16:17 24/09/2010

Chứng khoán châu Á bất ngờ giảm điểm

An Huy

Đà tăng trong những phiên trước của thị trường chứng khoán châu Á đã bị đảo ngược vào ngày hôm nay

Tuần này đã là tuần tăng thứ 4 liên tục của chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, giới đầu tư tại khu vực vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng của kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Tuần này đã là tuần tăng thứ 4 liên tục của chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, giới đầu tư tại khu vực vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng của kinh tế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Đà tăng trong những phiên trước của thị trường chứng khoán châu Á đã bị đảo ngược vào ngày hôm nay. Giới đầu tư trong khu vực trở nên bi quan sau tin xấu về thị trường việc làm Mỹ công bố đêm trước, bất chấp tỷ giá đồng Yên hạ nhiệt trước tin đồn Tokyo có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Lúc 16h06 theo giờ Tokyo, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,6%, còn 124,8 điểm. Sự giảm điểm đã diễn ra tại nhiều thị trường chủ chốt ngay từ đầu ngày, trong đó thị trường Nhật có thời điểm giảm tới 1,6%. Thị trường chịu tác động bất lợi từ phiên đi xuống ở Phố Wall đêm trước và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần qua tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.

Sau đó, mức giảm điểm của chỉ số Nikkei 225 đã thu hẹp khi tỷ giá đồng Yên diễn biến theo chiều hướng giảm. Cuối giờ chiều nay, tỷ giá đồng Yên tại Tokyo giảm 0,5%, còn 84,87 Yên/USD so với mức 84,38 Yên/USD đóng cửa hôm qua tại New York.

Đồng Yên giảm giá do thị trường xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng Bộ Tài chính Nhật đã có đợt bán ra đồng Yên lần thứ hai để kéo tỷ giá xuống, nhằm hỗ trợ nền kinh tế hướng ra xuất khẩu đang gặp khó của nước này. Hôm 15/9 vừa qua, Tokyo đã có lần can thiệp vào thị trường ngoại hối lần đầu tiên sau 6 năm. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Yoshihiko Noda tuyên bố sẽ có thêm những biện pháp cứng rắn nếu cần thiết.

Tuy nhiên, đồng Yên giảm giá không cứu cổ phiếu các nhà xuất khẩu Nhật khỏi một phiên trượt mạnh. Cổ phiếu hãng máy ảnh Canon đóng cửa ngày giao dịch với mức giảm 1,7%, cổ phiếu tập đoàn sản xuất người máy Fanuc giảm 1,1%.

Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,1%, trong khi một số hàn thử biểu chủ chốt khác của khu vực tăng điểm nhẹ. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,3%, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,8%... Thị trường Australia mất điểm, với chỉ số S&P/ASX 200 giảm 0,7% do giá cổ phiếu khối hàng hóa cơ bản trượt dốc. Thị trường Trung Quốc đại lục hôm nay vẫn đóng cửa nghỉ lễ.

Tuần này đã là tuần tăng thứ 4 liên tục của chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, giới đầu tư tại khu vực vẫn đang duy trì quan điểm thận trọng về triển vọng của kinh tế toàn cầu.

Số liệu chứng tỏ sự phục hồi đầy chông gai của thị trường việc làm tại Mỹ, hay thống kê cho thấy khu vực sản xuất và dịch vụ của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm mạnh hơn dự báo, kinh tế Ireland tăng trưởng âm 1,2% trong quý 2… công bố ngày hôm qua là những lý do cho tâm lý thận trọng này.

Đêm nay, thị trường Phố Wall đón nhận một loạt dữ liệu quan trọng mới, bao gồm số đơn đặt mua hàng hóa lâu bền tháng 8 và doanh số bán nhà mới tháng 8. Theo dự báo, số đơn đặt hàng đã giảm 1,4% sau khi tăng 0,4% trong tháng 7, doanh số nhà bán đạt 300.000 căn so với mức 276.000 căn trong tháng trước.

Thị trường chứng khoán châu Âu lúc 16h chiều nay theo giờ Việt Nam giảm điểm nhẹ, với chỉ số Stoxx 50 giảm 0,3%, dù đã mở cửa ở xu thế tăng trước đó.

Cùng thời điểm, giá vàng giao ngay tại thị trường London tăng gần 5 USD/oz so với giá đóng cửa phiên trước tại New York, đạt mức kỷ lục mới trên 1.298 USD/oz. Trong nước, giá vàng tăng thêm khoảng 100.000 đồng so với buổi sáng, vượt mức 30,45 triệu đồng/lượng, cao chưa từng có trong lịch sử.