Chứng khoán Mỹ đảo chiều và xanh rực, giá dầu tụt mốc 100 USD/thùng, Bitcoin tăng
Nhà đầu tư đã lao vào bắt đáy một số cổ phiếu công nghệ lớn trong phiên giao dịch đầy biến động này...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm (24/2), đảo ngược sự giảm điểm chóng mặt vào đầu phiên, khi nhà đầu tư bớt lo về ảnh hưởng của việc Nga tấn công Ukraine. Giá dầu thô quay đầu đi xuống, không giữ được mức giá 100 USD/thùng, trong khi giá Bitcoin chuyển “xanh”.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 1,5%, đạt 4.288,7 điểm. Trước đó trong phiên, nỗi lo về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến chỉ số này giảm hơn 2,6%.
Chỉ số Dow Jones tăng 92,07 điểm, chốt ở 33.233,83 điểm, dù trong phiên có lúc giảm 859 điểm.
Chỉ số Nasdaq tăng gần 3,3%, chốt ở 13.473,59 điểm, sau khi có thời điểm giảm gần 3,5%.
Bất chấp sự đảo chiều ngoạn mục này, S&P 500 hiện vẫn đang ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market) – thấp hơn 10% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào hôm 3/1.
Nasdaq có lúc rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong phiên ngày thứ Năm – giảm hơn 20% so với mức kỷ lục thiết lập vào tháng 11 – nhưng đã thoát khỏi trạng thái này khi kết thúc phiên giao dịch. Dù vậy, Nasdaq hiện vẫn thấp hơn khoảng 16% so với kỷ lục mọi thời đại.
Nhà đầu tư đã lao vào bắt đáy một số cổ phiếu công nghệ lớn trong phiên giao dịch đầy biến động này. Amazon, Netflix, Alphabet và Microsoft đều đóng cửa trong sắc xanh rực rỡ, đảo ngược sự giảm mạnh vào đầu phiên. Netflix tăng 6,1%; Microsoft tăng 5,1%; Alphabet và Meta tăng tương ứng 4% và 4,6%.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một bài phát biểu về hành động quân sự của Nga ở Ukraine, tuyên bố Mỹ sẽ áp một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm cô lập Nga khỏi nền kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, Washington cũng bổ sung thêm quân đồn trú ở Đức nhằm giúp các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) củng cố phòng thủ.
“Ngày hôm nay, tôi đã phê chuẩn thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và đưa ra những giới hạn mới về những gì có thể bán cho Nga”, ông Biden nói. “Việc này sẽ đặt ra tổn thất lớn cho nền kinh tế Nga trong cả ngắn hạn và dài hạn”.
Trong khi đó, Tổng thống Nga ngày 24/2 nói rằng “Nga vẫn là một phần của nền kinh tế thế giới. Chúng tôi sẽ không gây hại cho hệ thống kinh tế thế giới, chúng tôi là một phần của kinh tế thế giới chừng nào còn như vậy”.
Ông Putin hạ lệnh tấn công Ukraine vào sáng sớm ngày 24/2 theo giờ Nga. NATO, liên minh quân sự hùng mạnh nhất thế giới, dự kiến sẽ củng cố hiện diện ở vùng phía Đông của liên minh nhằm ứng phó với hành động này của Moscow.
Việc Nga tấn công “thực sự nằm ngoài kịch bản chính của thị trường. Tôi cho rằng thị trường có thể giảm thêm 5-6%, xuống gần ngưỡng thị trường đầu cơ giá xuống”, chiến lược gia trưởng Binky Chadha của Deutsche Bank nhận định với NCBC.
Giá dầu tụt khỏi đỉnh khi chứng khoán hồi phục.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,24 USD/thùng, tương đương tăng 2,3%, chốt ở 99,08 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu Brent đạt 105,79 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, chốt ở 92,81 USD/thùng. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 100,54 USD/thùng.
Đây là phiên đầu tiên giá giá dầu đạt 100 USD/thùng kể từ năm 2014.
Phục hồi cùng giá cổ phiếu, giá tiền ảo Bitcoin đảo ngược xu thế giảm trước đó. Lúc hơn 7h sáng nay (25/2) theo giờ Việt Nam, giá Bitcoin theo dữ liệu từ Coinmarketcap.com tăng gần 3% so với cách đó 24 tiếng, đạt khoảng 38.320 USD.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục ở dưới mức 2% do nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn.
Chỉ số CBOE VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall tăng vọt lên mức 37 điểm trong phiên này, mức cao nhất từ đầu năm. Khi đóng cửa, chỉ số giảm về khoảng 30 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Âu đã có một phiên bán tháo mạnh mẽ, với chỉ số Stoxx 600 của khu vực giảm hơn 3%, xuống mức thấp nhất từ đầu năm. VanEck Russia ETF, một quỹ chuyên đầu tư cổ phiếu các công ty hàng đầu Nga, sụt 19%.
“Cuộc khủng hoảng này tiếp diễn như thế nào sẽ là nhân tố quyết định mức độ ảnh hưởng đến lạm phát, điều kiện tài chính và tăng trưởng kinh tế”, chuyên gia Dennis DeBusschere của 22V Research phát biểu.
Bên cạnh căng thẳng địa chính trị, chứng khoán Mỹ gần đây còn đương đầu với áp lực giảm từ mức lạm phát cao nhất 4 thập kỷ. Thị trường đang lo về chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, với tình hình Nga-Ukraine căng thẳng như hiện nay, giới đầu tư không cho rằng Fed sẽ mạnh tay khi bắt đầu nâng lãi suất vào tháng 3. Mức đặt cược vào một bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3 hiện giảm còn 13,3%, theo dữ liệu từ CME FedWatch Tool.