03:48 03/08/2010

Chứng khoán lo ngại mất cân đối cung - tiền

Minh Đức

Không phải lo ngại này giờ mới đặt ra, nhưng nó đang nổi bật và là một nguyên nhân chính khiến thị trường khó khăn kéo dài

Có một chuyển động mới đã bắt đầu xuất hiện: cuối tuần qua đến đầu tuần này, một loạt tổ chức, cá nhân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào thay vì chủ yếu chỉ đăng ký bán ra áp đảo suốt những tháng qua.
Có một chuyển động mới đã bắt đầu xuất hiện: cuối tuần qua đến đầu tuần này, một loạt tổ chức, cá nhân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào thay vì chủ yếu chỉ đăng ký bán ra áp đảo suốt những tháng qua.
Không phải sự lo ngại này giờ mới được đặt ra, nhưng nó đang trở nên nổi bật và là một nguyên nhân chính khiến thị trường khó khăn kéo dài. Sự mất cân đối đó cũng đang được lượng hóa ở những con số đáng chú ý.

Hết quý 2 rồi hết tháng 7, những kỳ vọng về sự bứt phá của VN-Index khỏi giải biên độ hẹp đã không diễn ra. Chỉ số lình xình quanh mốc 500 điểm, quy mô giao dịch liên tục ở trạng thái thấp. Trong hơn một năm qua, kể từ khi phục hồi sau khủng hoảng, thị trường mới trải qua kỳ khó khăn kéo dài đến nhàm chán như vậy.

Lúc này nhìn lại, một số công ty chứng khoán lý giải rằng: sự mất cân đối giữa nguồn cung mới, sự “pha loãng” của các công ty niêm yết với năng lực của nguồn tiền là một trong những nguyên nhân căn bản nhất của sự khó khăn đó.

Trước một nguồn cung quá lớn

Cuối tuần qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) công bố bản báo cáo cập nhật về lượng hàng tiềm năng tại đầu mối này trong thời gian tới. Hơn 1,3 tỷ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ là con số thu hút sự chú ý của giới đầu tư, dù nó không phải “trên trời rơi xuống”.

Thực tế, câu chuyện áp lực từ nguồn cung mới, từ tốc độ tăng vốn và “pha loãng” quá nhanh đã có trong quan ngại của nhà đầu tư những năm gần đây. Thậm chí một số ý kiến cho rằng chính các đầu mối của sự “pha loãng” đó đang phải trả giá khi thị trường khó khăn kéo dài…

Còn trong bản phân tích đầu tư vừa cập nhật, nhà môi giới số 1 trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, Công ty Cổ phần Chứng khoán Thăng Long (TLS), nhấn mạnh rằng: “Những quan ngại về nguồn cung quá lớn đang đè nặng khiến thị trường chưa bứt phá”.

Số liệu từ TLS cho thấy, bên cạnh 17.000 tỷ đồng cổ phiếu được chấp thuận phát hành mới riêng trong quý 1/2010 (tính trên mệnh giá) và 300 công ty dự định sẽ phát hành thêm (trên tổng số khoảng 550 công ty niêm yết trên cả 2 sàn), qua thống kê nhanh, từ nay đến cuối năm, chỉ riêng sàn HOSE có khả năng sẽ tiếp nhận thêm 1,3 tỷ cổ phiếu và chứng chỉ quỹ chuẩn bị niêm yết. Nếu chỉ giao dịch gấp 2 lần mệnh giá thì giá trị vốn hóa của nhóm này đã lên tới 26.000 tỷ đồng. Và theo TLS, đây có thể là một áp lực không nhỏ lên VN-Index.

Một nhà môi giới hàng đầu khác, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng nhìn về áp lực trên với nhận định: “Gần đây, sự e ngại luồng tiền bị rút đi bởi các đợt tăng vốn trong nửa cuối năm đã có những tác động đến tâm lý nói chung của nhà đầu tư. Ước tính sẽ có từ 60 đến 80 nghìn tỷ đồng cần để tăng vốn cho các công ty. Ảnh hưởng của luồng tiền bị rút đi và hiệu ứng pha loãng cổ phiếu sẽ là một trở ngại không nhỏ cho những nỗ lực thúc đẩy thị trường trong một vài tháng tới”.

Trong hai ngày 2 và 3/8, Công ty Cổ phần Chứng khoán SME (SMES) tổ chức hai buổi hội thảo về triển vọng thị trường và kinh nghiệm đầu tư. “Hàng - Tiền tiếp tục không cân đối” là một chủ đề được công ty này đưa ra thảo luận.

Theo SMES, trong năm 2009, khi tăng trưởng tín dụng đạt 38% thì hầu như chỉ đếm được trên lòng bàn tay số doanh nghiệp mới niêm yết. Chia tách cổ phiếu cũng hạn chế; thay vào đó là xu hướng mua cổ phiếu quỹ nên lực cầu mạnh, hỗ trợ rất tốt thị trường. Nhưng nay, bất chấp cảnh báo áp lực về nguồn cung cổ phiếu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục các kế hoạch niêm yết và phát hành thêm ồ ạt.

“Chúng tôi không lạc quan về khả năng thị trường bứt phá như năm 2009, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi dòng tiền không được cải thiện hoặc có dấu hiệu suy yếu”, SMES đưa ra quan điểm.

Chờ đợi sự cân đối…

Trước áp lực nguồn cung trên, câu hỏi thông thường được đặt ra: Dòng tiền tìm sự cân đối ở đâu?

Một dòng chảy ủng hộ miệt mài suốt 20 tuần qua là hoạt động mua ròng của khối đầu tư nước ngoài. Theo thống kê của TLS, cho đến tuần trước, khối này đã có 20 tuần mua ròng liên tiếp trên sàn HOSE với tổng giá trị mua ròng đạt hơn 6.200 tỷ đồng, bình quân khoảng hơn 60 tỷ/phiên. Và họ là một nhân tố quan trọng giữ cho thị trường đi ngang trong thời gian qua chứ không bị giảm sâu.

Thế nhưng, sang đến tuần vừa qua, sự hỗ trợ từ phía nhà đầu tư nước ngoài đã giảm mạnh khi họ đã bán ròng hơn 20 tỷ đồng trên sàn HOSE. TLS nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mua vào từ phía khối ngoại có thể do sự giảm xếp hạng tín dụng của Fitch đối với Việt Nam. Tổ chức này đã hạ Việt Nam từ mức BB- xuống còn B+ trước những quan ngại về nợ nước ngoài, sự đô la hóa nền kinh tế và sự suy yếu của hệ thống ngân hàng.

Diễn biến trên cũng được ghi nhận trong bản báo cáo mới của SSI. Xu hướng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm rõ rệt vào nửa cuối tháng 7. Những quỹ đầu tư mới của nước ngoài đã gần hoàn tất việc giải ngân và sức mua của họ đã giảm nhiều.

Trước mắt, để tìm sự bù đắp, SSI cho rằng thị trường trong tháng 8 phải trông chờ vào những nhà đầu tư nước ngoài mới, đặc biệt là vào nửa cuối tháng 8. Nếu điều này thực sự xảy ra, lực cầu trong nước sẽ có thêm chỗ dựa.

Với nhà đầu tư trong nước, một mối liên hệ được SMES đặt ra, gắn với thực tế và triển vọng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng. Theo đó, SMES nhận định, trong điều kiện mặt bằng tăng trưởng tín dụng đồng nội tệ hiện nay chưa bằng 50% cùng kỳ năm 2009, thị trường đang nghiêng mạnh về “cung”. Thậm chí nếu Ngân hàng Nhà nước nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ, nguồn tiền mới chưa chắc đã hấp thụ hết được nguồn cung giá “rẻ” hiện nay, chưa kể đến rào cản của việc tăng hệ số an toàn CAR của ngân hàng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới dòng tiền chảy vào thị trường cổ phiếu.

“Chúng tôi không lạc quan về khả năng thị trường bứt phá như năm 2009, đồng thời khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng khi dòng tiền không được cải thiện hoặc có dấu hiệu suy yếu”, báo cáo của SMES khuyến nghị.

Trong quá khứ, thị trường từng trải qua nhiều thời điểm khó khăn và không ít lần câu hỏi về sức mạnh của dòng tiền được đặt ra. Và cũng không ít lần thị trường cho thấy một sự bùng nổ nhanh chóng khi sự dồn nén được giải tỏa.

Trước mắt, khó lượng hóa nguồn năng lượng canh sàn thường trực, cũng như sự linh hoạt bắt nhịp của các dòng tiền năng động sẵn sàng dịch chuyển từ các kênh đầu tư khác.

Còn thực tế trên sàn, có một chuyển động mới đã bắt đầu xuất hiện: cuối tuần qua đến đầu tuần này, một loạt tổ chức, cá nhân liên quan đến lãnh đạo doanh nghiệp đã đăng ký mua vào thay vì chủ yếu chỉ đăng ký bán ra áp đảo suốt những tháng qua…