13:51 24/05/2011

Chứng khoán: Bi hài thời “mò đáy”

Khánh Hà

Đủ mọi cung bậc cảm xúc đang hiện diện trong cộng đồng nhà đầu tư chứng khoán

Thị trường sụt giảm là cơ hội cho người cầm tiền.
Thị trường sụt giảm là cơ hội cho người cầm tiền.
Thị trường lao dốc đến hôm nay đã là phiên thứ 9 liên tục. Khác với các đợt sụt giảm trước đó, tốc độ rơi lần này nhanh khủng khiếp, khiến rất nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp.

Dạo quanh một vòng trên các diễn đàn chứng khoán, tâm trạng của một thời kỳ suy thoái lại hiện về rất rõ. Bối cảnh có thể khác nhau, nhưng diễn biến tâm lý thì vẫn vậy. Những biểu cảm đa dạng trong thời buổi chứng khoán teo tóp phản ánh đủ cung bậc bi hài.

Dễ nhận thấy nhất sự ức chế của những nhà đầu tư thua lỗ là phản ứng quay sang mắng mỏ cơ quan quản lý. Thậm chí có nhà đầu tư còn “sửa” những điều răn của Phật, với câu đầu tiên: “Kẻ thù lớn nhất của người buôn chứng là cơ quan quản lý”!

Ủy ban Chứng khoán một lần nữa lại bị lôi ra “xử” như một nguyên nhân khiến tài khoản của hàng ngàn nhà đầu tư bốc hơi 50-70%. Vẫn là cơ chế giao dịch mới hứa mãi không làm; cho phát hành cổ phiếu vô tội vạ; xử phạt làm giá, vi phạm công bố thông tin không nghiêm... Lần này cơ quan quản lý có thêm “tội” mới là để cho tình trạng méo mó của VN-Index kéo dài.

Yếu tố mới liên quan đến các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) đã tác động mạnh đến giá của một số cổ phiếu có tỉ trọng vốn hóa cao, từ đó góp phần kéo Index tăng dựng ngược một cách vô lý, hoặc dìm Index khiến cả thị trường hoảng sợ. Tuy nhiên, điều này cũng có tính hai mặt. Những người đầu cơ cổ phiếu thông thường bức xúc vì Index tăng mà giá trị danh mục giảm. Trong khi đó, những người khôn ngoan “đu” theo lối đánh mới lại hả hê.

Khi Ủy ban Chứng khoán đánh tiếng sửa cách tính chỉ số để bớt “méo mó” thì những nhà đầu tư đang ôm danh mục như BVH, MSN lại kêu than vì luật chơi thay đổi như đánh đố. Việc các mã vốn hóa lớn bị bán ra ồ ạt lại được đổ lỗi là do quỹ ngoại và nhà đầu tư lớn “chán” cung cách tổ chức luật chơi. Chung quy lại là lỗi của cơ quan quản lý!

Nhà đầu tư bức xúc, lo lắng, thậm chí hoảng sợ khi tiền bạc bốc hơi là điều dễ hiểu. Nhưng điều khó hiểu là không ít người cứ xem như cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm với túi tiền của mình, có trách nhiệm phải điều hành thế nào để chứng khoán chỉ được tăng chứ không được giảm!

Còn nhớ năm 2008, nhà đầu tư lũ lượt kéo nhau đến Ủy ban Chứng khoán “biểu tình”. Thú vị là họ đi cả ôtô xịn đến để kêu than. Không biết ôtô đó có phải mua được từ thời chứng khoán thăng hoa hay không?

Một biểu hiện nữa cũng thường thấy trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh là nhà nhà, người người hiến kế cứu thị trường. Có lẽ không ở đâu trên thế giới nhà đầu tư lại nhiệt huyết hiến kế như ở Việt Nam. Không rõ đường dây nóng của Ủy ban Chứng khoán có bị “cháy” vì các cuộc gọi đổ lỗi và hiến kế hay không, nhưng rõ ràng đó là những công việc vô ích. Có lẽ đa số kế được hiến mang tính vui đùa, giải trí là chính như lại thu hẹp biên độ, tạm dừng giao dịch, thậm chí là cấm công ty chứng khoán giải chấp dưới giá tham chiếu!

Trong giới đầu tư, thị trường sụt giảm cũng là lúc “ân oán giang hồ” được đem ra xử. Tội đồ là những “nick” phím hàng, hô hào mua để bây giờ người nghe theo “lãnh đạn”. Người thua lỗ thì chửi bới, nhiếc móc. Kẻ khôn không làm theo hoặc làm ngược lại thì cười khẩy mỉa mai.

Cách đây chừng vài tháng, một từ rất được ưa chuộng của những nhà đầu tư phím hàng mua vào là “mật lệnh”.  Hôm chứng khoán tăng thì nhảy ra “nổ” tung trời. Hôm giá giảm thì lặn mất tăm. Không biết mật lệnh đến từ thế lực nào, nhưng không ít người nghe theo, thậm chí cả người truyền lệnh cũng đã “vỡ mật”.

Các chuyên gia, nhà tư vấn của công ty chứng khoán cũng bị mắng thậm tệ không kém. Các bài phân tích ngày xưa được đem ra bàn nhậu. Chuyên gia thì bị gán cho đủ thứ hỗn danh. Đáng buồn là chuyên gia cũng chỉ là người, có lúc đúng lúc sai. Tính thời điểm của các nhận định mới là quan trọng. Không ít người đã phải thừa nhận sai lầm.

Một chuyên gia phân tích kỹ thuật nước ngoài nổi tiếng của một công ty chứng khoán, có bằng cấp “đỉnh” nhất tầm cỡ thế giới mà chỉ vài người đạt tới, được mời sang hàng tuần để tổ chức các buổi hội thảo hồi 2008-2009 cũng đã phải cúi đầu xin lỗi.

Cung bậc trầm hơn là những lời ai oán, kể khổ, than vãn về mức lỗ quá nặng. Hài kịch Táo quân cuối năm ngoái dài bao nhiêu cũng chỉ khiến nhà đầu tư nhớ được câu “xin đừng xát muối vào lòng em” với “hú hà... xót quá!”. Cách đây chừng hai tháng, một câu nói của nhà đầu tư được phỏng vấn trên truyền hình đã trở thành khẩu hiệu: “Em ơi chơi chứng làm gì cho chúng nó lừa”! Không biết ai đã lừa ai, hay chỉ có lòng tham quá độ để rồi chấp nhận lao vào mua cổ phiếu lúc giá đỉnh. Một câu nói rất hay có lẽ nhiều nhà đầu tư “dính” vào “nghiệp chứng” phải học thuộc: “Hãy tìm người ngốc nhất xung quanh bạn. Nếu không tìm được thì rất có thể kẻ đó chính là bạn”.

Hài hước nhất có lẽ là các topic làm thơ, vẽ tranh biếm họa, kể chuyện tiếu lâm. “Vô cùng thương tiếc báo tin: Thị trường chứng khoán Việt Nam. Tên thường gọi “sòng Hosino, Hasino” (nhái lại từ casino). Sinh năm 2000. Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù đã được các con nghiện chứng khoán tận tình cứu chữa nhưng do tuổi nhỏ sức yếu, lại bị bỏ bê nên đã từ trần hồi...”. Những câu chuyện như vậy không hiếm, có lẽ làm người cầm tiền cười nghiêng ngả, nhưng cũng là xát muối vào lòng những người đang kẹp hàng, tài khoản cháy!

Thị trường suy sụp nhưng vẫn có những người có thể cười vui. Đó là vẻ đẹp của thị trường với những người khôn ngoan, bình tĩnh vượt qua những lời hô hào vô căn cứ, những nhận định lạc quan quá mức.

Ngay trong những thời điểm thị trường hưng phấn, những lời cảnh báo ngược thường bị chỉ trích. Thị trường trong bối cảnh nào cũng vẫn có những người cầm tiền chờ cơ hội. Họ có quyền vui.