Chứng khoán Mỹ bật tăng, giá dầu lao dốc do tin về Iran, Bitcoin đi lên
Dow Jones tăng hơn 1%, giá dầu giảm hơn 2%, giá Bitcoin duy trì tăng nhẹ ở vùng đỉnh của 1 tháng...
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (8/2), khi nhà đầu tư đón nhận thêm loạt báo cáo kết quả kinh doanh và đợi dữ liệu lạm phát quan trọng sắp công bố trong tuần này. Giá dầu thô trượt khỏi mức đỉnh của hơn 7 năm do tin tốt về cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ-Iran. Giá tiền ảo Bitcoin biến động chậm, giữ xu thế “xanh” nhẹ.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 371,65 điểm, tương đương tăng 1,06%, đạt 35.462,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,84%, đạt 4.521,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,28%, đạt 14.194,45 điểm.
Báo cáo tài chính tiếp tục là nhân tố chính chi phối thị trường phiên này. Cổ phiếu Harley-Davidson tăng hơn 15% sau khi hãng mô-tô phân khối lớn công bố lợi nhuận gây bất ngờ trong quý 4/2021.
Cổ phiếu hãng thẻ American Express tăng 3,3%; ngân hàng JPMorgan Chase tăng 1,9%, tạo ra cú huých quan trọng cho Dow Jones.
“S&P 500 hồi phục khi Phố Wall chuyển sang gom mua các nhóm cổ phiếu vật tư, công nghệ và tài chính”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định. “Giờ đây, khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh đã đi qua giai đoạn gây thất vọng và nhà đầu tư chuẩn bị đón một báo cáo lạm phát quan trọng, sự dịch chuyển nhu cầu giữa các nhóm cổ phiếu có thể sẽ tiếp tục. Phiên hôm nay, các nhà giao dịch đang tìm kiếm giá trị trong cổ phiếu công nghệ và mua cả cổ phiếu tài chính trong lúc lợi suất trái phiếu trên toàn cầu vẫn tăng đều”.
Sự tăng điểm diễn ra trên diện rộng trong phiên này, với số cổ phiếu tăng giá trong S&P 500 nhiều gấp hơn 2 lần so với số cổ phiếu giảm giá. Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hoá nhỏ cũng tăng hơn 1,6%.
Thị trường đang hồi hộp chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phản ứng như thế nào với áp lực lạm phát ngày càng lớn. Bởi vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Năm tuần này sẽ là báo cáo quan trọng nhất của tuần. Theo dự báo, CPI tháng 1 của Mỹ tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất trong khoảng 40 năm.
Sau khi đạt mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu vào hôm thứ Hai, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tiếp tục đi lên đỉnh mới trong phiên ngày thứ Ba. Trong phiên, có lúc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 1,97%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2019.
“Giá cổ phiếu nhiều khả năng sẽ chững lại trước khi báo cáo CPI được công bố vào ngày thứ Năm. Tôi nhận thấy một tín hiệu tích cực từ việc thị trường đang hấp thụ khá tốt sự leo thang của lợi suất trái phiếu dài hạn”, chiến lược gia Angelo Kourkafas của Edward Jones nhận định. “Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang bị giằng co giữa một bên là các yếu tố nền tảng thuận lợi về lợi nhuận doanh nghiệp và kinh tế, với một bên là chính sách tiền tệ thắt lại”.
Cổ phiếu Pfizer giảm 2,8% sau khi hãng dược khổng lồ công bố doanh thu quý 4 thấp hơn dự báo.
Tính đến phiên này, đã có khoảng 300 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo tài chính quý 4, với 77% vượt dự báo về lợi nhuận và 75% vượt dự báo về doanh thu – theo dữ liệu của FactSet. Tuy nhiên, kết quả này chưa đủ để đưa chứng khoán Mỹ lấp đầy được sự mất mát do cú lao dốc của tháng 1 gây ra.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,91 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 90,78 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,96 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 89,36 USD/thùng.
Hôm thứ Hai, giá dầu Brent có lúc đạt 94 USD/thùng, cao nhất từ tháng 10/2014. Hôm thứ Sáu, giá dầu WTI có lúc đạt 93,17 USD/thùng, cao nhất từ tháng 9/2014.
Giá dầu tụt khỏi các đỉnh giá trên sau khi có những tín hiệu cho thấy cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran có thể khôi phục thoả thuận hạt nhân, cho phép quốc gia vùng Vịnh tăng cường xuất khẩu dầu. Theo hãng tin Reuters, một thoả thuận có thể đưa 1 triệu thùng dầu từ Iran trở lại thị trường mỗi ngày, tăng nguồn cung dầu toàn cầu thêm 1%.
“Chính phủ Mỹ đang cố gắng kiềm chế sự tăng giá của dầu bằng cách đàm phán gấp một thoả thuận hạt nhân mới với Iran”, nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy phát biểu. Bà Dickson nói rằng bất kỳ thoả thuận hạt nhân với Iran cũng có thể giải phóng nguồn cung dầu từ nước này trong vòng 4-6 tháng, thậm chí nhanh hơn bởi Iran có thể đã có sẵn một lượng dầu dự trữ lớn.
“Xuất khẩu dầu của Iran có thể nối lại rất nhanh nếu các bên đạt một thoả thuận hạt nhân. Nhưng đó là một chữ ‘nếu’ lớn. Sự trở lại của nguồn cung dầu từ Iran mới chỉ là một khả năng ở thời điểm này”, nhà phân tích Tamas Varga của PVM Oil phát biểu.
Sản lượng dầu thô của Mỹ cũng đang có chiều hướng tăng nhanh. Theo một báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, sản lượng dầu của nước này sẽ đạt 12 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và 12,6 triệu thùng/ngày trong năm 2023, từ mức 11,2 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Kỷ lục cũ về sản lượng dầu của Mỹ là 12,3 triệu thùng/ngày thiết lập vào năm 2019.
Trên thị trường tiền ảo, giá Bitcoin giữ đà tăng nhẹ sau khi bật tăng mạnh vào cuối tuần trước, duy trì ở vùng đỉnh của 1 tháng. Lúc gần 7h sáng nay (9/2) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở 44.114 USD, tăng gần 0,5% so với thời điểm cách đó 24 tiếng.