Chứng khoán Mỹ đi xuống vì cổ phiếu Facebook, Twitter
Ngoài ra, những mối lo về chiến tranh thương mại cũng tiếp tục phủ bóng lên tâm trạng của các nhà đầu tư
Chỉ số Nasdaq của thị trường chứng khoán Mỹ giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư do sự sụt giá của một số cổ phiếu công nghệ lớn, khi các nhà điều hành của hai mạng xã hội hàng đầu thế giới là Facebook và Twitter ra điều trần trước Quốc hội Mỹ để bảo vệ công ty của họ trước sự hoài nghi của các nghị sỹ.
Theo hãng tin Reuters, cổ phiếu công nghệ càng chịu áp lực giảm giá khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố sẽ gặp chưởng lý các tiểu bang để bàn về mối lo rằng các nền tảng mạng xã hội có thể "cố tình cản trở việc tự do trao đổi ý kiến". Tuy nhiên, hai cái tên Facebook và Twitter không được đề cập cụ thể trong tuyên bố này.
Giá cổ phiếu Twitter sụt 6,1% và cổ phiếu Facebook giảm 2,3%, trở thành hai "thủ phạm" chính kéo tụt cả Nasdaq lẫn S&P 500. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng nhẹ khi kết thúc phiên giao dịch.
Cổ phiếu của các hãng công nghệ lớn khác như Alphabet, Snap và Microsoft cũng chốt phiên trong sắc đỏ. Ở nhóm cổ phiếu tiêu dùng, giới đầu tư cũng bán mạnh cổ phiếu của Amazon và Netflix, hai thành viên của nhóm cổ phiếu FAANG đình đám.
Công nghệ và tiêu dùng là hai nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số S&P 500. Phiên này, nhóm công nghệ giảm 1,5% và nhóm tiêu dùng giảm 1,1%.
"Đây đều là những công ty rất lớn, và họ đang bị ‘soi’ bởi các cơ quan chức năng và các nhà lập pháp. Họ là những người dẫn đầu thị trường, nhưng cũng đi kèm những rủi ro tiềm ẩn", ông John Carey, Giám đốc công ty Amundi Pioneer Asset Management ở Boston, nhận định.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 0,09%, đạt 25.974,99 điểm. S&P 500 giảm 0,28%, còn 2.888,6 điểm. Nasdaq giảm 1,2%, còn 7.995,17 điểm.
Một "thủ phạm" khác khiến S&P 500 giảm điểm phiên này là cổ phiếu năng lượng.
Cổ phiếu Halliburton lao dốc gần 6% sau khi công ty dịch vụ mỏ dầu cảnh báo lợi nhuận quý 3 có thể chịu tác động tiêu cực của hoạt động giảm xuống ở mỏ dầu Permian Basin thuộc bang Texas của Mỹ. Cổ phiếu của hai công ty dịch vụ mỏ dầu khác là Schlumberger và Baker Hughes giảm tương ứng 1,5% và 2,2%.
Giữa lúc những mối lo về chiến tranh thương mại vẫn còn lơ lửng, dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức cao nhất 5 tháng. Giới chuyên gia kinh tế nói ràng điều này có thể càng củng cố quyết tâm của Nhà Trắng về theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" trong thương mại.
Giới đầu tư cũng đang lo ngại Mỹ có thể sẽ bắt đầu áp thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc ngay sau khi kết thúc thời hạn tham vấn công chúng vào ngày thứ Năm tuần này. Trong khi đó, cuộc đàm phán Mỹ-Canada về cải tổ Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) vẫn tiếp tục.
Cổ phiếu hãng thương mại điện tử lớn thứ nhì Trung Quốc JD.com sụt 10,6%, đánh dấu phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp, sau khi cảnh sát nói rằng Giám đốc điều hành (CEO) Richard Liu của công ty này bị bắt ở Minneapolis vào tuần trước là do nghi án tấn công tình dục. Ông Liu phủ nhận có bất kỳ hành vi sai trái nào và đã được thả hôm thứ Bảy.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,3 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,63 lần.
Có tổng cộng 7,03 tỷ cổ phiếu được các nhà giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng phiên này, so với mức bình quân 6,15 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.