07:37 22/04/2025

Chứng khoán Mỹ bán tháo khi ông Trump “tấn công” Chủ tịch Fed, giá dầu sụt 2,5%

Bình Minh

Ngoài ra, giới đầu tư thêm phần bất an khi các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu chưa có tín hiệu dịch chuyển mới nào...

Một nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York hôm 14/4 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York hôm 14/4 - Ảnh: Getty/CNBC.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (21/4), khi Tổng thống Donald Trump tiếp tục có những lời chỉ trích nhằm vào Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, gây ra mối lo ngại lớn về sự độc lập của ngân hàng trung ương này. Ngoài ra, giới đầu tư thêm phần bất an khi các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu chưa có tín hiệu dịch chuyển mới nào.

Giá dầu thô cũng giảm mạnh vì triển vọng tăng trưởng kinh tế bấp bênh và cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran có tiến bộ.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 971,82 điểm, tương đương giảm 2,48%, còn 38.170,41 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,36%, còn 5.158,2 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,55%, còn 15.870,9 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn Magnificent 7 bị bán đặc biệt mạnh, gây áp lực giảm lớn lên các chỉ số do tỷ trọng vốn hóa lớn. Tesla và Nvidia ghi nhận mức giảm tương ứng 5,8% và hơn 4%. Amazon và Meta Platforms mất 3% giá trị. Alphabet và Microsoft cùng ghi nhận mức giảm 2,3%, trong khi Apple giảm hơn 1,9%.

Tâm trạng bi quan phủ bóng lên thị trường ngay từ đầu phiên giao dịch, sau khi ông Trump có một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trừ phi ông Powell hạ lãi suất ngay lập tức. Trong bài đăng này, ông Trump gọi ông Powell là “quý ông quá chậm chạm”, “kẻ thất bại”. Mới tuần trước, ông Trump cũng kêu gọi Fed hạ lãi suất, thậm chí phát tín hiệu muốn sa thải ông Powell - một nước đi mà cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hasset hôm thứ Sáu nói rằng ê-kip của Tổng thống đang nghiên cứu.

Những phát ngôn này từ phía chính quyền khiến nhà đầu tư lo lắng về sự độc lập của Fed trong hoạch định chính sách tiền tệ và về triển vọng của các tài sản Mỹ.

Ông Powell là “một bàn tay chắc chắn, một người có uy tín, một sự ổn định trong thế giới bất định. Ông ấy mang tới sự an tâm cho thị trường, điều mà mọi người có thể dựa vào giữa lúc tất cả những hỗn độn này đang diễn ra”, nhà quản lý danh mục cấp cao Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth nhận định với hãng tin Reuters.

“Có một điều đang trở nên rất rõ ràng là sự căng thẳng âm ỉ giữa Fed và chính quyền. Chúng ta đang ở trong một tình cảnh tương tự như thời đại dịch Covid. Sự bất định khiến thương mại bị đảo lộn… Tôi cho rằng hầu hết mọi người đang kỳ vọng rốt cục sẽ có một dạng kích cầu nào đó để bù lại tác động của thuế quan”, trưởng chiến lược Michael Green của công ty Simplify Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.

Đàm phán thương mại giữa Mỹ với các đối tác dường như đang “dậm chân tại chỗ” và điều này cũng khiến nhà đầu tư lo lắng. Căng thẳng vẫn ở mức cao khi Trung Quốc cảnh báo các quốc gia không nên ký một thỏa thuận với Mỹ mà gây tổn hại cho lợi ích của Bắc Kinh.

Kể từ khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4 đến nay, S&P 500 đã giảm 9%, Nasdaq sụt gần 10% và Dow Jones trượt 9,6%.

“Chúng tôi thực sự đang nghĩ rằng đây là một môi trường khó đoán định, bởi không biết thuế quan rồi sẽ như thế nào. Thị trường đang cố gắng tìm một hướng đi, nhưng không thể đưa ra kết luận”, chiến lược gia cấp cao Robert Haworth của ngân hàng đầu tư US Bank nói với CNBC. “Nếu sự bấp bênh này tiếp tục kéo dài trong nhiều quý, đó sẽ là thách thức lớn đối với lợi nhuận và việc ra quyết định của các công ty”.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,7 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, chốt ở 66,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,6 USD/thùng, tương đương giảm 2,5%, chốt ở 63,08 USD/thùng.

Hôm thứ Năm tuần trước, giá dầu Brent tăng 3,2% và giá dầu WTI tăng hơn 3,5%. Ngày thứ Sáu, các thị trường ở Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh.

Gây áp lực giảm lên giá dầu, ngoài chiến tranh thương mại và triển vọng kinh tế ảm đạm, còn có tin tốt về đàm phán hạt nhân Mỹ - Iran.

“Đàm phán giữa Mỹ và Iran có vẻ đang diễn ra tích cực, cho phép mọi người nghĩ đến khả năng đạt một giải pháp. Ảnh hưởng tức thì sẽ là nguồn cung dầu Iran ra thị trường toàn cầu sẽ không bị gián đoạn”, trưởng nghiên cứu Harry Tchilinguirian của công ty Onyx Capital Group nhận định với Reuters.

Ngoại trưởng Iran cho biết nước này và Mỹ đã nhất trí về việc bắt đầu vạch ra một khuôn khổ cho thỏa thuận hạt nhân tiềm tàng giữa hai nước. Trước đó, hai bên đã có các cuộc thảo luận mà giới chức Mỹ mô tả là mang lại “tiến bộ rất tốt đẹp”.

“Xu hướng lớn của giá dầu vẫng đang nghiêng về giảm, và nhà đầu tư có thể sẽ khó tìm thấy căn cứ thuyết phục để cho rằng triển vọng cung - cầu dầu sẽ cải thiện, nhất là khi thuế quan gây áp lực lên kinh tế toàn cầu mà nguồn cung dầu tư OPEC+ lại tăng lên”, chiến lược gia Yeap Jun Rong của công ty IG nói với Reuters.

OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga, sẽ tăng sản lượng khai thác dầu 411.000 thùng/ngày từ tháng 5.

Theo một cuộc khảo sát của Reuters vào hôm 17/4, giới đầu tư tin rằng chính sách thuế quan sẽ khiến kinh tế Mỹ giảm tốc mạnh trong năm tới, với khả năng suy thoái xảy ra trong 12 tháng tới lên tới gần 50%. Mỹ là nước tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc - nước đang ở trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ - là nước nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.

Theo ông Yeap, với bối cảnh như hiện nay, mốc 70 USD/thùng đang là ngưỡng kháng cự mạnh đối với giá dầu.