thậm chí là mạo hiểm hơn. 

Hiệu quả của chiến lược đầu tư mới cần có thời gian để chứng minh, nhưng điều chắc chắn là một bức tranh đa dạng hơn về dòng vốn nước ngoài đã xuất hiện trong năm 2013 và sẽ còn đa dạng hơn nữa trong năm 2014. Các quỹ lớn, quỹ đầu tư chỉ số có thể “làm mưa làm gió” tại các blue-chips hàng đầu, nhưng dòng vốn lớn không kém từ nhiều quỹ khác, thậm chí là hung hăng hơn, cũng có thể tạo một không khí sôi động ở phần còn lại. 

Mặt khác, trên thị trường luôn luôn diễn ra quá trình tái định giá các cổ phiếu. Không có gì chắc chắn rằng một blue-chips hôm nay sẽ mãi mãi là một blue-chips và một cổ phiếu penny sẽ mãi mãi yên phận một cổ phiếu “hạng hai”.

ETF nội - cuộc chơi thêm tưng bừng?

Một tin vui ít được chú ý năm 2013, là những hoạt động “hậu trường” chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho sự ra đời những quỹ hoán đối danh mục (ETF) nội địa sắp hoàn tất. Khó có thể nhanh hơn được, nhưng những dự báo cũng như thông tin hé lộ từ cơ quan quản lý cho biết, những quỹ ETF nội địa đầu tiên có thể ra đời vào quý 3/2014.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước, các Sở giao dịch đang hoàn tất quy chế liên quan đến thiết kế sản phẩm và cơ chế tổ chức giao dịch chứng chỉ quỹ ETF. Trung tâm Lưu ký cũng đang hoàn tất mô hình đề án quỹ vay và cho vay chứng khoán, cho phép thực hiện thanh toán bù trừ cho sản phẩm ETF và xử lý các rủi ro liên quan đến việc hủy thanh toán ETF. Sau khi chạy thử nghiệm, dự kiến trong quý 3 năm nay các sản phẩm ETF có thể được giao dịch.

Không phải ngẫu nhiên hàng loạt rổ cổ phiếu mới và những chỉ số mới được triển khai trong năm vừa qua. Những chỉ số này ít được quan tâm trên phương diện theo dõi biến động, nhưng sẽ là cơ sở để các quỹ ETF hoạt động. Danh mục đầu tư của các quỹ ETF “nội” sẽ bao gồm một nhóm cổ phiếu có cơ cấu theo chỉ số mà quỹ đó mô phỏng. Không khác nhiều lắm so với các quỹ ETF ngoại đang là tâm điểm hiện nay, nhưng chiến lược đầu tư có thể khác.

Việc “rục rịch” ra đời các quỹ ETF nội địa có lẽ là điều ít được chờ đợi và kỳ vọng nhất do mọi việc vẫn còn trong giai đoạn hoàn tất và thử nghiệm. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là cuộc chơi sẽ kém tưng bừng. ETF có khả năng huy động vốn khá dễ dàng cũng như được các công ty quản lý quỹ ưa thích do không cần phải tích cực tái cơ cấu danh mục, chi phí quản lý thấp. 

Đặc biệt với ETF nội địa, các nhà đầu tư trong nước có thể hưởng lợi từ các giao dịch hoán đổi do có khả năng mua trực tiếp cổ phiếu trên thị trường. Từ những thực tế về mức chênh lệch premium như trong tháng 1 vừa qua của quỹ Market Vectors Vietnam ETF, các quỹ ETF trong nước có thể góp phần tạo sôi động đáng kể cho thị trường. Đó là chưa kể dòng vốn nước ngoài thông qua quỹ ETF trong nước sẽ không bị giới hạn về tỉ lệ sở hữu.

Đã có những công ty quản lý quỹ đầu tiên “đánh tiếng” về khả năng thành lập ETF “nội” trong năm nay. Đại diện VinaWealth tiết lộ sẽ có quan tâm và sẽ dành thời gian thích đáng vào quý 3-4/2014, để nghiên cứu về khả năng triển khai ETF tại thị trường Việt Nam khi cho rằng việc ra đời quỹ ETF nội địa đầu tiên ở Việt Nam trong năm 2014 là khả thi, xét về mặt hệ thống kỹ thuật và sự chuẩn bị, sẵn sàng của các thành viên thị trường và tổ chức cung cấp dịch liên quan.

Những “tay chơi” cũ với thế lực mới

Đó chính là bộ phận lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại: hàng triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước đang hiện diện. Xét cho cùng, dòng vốn này mới là thế lực lớn nhất của thị trường. Tuy “lúc co lúc duỗi”, nhưng chỉ cần một “mồi lửa”, dòng vốn này có thể thổi bùng lên những đám cháy lớn.

Đã có rất nhiều phân tích chỉ ra rằng năm 2014, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư nổi lên mạnh mẽ nhất. Thực tế thì chứng khoán luôn luôn là một kênh đầu tư hút được dòng tiền lớn nhất, cho dù trong cả những thời điểm bi đát. Dòng tiền có thể ít giao dịch hàng ngày, nhưng vẫn nằm quan sát và thường trực tìm kiếm cơ hội.

Những phân tích vĩ mô về cơ hội 2014 đã được đề cập đến quá nhiều, nhưng từ một logic rất đời thường: Thúc đẩy thị trường chứng khoán phục hồi sẽ góp phần giải quyết được rất nhiều bế tắc hiện tại, từ thị trường bất động sản đến nợ xấu lẫn sự eo hẹp của dòng vốn vào sản xuất kinh doanh. 

Nói không đâu xa, thông điệp của Thủ tướng về việc buộc các ngân hàng đại chúng phải lên sàn chứng khoán hay như kế hoạch cổ phần hóa 500 tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước trong hai năm tới có triển vọng làm ngập lụt thị trường với lượng hàng hóa cực lớn. Để cân bằng lại với áp lực nay, không có cách gì khác là khuyến khích sức cầu trên thị trường tăng lên.

Chính vì vậy sẽ phải có hàng loạt giải pháp đẩy nhanh thu hút dòng vốn cả trong lẫn ngoài nước tham gia thị trường chứng khoán. Nới tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài, tung ra các sản phẩm mới, chuẩn bị cho sự tham gia của các hình thức đầu tư mới như quỹ mở, quỹ ETF… chính là nằm trong một kế hoạch dài hơi. 

Song song với những kế hoạch đó là sự tiến triển về kinh tế vĩ mô sẽ tạo niềm tin cho cộng động đầu tư. Nói cho cùng thì đồng tiền luôn phải tìm cách sinh lời. Sẽ là rất tự nhiên nếu dòng tiền tìm đến thị trường chứng khoán khi nhận thấy những cơ hội mới được nắm bắt và thúc đẩy từ cả hai phía: cơ quan quản lý lẫn nhà đầu tư.