Chứng khoán châu Á cao kỷ lục, giá dầu đạt đỉnh hơn 1 năm
Tiến trình triển khai vaccine ngừa Covid-19 và kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của Mỹ tiếp tục là nhân tố “tiếp lửa” cho thị trường
Thị trường chứng khoán châu Á đạt mức kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (15/2), khi tiến trình triển khai vaccine Covid-19 trên toàn cầu làm dấy hy vọng về sự phục kinh tế nhanh chóng. Giá dầu thế giới cũng lập đỉnh mới trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Trung Đông.
Theo tin từ Reuters, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản - thước đo rộng nhất của chứng khoán khu vực - có lúc tăng 0,4%, đạt 736,4 điểm. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản có lúc tăng 1,1%, cho dù thống kê vừa công bố cho thấy tốc độ hồi phục của kinh tế Nhật yếu đi trong quý 4/2020.
Chỉ số ASX 200 của thị trường Australia tăng 0,9%. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc có lúc tăng 1,4%.
Một số thị trường khác ở khu vực châu Á, gồm Việt Nam, Trung Quốc và Hồng Kông đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chứng khoán Mỹ cũng đóng cửa ngày 15/2 để nghỉ lễ Tổng thống (Presidents Day).
Một trong những thông tin được giới đầu tư toàn cầu chờ đợi trong tuần này là biên bản cuộc họp tháng 1 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Vào ngày thứ Sáu, nhiều nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, sẽ công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ tháng 2.
Cũng trong tuần này, một số nền kinh tế lớn gồm Anh, Canada và Nhật Bản sẽ công bố dữ liệu lạm phát. Giới chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục ở mức thấp trong một thời gian nữa, nhưng theo Reuters, các giao dịch dựa trên kỳ vọng lạm phát trỗi dậy (reflation trade) đã tăng tốc trong những ngày gần đây. Nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào những giao dịch như vậy vì tin rằng vaccine Covid-19 và các biện pháp kích cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ giúp thúc đẩy sự hồi phục của kinh tế toàn cầu.
Vào cuối tuần vừa rồi, Thượng viện Mỹ đã tha bổng cựu Tổng thống Donald Trump trong phiên tòa xét xử luận tội về cáo buộc cho rằng ông kích động vụ tấn công vào tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Việc kết thúc cuộc luận tội ông Trump được cho là sẽ mở đường cho kế hoạch kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD của ông Biden sớm được thông qua.
"Theo quan điểm của chúng tôi, miễn sao lạm phát tăng chậm, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục diễn biến tích cực. Tuy nhiên, những biến động đột ngột của lạm phát chắc chắn sẽ ảnh hưởng bất lợi đến tâm lý của nhà đầu tư", ông Etsy Dwek, trưởng bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu của Natixis Investment Managers Solutions, phát biểu.
"Hàng hóa cơ bản sẽ là những tài sản hưởng lợi từ một chu kỳ lạm phát, nhưng sự phục hồi giá của những tài sản này vẫn có thể tiếp tục mà không gây tăng lạm phát lõi khi các nền kinh tế mở cửa trở lại và nhu cầu khởi sắc", ông Dwek nói.
Giá dầu thế giới sáng đầu tuần tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2020, nhờ kỳ vọng vào gói kích cầu của Mỹ và sự khởi sắc nhu cầu tiêu thụ năng lượng khi kinh tế hồi phục, cộng thêm căng thẳng ở Trung Đông - "vựa dầu" của thế giới.
Theo Reuters, đà tăng của giá dầu được đẩy mạnh sau khi một liên minh do Saudi Arabia hậu thuẫn trong cuộc nội chiến ở Yemen tuyên bố đã chặn thành công một thiết bị bay không người lái (drone) chở thiết bị nổ. Liên minh này nói rằng thiết bị bay đã được phóng bởi lực lượng Houthi thân Iran. Vụ việc làm dấy lên lo ngại về căng thẳng mới ở Trung Đông.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc tăng 1 USD/thùng so với đóng cửa tuần trước, đạt 63,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York có lúc tăng 1,2 USD/thùng, đạt 60,7 USD/thùng.
Tuần trước, giá của dầu Brent và dầu WTI đều tăng khoảng 5%.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của chứng khoán Mỹ cùng đóng cửa ở mức cao kỷ lục. Trong đó, S&P 500 tăng 0,5%,chốt ở 3.934,83 điểm và Nasdaq tăng 0,5%, đạt 14.095,47 điểm. Chỉ số Dow Jones tăng 0,1%, đạt 31.458,4 điểm.