Chứng khoán châu Á mất sạch thành quả tăng từ đầu năm vì nỗi lo Fed nâng lãi suất
Sắc đỏ phủ khắp các sàn chứng khoán chủ chốt ở châu Á trong phiên ngày thứ Năm (13/5)...
Thị trường chứng khoán châu Á trượt xuống mức thấp nhất 7 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (13/5), sau khi báo cáo CPI gây sốc của Mỹ thổi bùng nỗi lo rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm nâng lãi suất.
Trước đó, cũng chính nỗi lo này đã nhấn chìm thị trường Phố Wall và đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh trong phiên ngày thứ Tư.
“Lạm phát cao chắc chắn là một điều bất lợi đối với giá cổ phiếu, xét đến khả năng lãi suất tăng”, chiến lược gia vĩ mô Alan Ruskin của Deutsche Bank nhận định với hãng tin Reuters. “Lạm phát, nhất là lạm phát tiền lương, càng chiếm phần nhiều trong tăng trưởng GDP danh nghĩa, thì tỷ suất lợi nhuận càng bị siết lại. Điều này sẽ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh hơn, nghiêng về khả năng khó tăng hơn”.
Vào đầu giờ chiều theo giờ Việt Nam, chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm thị trường Nhật Bản giảm 0,9%.
Trước đó trong phiên sáng, chỉ số này có lúc giảm 1,5%, nâng tổng mức giảm kể từ đỉnh thiết lập hôm 17/2 lên 10% - đáp ứng định nghĩa điều chỉnh kỹ thuật (technical correction), đồng thời xoá sạch thành quả tăng từ đầu năm.
Chứng khoán châu Á chịu áp lực giảm điểm trong tuần này, trong bối cảnh giới đầu tư lo ngại vấn đề lạm phát và cổ phiếu công nghệ bị bán tháo ở Phố Wall. Phiên ngày thứ Tư, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mạnh nhất 13 năm, ba chỉ số chứng khoán chính của nước này đồng loạt giảm từ 2-2,7%.
Mặc sự trấn an của Fed từ trước tới nay rằng lạm phát tăng mạnh chỉ là tạm thời, giới đầu tư và phân tích bắt đầu bàn về khả năng ngân hàng trung ương này tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Trong cuộc họp tháng 4, Fed dự báo sớm nhất đến năm 2024 mới nâng lãi suất, nhưng thị trường cho rằng dự báo này không còn phù hợp với tình hình lạm phát hiện nay.
“Nếu báo cáo việc làm tháng 5 mang tới những con số rất mạnh, thì Fed có thể bắt đầu bàn đến thắt chặt chính sách tại cuộc họp tháng 6. Chúng tôi tin Fed sẽ bắt đầu thu hẹp chương trình mua tài sản vào đầu năm tới”, chuyên gia kinh tế Michael S. Hánon của JPMorgan nhận định.
Theo Reuters, các nhà đầu tư đang đặt cược khả năng 80% Fed nâng lãi suất sớm nhất vào tháng 12 năm 2021.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm trong phiên châu Á ổn định quanh ngưỡng 1,68%. Đêm qua, lợi suất này tăng 7 điểm cơ bản, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất trong 2 tháng, phản ánh kỳ vọng lạm phát lên cao.
Lợi suất trái phiếu tăng giúp đồng USD hồi phục mạnh. Chỉ số Dollar Index hiện đang dao động quanh ngưỡng 90,4 điểm, thoát khỏi vùng đánh 10 tuần là 90 điểm thiết lập hôm thứ Tư.
Tương tự như ở Phố Wall, bị bán mạnh nhất ở châu Á phiên này là các nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông.
“Thị trường cần phản ánh vào giá tài sản một môi trường lãi suất bình thường hơn, một môi trường lạm phát bình thường hơn”, ông Ken Peng, trưởng bộ phận chiến lược châu Á thuộc mảng ngân hàng phục vụ tư nhân của Citigroup, phát biểu. “Biến động thị trường có thể tiếp diễn thêm một thời gian. Tuy nhiên, tôi không quá lo ngại, vì một khi lãi suất trở lại bình thường, tăng trưởng kinh tế sẽ trở lại vị trí quan trọng nhất trong các yếu tố tác động đến giá cổ phiếu”.
Sắc đỏ phủ khắp các sàn chứng khoán chủ chốt ở châu Á trong phiên ngày thứ Năm.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản đóng cửa với mức giảm gần 2,5%. Shanghai Composite Index của Trung Quốc đại lục mất gần 1% điểm số, trong khi Hang Seng của Hồng Kông trượt hơn 1,8%. Chứng khoán Australia giảm 0,9%, và thị trường Hàn Quốc giảm gần 1%.
Một số thị trường, gồm Singapore, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Philippines đóng cửa nghỉ lễ.
Sau phiên bán tháo ngày thứ Tư, thị trường chứng khoán Đài Loan tiếp tục giảm điểm phiên này, với chỉ số Taiex trượt gần 1,5%.